Xây dựng lòng tin cho thực phẩm sạch

Rau quả bày bán tại chợ dân sinh.
Rau quả bày bán tại chợ dân sinh.
TP - Gần đây, hàng loạt cửa hàng, siêu thị mini thực phẩm sạch được mở ra. Tuy nhiên, người tiêu dùng chỉ bỏ tiền ra mua niềm tin, bởi những thực phẩm này vẫn chưa được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ.

Bỏ tiền mua niềm tin

Do nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch đang được người dân đặc biệt quan tâm. Nên tại các thành phố lớn, các cửa hàng kinh doanh nông sản, siêu thị mini, bày bán thực phẩm đua nhau mọc lên. Ở Hà Nội, dạo một vòng qua các phố như: Trung Hòa, Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), Nguyễn Công Trứ, Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng)... hay một số khu đô thị mới, không khó để người tiêu dùng có thể tìm được một cửa hàng bán nông sản sạch, với đầy đủ các loại thực phẩm thiết yếu từ: đậu phụ, thịt lợn, rau cải, rau ngót… đến những loại thịt cá: thịt lợn mán, thịt lợn hữu cơ, cá thu, cá hồi…

Tham khảo giá tại một cửa hàng rau sạch có tiếng tại quận Hai Bà Trưng, bắp cải được ghi có xuất xứ từ Đà Lạt có giá 29.000 đồng/kg, cải thảo đóng mác VietGap có giá 35.000 đồng/kg, rau muống hữu cơ 32.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các chợ dân sinh, giá các loại rau này lần lượt là: 15 nghìn, 12 nghìn và 10 nghìn đồng/kg. Tương tự tại các cửa hàng rau an toàn khác, giá rau củ quả cao hơn giá ngoài chợ truyền thống trung bình khoảng 2 đến 3 lần. Giá cao là vậy, nhưng cứ vào đầu giờ sáng, các cửa hàng này lại chật cứng người mua, có lúc hàng chục người chen lấn chờ thanh toán tiền.

Chị Đỗ Thị Phương (phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm) người thường xuyên mua thực phẩm tại các cửa hàng rau sạch cho biết: Các loại như rau hữu cơ hay rau VietGAP, có mẫu mã, bao bì, nơi xuất xứ thì giá thành cao là đương nhiên… nhưng với một số loại rau, củ, quả bán tại đây, nếu nhìn bằng mắt thì không có gì khác ngoài chợ. “Tôi thấy buổi sáng chỗ rau này cũng chở xe máy đến như ở ngoài chợ thôi. Nhưng mua ở đây cảm giác vẫn yên tâm hơn”, chị này nói.

Chị Đậu Thanh Phương (quận Cầu Giấy) đồng tình: Rau quả bây giờ mua giá cao chỉ để lấy lòng tin. Bởi sau những vụ cơ quan chức năng phát hiện thực phẩm bẩn gắn mác an toàn thì tôi cũng không còn mấy tin tưởng vào bao bì nữa!

Minh bạch nguồn gốc để phát triển nông nghiệp bền vững

Trao đổi với phóng viên, một chủ đại lý thương hiệu măng tươi có tiếng cho biết, từ khi những thông tin về măng ngâm chất Vàng Ô khiến cho Cty mất hẳn thị trường bán lẻ tại các chợ dân sinh. Thay vào đó, doanh thu từ măng tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch lại tăng lên nhanh chóng. Khi được hỏi về việc các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch yêu cầu như thế nào về chất lượng măng, đại diện Cty khẳng định: Hầu hết các cửa hàng chỉ cần Cty xuất trình giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận ATVSTP chứ không kiểm soát hàng ngày cũng như không cử người đến chứng nhận vùng nguyên liệu.

“Chỉ có liên kết, giúp các sản phẩm nông nghiệp truy xuất được nguồn gốc, nền nông nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển bền vững”. 

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn bức xúc: Một số doanh nghiệp đang lạm dụng chứng nhận điều kiện kinh doanh để sử dụng cho những vùng nguyên liệu chưa được chứng nhận. Cần có chế tài xử phạt nghiêm cả người sản xuất lẫn kinh doanh. Đồng thời, Nhà nước nên khuyến khích sản phát triển những vùng sản xuất quy mô.

Tại hội thảo “Chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) đưa ra thông tin: Chỉ có 30% người tiêu dùng tại Hà Nội tin vào các chứng nhận thực phẩm sạch. Nguyên nhân là do các cơ quan cấp chứng nhận không quản lý, giám sát những sản phẩm được chứng nhận.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh khẳng định, ATVSTP đang là câu hỏi và nỗi lo lắng thường xuyên của tất cả mọi người dân. Do đó, minh bạch trong sản xuất thực phẩm là yêu cầu bức thiết của người tiêu dùng. Để thoát khỏi vòng xoáy của thực phẩm bẩn, các nhà sản xuất cần liên kết lại với nhau và cần phải biết cách tự bảo vệ, cùng đứng về một phía để phát triển thị trường cho thực phẩm sạch. “Cần xây dựng một chuẩn mực và quy tắc ứng xử chung, cung cấp thông tin minh bạch và tất cả những thông tin này đều có thể truy xuất được nguồn gốc dễ dàng qua các kênh thông tin như: điện tử, mạng internet, truyền thông…”, TS Minh nêu ý kiến.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, hiện nay đường đi của thực phẩm bị chi phối rất nhiều bởi nhà phân phối, đại lý. Vì thế, việc kiểm soát và nâng cao ý thức của kênh phân phối này sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn trong vấn đề minh bạch thực phẩm an toàn. “Chỉ có liên kết, giúp các sản phẩm nông nghiệp truy xuất được nguồn gốc, nền nông nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển bền vững”, ông Nam nói.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.