“Nóng” đến đâu?

“Nóng” đến đâu?
TP - Hôm nay, gần 1 triệu học sinh lớp 12 trên cả nước bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT kéo dài trong 3 ngày. Không khí thi cử bắt đầu nóng dần trên mặt báo, nhất là các trang báo mạng. Nhiều cái tít được giật lên theo kiểu “Sẵn sàng trước giờ G”,

> Cầm tay nhau trước ngày thi tốt nghiệp

“Sĩ tử ồ ạt tới Văn Miếu”... càng khiến sự kiện thi cử này thêm nóng.

Trên thực tế, bản chất của vấn đề có lẽ không nóng đến thế, nó chỉ là một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cuối cấp hết sức bình thường, đến hẹn lại lên, học sinh (HS) có học lực trung bình là cầm chắc suất đỗ.

Nhiều năm nay, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT bình quân cả nước rất cao, năm ngoái lên tới 95,72%, thậm chí 8 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có tỷ lệ tốt nghiệp bình quân lên tới 99,52% (năm 2010 là 99,14%).

Như vậy ở 8 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cứ 100 HS thi chỉ có chưa đầy... nửa em trượt, còn cả nước cứ 100 HS thì mới có gần 5 em trượt. Với kết quả thường xuyên như vậy, chắc chắn kỳ thi này không hề khó khăn với các sĩ tử nếu không muốn nói chỉ là “một cuộc dạo chơi” khá thoải mái với hầu hết HS.

Nghĩa là nó chỉ có vẻ nóng trên... mặt báo mà thôi. Trừ khi có sự cố đặc biệt nghiêm trọng kiểu như sự kiện thầy Đỗ Việt Khoa ở Hà Tây năm nào tố cáo tiêu cực, mở màn cho cuộc vận động “hai không” - Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - do Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân (nay là Phó Thủ tướng) phát động.

Năm nay, Bộ GD&ĐT lại có động thái tiếp tục “đơn giản hóa” kỳ thi này khi bỏ hàng loạt các quy định gây tốn kém, phiền phức. Đó là bỏ thi theo cụm, bỏ chấm chéo, và không có thanh tra ủy quyền mà giao nhiệm vụ này cho các Sở GD&ĐT.

Quy định mới nói trên xét về tính hiệu quả là hoàn toàn đúng đắn, bởi một kỳ thi tổ chức cho cả triệu thí sinh mà trung bình cứ 100 người chỉ loại ra có vài ba người, không nhất thiết phải huy động một bộ máy khổng lồ, tốn kém đến như vậy.

Nhớ lại những năm 1980-1990 trở về trước, việc thi tốt nghiệp cấp 3 thậm chí là thi đại học đâu có “ồn ào” như bây giờ, mọi chuyện diễn ra yên ả mà nghiêm túc, việc ai người nấy làm, không hề gây ra sự chú ý, thậm chí xáo trộn xã hội như bây giờ.

Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, bởi có thể thời đó chưa có kinh tế thị trường, chưa có các chiêu trò tiếp thị bán hàng, luyện thi rầm rộ nhằm vào HS và nhà trường như bây giờ, chưa có nạn dạy thêm học thêm, lò luyện quay cuồng như hiện nay... Và dĩ nhiên thời đó truyền thông cũng chưa phát triển như bây giờ.

Hy vọng cùng với những quy định mới nói trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ nay sẽ diễn ra như một hoạt động hết sức bình thường (song nghiêm túc) của ngành giáo dục, bớt đi những chộn rộn, lo toan, tốn kém không cần thiết cho xã hội.

Và như vậy, kỳ thi này cũng chẳng còn lý do gì để tiếp tục nóng... trên mặt báo nữa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.