Nóng chuyện 34.000 tỷ đồng và thi tốt nghiệp

Quang cảnh họp báo chiều 15/4 của Bộ GD&ĐT
Quang cảnh họp báo chiều 15/4 của Bộ GD&ĐT
TP - Hôm qua, tại cuộc họp báo định kỳ quý I/2014 do Bộ GD&ĐT tổ chức, các nhà báo tập trung chất vấn lãnh đạo Bộ này hai vấn đề nóng nhất hiện nay: hơn 34.000 tỷ đồng cho đổi mới Chương trình - Sách giáo khoa và những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Riêng đề tài “34.000 tỷ”, có nhiều câu khó khiến Bộ GD&ĐT không thể trả lời…

34.275 tỷ đồng chi những gì, “thú thực tôi không nhớ”…

Theo ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Thường trực Ban soạn thảo Đề án Đổi mới Chương trình – SGK giáo dục THPT sau năm 2015 cho biết con số 34.275 tỷ đồng chỉ là một khái toán được đưa ra để tạm hình dung tính khả thi của đề án. Còn để đưa ra một dự toán chính thức, Bộ GD&ĐT phải qua quá trình thẩm định của Bộ Tài chính cũng như rất nhiều cơ quan.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo đề án xin tiếp thu, lắng nghe tất cả các ý kiến phản biện của các cơ quan, của báo đài, của các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện trong một đề án cụ thể, trong đó có phần đề xuất về kinh phí.

Khi một số báo hỏi về việc rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất đã được đầu tư phục vụ Chương trình – SGK phổ thông hiện hành mà Bộ GD&ĐT triển khai từ năm 2002 đến nay, ông Thống cho biết Bộ GD&ĐT đã làm trước khi xây dựng đề án.

Ông Thống nói: “Tinh thần đổi mới của lần này là sẽ tận dụng tất cả những trang thiết bị đã có, chỉ bổ sung những cái hết sức thiết thực, tăng cường thí nghiệm ảo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tránh việc đầu tư quá nhiều.

Lần đổi mới này, cái quan trọng nhất không phải là đổi mới nội dung mà là cách dạy và cách học. Muốn hình thành năng lực cho học sinh thì phải đổi mới hình thức tổ chức dạy học là chính, do vậy số đầu tư cho trang thiết bị sẽ không nhiều như lần trước”.

Tuy nhiên, ông Thống cũng không trả lời số tiền mà nhà nước đã đầu tư cho trang thiết bị, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình - SGK hiện hành là bao nhiêu.

Trước việc có nhiều phóng viên nhắc lại câu hỏi 34.275 tỷ bao gồm chi những đầu mục gì, ông Thống buộc phải trả lời: “Hôm qua Thứ trưởng Hiển đã nêu lên bảy, tám đầu việc, thú thực là tôi không nhớ vì phần này tôi không phụ trách. Nhưng trong những đầu việc này không chỉ có mỗi việc xây dựng chương trình và biên soạn SGK mà còn có đào tạo, bồi dưỡng lại hàng triệu giáo viên đang đứng lớp của 35 nghìn nhà trường trên cả nước trong hàng chục năm trời”.

Theo ông Thống tên đề án làm cho dư luận hiểu nhầm là chỉ có mỗi việc xây dựng chương trình biên soạn SGK.

Thi tốt nghiệp: Thay đổi nhưng không gây sốc

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT, việc xét tốt nghiệp căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 kết hợp với điểm thi là cách mà nhiều nước có nền giáo dục phát triển áp dụng, năm nay sẽ bắt đầu được triển khai ở nước ta.

Trước nghi ngại của dư luận là 100% học sinh sẽ đỗ tốt nghiệp, ông Trinh cho rằng các Sở GD&ĐT đã chủ động triển khai quản lý điểm bằng phần mềm, theo đó việc sửa điểm là rất khó.

Mặt khác, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý những sai phạm. Hơn nữa, về lâu dài Bộ phải dùng giải pháp khơi dậy tinh thần - ý thức tôn trọng nghề nghiệp của nhà giáo và tính tự giác của người học, tạo môi trường giáo dục mà ở đó là thực dạy thực học, dạy tốt quản lý tốt.

Ông Trinh còn cho biết, những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn xoay quanh một cái trục nguyên tắc là tạo những thuận lợi cho học sinh, không làm sốc học trò.

“Việc đổi mới của chúng ta sẽ diễn ra theo lộ trình, từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao. Bộ chủ trương đổi mới nhưng không làm khó học sinh, ra đề vừa sức học sinh nên chỉ yêu cầu các em viết và làm trắc nghiệm”, ông Trinh nói.

MỚI - NÓNG