Nói tiếp về từ ghép

Nói tiếp về từ ghép
TP - Ngay cả trong một nước thôi, phương ngữ thổ ngữ nhiều, rất lắm khi phải áp dụng công thức ghép từ. Chẳng hạn, một từ Nam, một từ Bắc…

Một từ tiếng Anh khác cũng đang được Việt hóa. Đem ra nói ở đây chỉ vì nó cũng thành một từ thừa, thừa theo kiểu những cụm từ Hán Việt đã nói ở một bài trước. Fan hâm mộ. Hoàn toàn có thể viết là người hâm mộ, không hề dài hơn cụm từ ghép Anh Việt kia. Đã fan lại còn hâm mộ. Sợ viết mỗi chữ fan ngoại lai thì người đọc không hiểu, phải thêm chữ hâm mộ để giải thích. Coi như một bước đệm để tiến dần đến chỗ có thể bỏ dần chữ hâm mộ, để chỉ còn giữ lại một chữ fan.

Cũng có thể không lược bỏ mà sẽ giữ luôn cụm từ nửa Anh nửa Việt. Giống như từ quán bar. Có thể một ngày nào đó từ điển tiếng Việt sẽ phải đưa chữ fan này vào, thậm chí Việt hóa mà viết thành phen. Có thể sẽ phải đưa chữ bar này vào, thậm chí Việt hóa mà viết thành ba, hoặc barơ.

Thao tác mưa dầm thấm lâu này không hề lạ. Thuở ban đầu, khi bê một số từ tiếng Hán vào tiếng Việt, người ta cũng làm theo công thức: một từ ngoại + một từ giải nghĩa: cấp bậc, áo bào, binh lính, mũ miện, gạo mễ, cây cổ thụ, nội trong ngày, nội nhật trong ngày…

Và thời nay, muốn không viết thừa, thì không chỉ hiểu từ Hán Việt, mà có khi phải biết cả tiếng Pháp, tiếng Anh. Để mà không viết fan hâm mộ, quán bar, pê đan bàn đạp, mô đen hiện đại… Cái xe to chở khách, hoặc chở công nhân đi làm học sinh đi học, gọi là xe ca (chắc là từ chữ car, cái xe có động cơ). Cái xe nhỏ ngày trước thường dùng cho chỉ huy quân đội, gọi là com măng ca (command car, xe chở chỉ huy).

Ngay cả trong một nước thôi, phương ngữ thổ ngữ nhiều, rất lắm khi phải áp dụng công thức ghép từ. Chẳng hạn, một từ Nam, một từ Bắc. Say xỉn = Say + Xỉn. Say là từ Bắc, xỉn là từ Nam. Nói say thôi, có thể nhiều người Nam chựng lại. Nói xỉn thôi có thể nhiều người Bắc ngỡ ngàng. Người ta ghép hai từ đồng nghĩa, thành một từ có thể dễ hiểu hơn với cả hai. Một từ mang tính thống nhất, hai miền.

Đây cũng là một từ mang tính thống nhất: là ủi. Hành động dùng một vật nóng miết trên quần áo làm cho nó phẳng ra, miền Bắc nói: là quần áo. Miền Nam nói: ủi quần áo. Cái bàn là ở miền Bắc, miền Nam gọi là cái bàn ủi. Thế rồi để cho dễ hiểu với cả hai, xuất hiện một động từ là từ ghép: là ủi.

Cũng là một vật, miền Bắc gọi là đi tất, miền Nam gọi là mang vớ. Miền Bắc có câu đùa: đi giày không tất thà đi đất còn hơn. Rồi cũng để cho dễ hiểu với cả đôi, có người viết: Nó đi giày mà chẳng chịu mang tất vớ gì cả.

Rồi có khi lại là một tính từ. Bắc bảo điên. Nam bảo khùng. Dường như nó tách ra từ một từ ghép: điên khùng. Chữ lừa gạt cũng ghép như vậy, Bắc bảo lừa, Nam bảo gạt.

Một đứa cháu từ Sài Gòn ra Hà Nội chơi. Cháu giúp cho bà dì tập đi xe máy. Cháu ngồi đằng sau, dì ngồi run run lái xe đằng trước. Ngang qua chỗ chợ đông người, đáng lẽ bóp tay phanh, dì lại cuống lên rồ ga tăng tốc. Xe sầm sầm lao tới, đám quang gánh chạy dạt. Đứa cháu ngồi sau hoảng quá hét lên: Dì thắng, dì thắng. Lúc ấy dì cũng đang hoảng, dì lại càng chẳng hiểu thắng là gì. 

Sau một cú hoảng hồn suýt gây tai nạn, cái câu dì thắng được dịch là dì phanh, dì phanh xe lại ngay. 

Rồi tự bao giờ, xuất hiện một từ thống nhất hai miền: phanh thắng. Chẳng hạn: không có ý kiến trái chiều, thì chẳng khác gì xuống dốc mà không có phanh thắng.

MỚI - NÓNG