Nổi loạn để câu like

TP - Liên tục từ đầu năm đến nay, các hiện tượng “bão mạng” đều thuộc về những bad boy (thuật ngữ chỉ “trai hư”) gây hiệu ứng và ảnh hưởng đến hàng triệu khán giả. Trong số fan hâm mộ có thể tính là cuồng nhiệt này, hầu hết là người trẻ từ vị thành niên đến thanh niên.

Đốt sách, đi tù... triệu like

Ngày 12/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa phải gửi thông báo chỉ đạo Sở GD&ĐT làm rõ, xử lý nghiêm vụ nhóm rapper Việt bị tố đốt sách vở của học sinh trường Amsterdam để quay MV.

Trước đó, để quay một cảnh cho MV mới, vì thiếu đạo cụ, nhóm rapper có tên “LOCOBoiz” được cho là đã lấy sách vở từ trong ngăn bàn học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam ra đốt. Hôm sau, khi đến lớp, nhiều học sinh phát hiện bị mất sách vở, bàn ghế trong phòng học ngổn ngang, nhiều đạo cụ bị vứt bừa bãi, thậm chí còn có cả vỏ bao thuốc lá, tàn tro vương vãi khắp nơi... Sự việc bị đẩy lên cao khi một rapper của nhóm đăng tin xin lỗi và ví việc đốt sách của học sinh là “đốt vàng mã”, “giúp các bạn giảm bớt áp lực học tập”.

Nổi loạn để câu like ảnh 1 Nhóm rapper nhờ chuyện “đốt sách” mà nổi tiếng

Nhóm LOCOBoiz gần như nổi tiếng sau một đêm với rất nhiều bào chữa từ khán giả trẻ tuổi: hay mà, ngầu vãi, có gì đâu mà rộn!!!

Đầu tháng 3, cộng đồng mạng cũng nổi sóng vì bức ảnh Khá Bảnh cùng bạn bè dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc. Không lâu sau đó Bảnh bị công an phạt nguội. Và clip trần tình của nhân vật này cũng lập tức được share chóng mặt dù nội dung ngô nghê.

Khá Bảnh tên thật là Ngô Bá Khá trở thành hiện tượng mạng nhờ các clip tục tĩu, phô bày cuộc sống giang hồ, đòi nợ thuê cũng như quá khứ từng nhiều lần vào tù ra tội. Trang fanpage của Khá Bảnh có khoảng hơn 600 nghìn lượt theo dõi và kênh youtube có gần nửa triệu người đăng ký. Vào cuối năm 2017, Khá Bảnh ra tù được đông đảo “anh em” đến đón, video này khi chiếu trên kênh youtube đã thu hút đến 9 triệu lượt xem.

Nhà báo Phạm Gia Hiền đánh giá, Khá Bảnh có sức ảnh hưởng đến giới trẻ ngang với Sơn Tùng MT-P. Anh Hiền cho rằng, những người này để đầu gì, mặc thế nào, ăn uống ra sao... là hàng triệu thanh niên lấy đó làm chuẩn mực.

Tuổi nổi loạn và tâm lý đám đông

Hiện tượng đôn một “trai hư” lên làm thần tượng khá phổ biến trong cộng đồng thanh thiếu niên trên phạm vi toàn thế giới. Lý giải về câu chuyện này, Thạc sĩ tâm lý Trần Hà Trang chia sẻ: “ở lứa tuổi teen không còn là trẻ con nhưng cũng chưa thật là người lớn, đây là quãng thay đổi tâm sinh lý rất điển hình, mà chúng ta hay gọi là tuổi nổi loạn. Thanh thiếu niên trong lứa tuổi này tìm đủ cách để tự khẳng định. Đầu tiên bằng những dấu hiệu bên ngoài, thay đổi cách ăn mặc gây chú ý, nói năng độc đáo, đi đứng theo điệu bộ nhất định. Tiếp đó, họ thích vượt tabou (những điều cấm kỵ), thích cảm giác được “ngước nhìn” và giống với đám đông thời thượng”.

Đặc điểm tâm lý này cũng lý giải vì sao giới trẻ rất dễ bị đu theo những trào lưu được cho là thời thượng bất chấp phải trái đúng sai. Vụ việc tạo vết thương trên cơ thể theo hình cá voi xanh, tạo hình giống với búp bê Momo, leo lên nhà cao tầng, tháp cao để chụp ảnh tự sướng... thời gian trước là những ví dụ điển hình.

Nổi loạn để câu like ảnh 2 Thạc sĩ Trần Hà Trang

Về xu hướng “thần tượng người hư”, chị Hà Trang cho biết: “Bad boy luôn được hoan nghênh hơn good boy, đó là quy luật tâm lý có từ thời thượng cổ. Người hư thường được gắn liền với tự do, có sức mạnh và hấp dẫn... Thời nào và ở đâu phụ huynh cũng sẽ bị đau đầu vì những đứa con trở nên “không chịu nổi” khi chúng dậy thì. Đây là hiện tượng bình thường và qua lứa tuổi đó, đa phần thanh niên sẽ lại “sống và làm việc theo pháp luật”.

Bad boy Đinh Sắt nổi tiếng một thời cũng chia sẻ về sở thích hâm mộ người hư như sau: “Có những trào lưu thoạt nghe mình chả có cảm giác gì đâu. Ví dụ như thời của tôi, rất nhiều thanh niên ra đường giắt theo côn nhị khúc. Thấy nhiều người làm quá, mình cũng phải lùng bằng được một cái cho bằng chị bằng em. Cảm giác nếu mình không có côn thì mình quê mùa lắm.

Cần những người làm gương

Để giảm bớt sức ảnh hưởng lên giới trẻ của những tấm gương “đen”, theo Tiến sĩ xã hội học Dương Hà Linh, phải có những người nổi tiếng làm điều ngược lại.

“Tất nhiên, lờ đi thì các hiện tượng nổi tiếng bong bóng sẽ nhanh chóng bị xẹp. Nhưng chúng ta không thể ép hay khuyên con em mình làm điều này”, chị Hà Linh nói thêm.

Chị Linh đưa ra một ví dụ, song song với thông tin về Khá Bảnh và nhóm rapper đốt sách, thách thức để thay đổi (Challenge For Change) hay trào lưu dọn rác mấy ngày vừa qua cũng gây ảnh hưởng mạnh mẽ không kém. Theo nhiều thống kê, đây là hashtag được chia sẻ và hưởng ứng nhiều nhất trên mạng xã hội. Cụ thể, tại Việt Nam, giới trẻ hưởng ứng “trò chơi” này khá nhiệt tình, kéo dài suốt từ Nam ra Bắc. Theo đó, những tấm ảnh trước và sau khi đống rác ở khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên, trong rừng, ngoài biển... được dọn liên tục được like và share trên facebook.

Nổi loạn để câu like ảnh 3  Trào lưu dọn rác được giới trẻ Việt Nam hưởng ứng rộng rãi (ảnh chụp trước và sau khi dọn rác)

Được khởi xướng từ tài khoản Facebook Byron Roman ngày 5/3, «Trào lưu dọn rác» có mục đích kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng về việc xả rác thải nhanh chóng được nhiều facebooker và nhân sĩ trí thức nổi tiếng chia sẻ, đã dần trở thành một trào lưu. Câu nói của một người tham gia Challenge For Change cũng nhanh chóng trở thành slogan của giới trẻ: «Đây là một thử thách mới cho tất cả những bạn thiếu niên chán chường. Chụp ảnh một nơi nào đó cần được dọn dẹp hoặc tu sửa, sau đó chụp ảnh nơi đó khi bạn hoàn thành việc dọn dẹp hoặc tu sửa, và đăng nó lên đây”.

Nguyễn Duy Tùng (Đà Lạt) chia sẻ: “Sau khi cả nhóm cùng dọn sạch rác quanh hồ Tuyền Lâm, cảm giác như mình vừa lắc vai thành siêu anh hùng vậy. Cả cây số dọc hồ trở nên sạch sẽ không còn một vỏ nilon, đăng ảnh khoe face chưa bao giờ nhận được nhiều tim như thế”.

Thanh Kiu (Đà Nẵng) viết: “Đi một tiếng dọc Sơn Trà thu về 12kg rác thải. Dọc đường đi xuống còn có người vỗ tay. Vui gì đâu”.

Thạc sĩ tâm lý Trần Hà Trang cho biết: “Xét cho cùng, việc dọn rác kia về kết quả là tốt, song quá trình không dễ. Chính điều đó mới thu hút nhiều người trẻ tham gia thử thách”.

Những ngôi sao, người có ảnh hưởng xã hội... nếu tạo được các hoạt động có tính thử thách và có nội dung lành mạnh thì vẫn có thể tạo viral (lan truyền) rộng rãi không thua gì Khá Bảnh hay Sơn Tùng M-TP. 

Thạc sĩ Trần Hà Trang

MỚI - NÓNG