Nội chiến Syria và thời của gián điệp

Nội chiến Syria và thời của gián điệp
Nỗi lo sợ gián điệp - những kẻ chỉ điểm được trả tiền hậu hĩnh - tồn tại trong chính quyền cũng như phe nổi dậy ở Syria hiện nay. Cả hai phía đều lo sợ và ra sức lợi dụng đội quân chỉ điểm này.
Một bữa ăn của chiến binh phe nổi dậy ở Aleppo
Một bữa ăn của chiến binh phe nổi dậy ở Aleppo.

Nỗi sợ hãi này ngày càng tăng trong cuộc nội chiến và đẩy người dân vào cảnh chết chóc, đói nghèo. Phe nổi dậy cũng không tin vào lòng trung thành của những kẻ chỉ điểm ngay trong hàng ngũ của họ và thậm chí nghi ngại cả các phóng viên báo chí và nhân viên cứu trợ nhân đạo - những người mà trước đây họ rất tin tưởng, đồng thời hoan nghênh sự có mặt của họ.

Đại tá phe nổi dậy Abdul-Jabbar Aqidi đang ngồi tại trường học nơi được sử dụng làm cơ sở chỉ huy. Aqidi, lãnh đạo Hội đồng Quân sự thành phố Aleppo, đang lo nghĩ về kế hoạch ăn tối cùng với một nhóm chiến binh ngay trên mặt trận. Nhưng, cho dù đang có mặt ngay trên vùng đất do phe nổi dậy kiểm soát, Aqidi và các phụ tá của ông cũng không dám lớn tiếng thảo luận về sự di chuyển sắp tới của họ.

Aqidi nói thẳng: "Gián điệp bây giờ nhan nhản khắp nơi. Chúng gây tổn thất cho chúng tôi khi mật báo với chính quyền về những sự đi lại cũng như kế hoạch chiến đấu của chúng tôi. Khi tôi ra ngoài, ngay đến những người trong cùng phe cũng không hề biết tôi sẽ đi đâu".

Nỗi lo sợ gián điệp - những kẻ chỉ điểm được trả tiền hậu hĩnh - tồn tại trong chính quyền cũng như phe nổi dậy ở Syria hiện nay. Cả hai phía đều ra sức lợi dụng đội quân chỉ điểm này để mở những chiến dịch tấn công mục tiêu. Ví dụ, ngay đến các sĩ quan cao cấp trong chính quyền Assad muốn đào ngũ cũng được yêu cầu ở yên tại vị trí để bí mật cung cấp thông tin tình báo cho phe nổi dậy.

Tương tự, phe nổi dậy cho biết, họ cũng chịu nhiều thất bại do những kẻ chỉ điểm nằm ẩn sâu bên trong hàng ngũ của họ. Mọi người đều có thể trở thành kẻ chỉ điểm cho bất cứ phe phái nào trong cuộc nội chiến tương tàn này nếu được trả tiền.

Trong thời gian qua, bộ phận chỉ huy của Quân đội Giải phóng Syria (FSA) cũng nhanh chóng tạo dựng một đơn vị tình báo riêng để loại trừ ra khỏi hàng ngũ những tên gián điệp, đồng thời cố gắng chiêu mộ những kẻ chỉ điểm bên trong chính quyền Tổng thống Bashar al Assad.

Các chiếc xe của đại tá Aqidi đều lỗ chỗ những vết đạn bắn từ các cuộc tấn công mà ông tin chắc do gián điệp giấu mình bên trong hàng ngũ của ông thực hiện.

Năm 2012, con trai của Aqidi bị thương trong một cuộc tấn công bất ngờ như thế. Aqidi cũng thay đổi số điện thoại cá nhân rất nhiều lần vì nghi ngờ mình đang bị theo dõi.

Sự nghi ngờ của Aqidi còn lan đến giới nhà báo và nhân viên cứu trợ nhân đạo. Tháng 8/2013, một trang web của chiến binh phát đi khuyến cáo rằng mọi nhà báo đều có thể bị bắt cóc, tra tấn và lùng sục do nghi ngờ hoạt động gián điệp.

Tháng 9 vừa qua, cuộc đụng độ nổ ra giữa chiến binh FSA và nhóm nổi dậy có quan hệ với Al- Qaeda gọi là "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria" khi nhóm cực đoan này bắt giữ một bác sĩ người Đức đang trên đường đến một bệnh viện địa phương vì cho rằng người này đang giữ băng video về căn cứ của họ.

Ở Bustan Qasir, vùng ngoại ô Aleppo chịu sự kiểm soát của phe nổi dậy, các nhà báo không được phép chụp ảnh hay quay phim nếu không được giới lãnh đạo của phe nổi dậy cho phép bởi vì họ lo ngại gián điệp sẽ tiết lộ những vị trí của họ cho quân đội chính phủ.

Chuẩn tướng Yahya Bittar, chỉ huy bộ phận tình báo của Hội đồng Quân sự Tối cao - bộ chỉ huy trên danh nghĩa của FSA, cho biết ông có nhiều mạng lưới gián điệp ở khắp Syria để giám sát chặt chẽ các chiến binh FSA phòng khi họ trở thành kẻ chỉ điểm cho chính quyền Assad.

Bittar không tiết lộ ông có bao nhiêu gián điệp mà chỉ nói họ được huấn luyện tình báo và có những người từng làm việc cho chính quyền, bao gồm các cơ quan an ninh quốc gia và quân đội!

Những kẻ bị nghi ngờ chỉ điểm sẽ bị theo dõi và cuối cùng bị đưa đến cơ sở tình báo của phe nổi dậy ở Bab Hawa nằm ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hoặc trao cho các tòa án Hồi giáo địa phương để thẩm vấn.

Nhưng, ông Bittar bác bỏ cáo buộc những tù nhân loại này bị đánh đập, tra tấn. Những người bị buộc tội làm gián điệp có thể bị bỏ tù hoặc tử hình. Phe nổi dậy chỉ đơn giản cho rằng những vụ nã pháo vào các căn cứ và phòng chiến dịch của họ là bằng chứng cho thấy có gián điệp bên trong hàng ngũ FSA!

Theo ông Bittar, sự nghi ngờ nảy sinh khi một chiến binh gọi điện thoại cá nhân, nhất là ngay sau khi xảy ra một vụ tấn công vào khu vực của phe nổi dậy, hay một chiến binh nào đó không bao giờ tham gia chiến đấu.

Yahya Bittar cho biết: "Kẻ chỉ điểm nằm trong hàng ngũ gây thiệt hại cho chúng tôi nhiều hơn những gì mà chúng tôi được lợi từ các gián điệp bên trong chế độ. Chính quyền giám sát được mọi đường truyền thông tin nhưng chúng tôi không có khả năng như thế cho nên kẻ chỉ điểm trong hàng ngũ dễ dàng cung cấp thông tin cho chính quyền".

Nói chung, phe nổi dậy chỉ dựa vào các chốt kiểm soát để loại bỏ những kẻ bị nghi ngờ là gián điệp cho chính quyền.

Theo An Di

An ninh Thế giới

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.