Nỗi buồn hậu thủy điện

Khu tái định cư Đăk P’lao
Khu tái định cư Đăk P’lao
TP - Thủy điện Đồng Nai 3 đã hòa lưới điện quốc gia nhưng đến nay những hứa hẹn về sự thay đổi đối với cuộc sống người dân chưa thấy đâu.
Khu tái định cư Đăk P’lao
Khu tái định cư Đăk P’lao.

Khu tái định cư xã Đăk P’Lao (huyện Đăk G’long, tỉnh Đăk Nông) từng được kỳ vọng là “thành phố trong mơ” với những căn nhà khang trang, có đầy đủ điện, bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại...mà ở vùng đất cũ người dân chẳng dám nghĩ tới. Thế nhưng những ngày này, đi trên đoạn đường từ Quốc lộ 28 dẫn vào khu tái định cư, đất đã bong tróc, loang lổ. 

Đến đâu cũng nghe những lời than vãn của người dân về sự xuống cấp nhanh chóng của các công trình, cùng với tình trạng thiếu nước, thiếu đất sản xuất. Mới chuyển lên ở được hơn năm nay, nhưng hơn 400 căn nhà ở đây đã xuống cấp, có nhiều căn nhà không thể ở.

Ngồi trước nhà cộng đồng của thôn 4, bà Triều Thị Liên buồn rầu kể : “Nhà tôi được cấp ở phía dưới vực, mùa mưa năm nay nước bắt đầu xối thẳng vào nhà. Nước chảy qua từ trên đồi vào nhà vệ sinh, rồi tống thẳng vào phòng khách, bao nhiêu đồ đạc trong nhà đều ướt nhẹp. Mỗi lần mưa, đất phía trên lở từng mảng lớn tống xuống nhà, chẳng đêm nào ngon giấc”.

Không còn chốn nương thân, bà Liên phải xin chính quyền lên ở nhà cộng đồng của thôn 4. “Lên tái định cư tưởng sướng hơn, ai dè bây giờ nhà cũng không có mà ở”- bà bức xúc.

Là hàng xóm của bà Liên, nhà của anh Hoàng Văn Lập cùng chung cảnh ngộ, cứ mỗi lần mưa rơi lộp bộp trên mái tôn là anh lại phải ngồi canh để chặn dòng nước từ phía trên đổ thẳng vào nhà . Anh rầu rầu :“ Nước mang đất đá vào lấp hết nhà vệ sinh, nhà tắm rồi, bây giờ muốn đi vệ sinh cũng phải đi nhờ hàng xóm, cực chẳng đã mới phải ở, không ở thì còn biết đi đâu. Cả thôn được cái nhà cộng đồng thì cho bà Liên ở rồi”.

Do khu tái định cư được đặt trên những ngọn đồi cao, độ dốc lớn nên nguồn nước sinh hoạt ở đây rất khan hiếm, kể cả vào mùa mưa. Theo ông K’Tộc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk P’lao hơn 80% hộ dân ở đây thiếu nước sinh hoạt. Đã có 41 hộ lên đây nhận nhà không ở mà bỏ đi nơi khác.

“Khi nào trời mưa thì dùng nước trời còn không thì dùng nước dưới sình. Nước sinh hoạt ở đây tới 50 ngàn đồng/1m3. “ Ở chỗ cũ suối chảy sau lưng nhà, muốn dùng bao nhiêu dùng, nay lên đây nước quý như vàng, khát cả trong mùa mưa” - bà H’Kim đang lau chùi bể nước chờ hứng nước mưa, ngao ngán.

Ông K’ Klăm, Chủ tịch MTTQ xã lo lắng “Tiền đền bù, hỗ trợ lên đây người dân đã mua sắm và ăn uống hết rồi, đất sản xuất thì phần lớn chưa có nên không có nguồn thu nhập, có ai thuê thì đi làm không ở nhà chơi. Nhiều nhà bây giờ đang phải chạy ăn từng bữa”.

Ông Hà Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch huyện cho biết, UBND tỉnh đã nhiều lần đề nghị Ban Quản lý Dự án Thủy điện 6 (chủ đầu tư thủy điện Đồng Nai 3) giải quyết dứt điểm các hậu quả, nhưng họ vẫn cứ dây dưa, đến nay còn nợ dân 26 tỷ đồng tiền đền bù. Tới đây sẽ đắp một hồ nước để bà con có đủ nước sinh hoạt. Đất sản xuất quy hoạch được 4.905ha, nay vẫn đang thuê đơn vị tư vấn để hoàn thành hồ sơ trình HĐND tỉnh vào cuối năm nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.