Nhưng từ “nổ” thời nay, ngoài hai nghĩa “chính thống” kể trên, đang được dùng phổ biến dưới dạng từ lóng, thể hiện việc ai đó nói về mình theo cách thổi phồng quá đáng. Bảo ai đó “nổ” có nghĩa là người đó hay khoác lác, khoe khoang hoặc cả hai.
Chuyện một công ty có tên rất “nổ” là Rừng Toàn Cầu khoe có số vốn điều lệ lên tới cả trăm ngàn tỷ đồng, có thể huy động ba bốn chục tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, trong nháy mắt có thể quyết định tài trợ từ thiện cả vài chục đến vài trăm tỷ đồng, có lẽ không có từ nào miêu tả thích hợp hơn từ “nổ”. Một chuyên gia đã nhận định, cả bộ máy chính phủ bao nhiêu bộ ngành, bao nhiêu con người mà chạy vạy ngược xuôi mới thu hút hơn chục tỷ USD đầu tư nước ngoài thì chỉ một công ty gia đình tuyên bố xanh rờn, làm như họ in được tiền, quả là rất khó tin. Nhưng vẫn có người tin, và số này cũng không hiếm lắm.
Cách nay vài tháng là vụ việc lừa đảo liên quan đến cái gọi là “Hoa mai hội”, rồi “Gia đình rồng” mà các bị can cũng “nổ” tung trời về những kho vàng, kho tiền cổ, đô-la, với những chức danh xủng xoẻng “tổng tài chủ” “cố vấn ban chiến lược trung ương”…
Điều quan trọng là cái sự “nổ” trong xã hội, qua một số vụ việc cho thấy, đã không còn chỉ gói gọn trong những câu ba hoa bông đùa lúc trà dư tửu hậu. Trong nhiều vụ án, một số kẻ “nổ tanh bành” về năng lực bản thân, về tiềm lực tài chính nhưng sau đó tài sản, tiền bạc và nhiều lợi ích vật chất họ chiếm được, hoặc lừa đảo được, hoàn toàn là thật. Và cái sự “nổ” này hoàn toàn có ý thức, có mục đích.
Trở lại vụ việc Rừng Toàn Cầu, rồi đây cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ động cơ, mục tiêu, mục đích thực sự của những hoạt động “đầu tư”, “từ thiện” rùm beng mà “tập đoàn” này thực hiện khắp các địa phương trong thời gian qua.
Và qua vụ việc này, nhiều lỗ hổng trong các luật lệ, quy định liên quan đến việc đăng ký kinh doanh, đăng ký vốn điều lệ, sự giám sát hoạt động của những dự án được nói là dạng “khủng” hay ngay cả những hoạt động tài trợ, từ thiện…đã lộ diện.
Tuy nhiên, cho dù tất cả những việc đó được thực thi, cho dù sẽ có ai đó bị pháp luật sờ gáy, thì vẫn còn đó một câu hỏi lớn: Từ đâu, từ bao giờ, xã hội ta “ưa chuộng” và phổ biến động từ “nổ” với ý nghĩa xấu như thế, vì sao hư danh lại có nhiều đất sống như vậy?