Khoảng 6.400 giáo viên mầm non bỏ việc
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) hiện nay, toàn quốc có 368.968 giáo viên mầm non, trong đó, có hơn 15.000 trường hợp thuộc diện hợp đồng, còn lại là biên chế. Quy định, tỉ lệ giáo viên/lớp các trường công lập theo định mức biên chế là 2,2 giáo viên/lớp nhưng tất cả các vùng miền trên toàn quốc hiện không đạt.
“Toàn quốc thiếu hơn 44.000 giáo viên mầm non. So với các cấp học khác, số lượng giáo viên ở bậc học này đang thiếu rất lớn. Năm 2022, có khoảng 16.000 giáo viên bỏ việc, trong đó có tới 40% là giáo viên mầm non”, ông Tuấn Anh cho hay.
Bộ GD&ĐT thống kê, trung bình mức lương của giáo viên tiểu học - THCS ra trường trong vòng 5 năm hơn 6 triệu đồng thì giáo viên mầm non chỉ được khoảng 5 triệu. Mức thu nhập này bằng, thậm chí thua công nhân lao động ở các khu công nghiệp.
Bộ GD&ĐT cho rằng, giáo viên mầm non nghỉ việc nhiều do làm việc áp lực, đồng lương quá thấp |
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đang xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới và dự kiến sẽ triển khai thực hiện vào năm học 2024-2025.
“Thời gian tới sẽ bổ sung chính sách cho giáo viên mầm non, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao năng lực nghề nghiệp và giảm giờ làm việc, hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó khăn”, ông Minh nói.
Đổi mới phải từ mầm non
Tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đặc biệt lưu ý đến cấp học mầm non, bởi đây là cấp học có tính chất quyết định tương lai của trẻ em cả về phương diện thể chất, tinh thần. Với mục tiêu xa hơn, Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị biên soạn một chương trình để nâng cao chất lượng dạy và học.
Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện tinh giản biên chế một cách linh hoạt, trước mắt xem xét không tinh giản biên chế với cấp học mầm non; không tinh giản biên chế 10% cào bằng giữa các vùng, miền trong cả nước.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đây là lực lượng cần chăm sóc nhiều nhất về chế độ, chính sách, điều kiện làm việc.
Khẳng định đổi mới và gia tăng chất lượng giáo dục con người phải bắt đầu từ mầm non, ông Sơn cho biết, trong thời gian tới sẽ phải lưu ý xây dựng chương trình liên ngành, tích hợp, bao hàm cả chính sách về dinh dưỡng, phát triển thể chất, tinh thần, đi cùng các giải pháp cho các vấn đề xã hội và cuộc sống khác có liên quan.
Bên cạnh đó, cần chú ý tính khả thi của chương trình đặt trong điều kiện thực tiễn, đặc thù khu vực khó khăn trên cơ sở tính phổ biến, tính chung của đối tượng và 63 tỉnh, thành phố.
Trong các yếu tố quan trọng để đảm bảo chương trình thành công, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò đội ngũ giáo viên để đào tạo mới, đào tạo lại, tập huấn nâng cao chất lượng cả trường công lập lẫn tư thục.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng chính sách tiền lương mới.
Cụ thể, xếp lương bậc 2 cho giáo viên mới tuyển dụng vào ngành giáo dục; đối với giáo viên hợp đồng đảm bảo mức lương không thấp hơn mức lương trung bình của doanh nghiệp cùng khu vực; giáo viên được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên như giáo viên trong biên chế; được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định. Đồng thời, nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non (đang hưởng mức 35% và mức 50%) lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%.
Theo tính toán, với đề xuất này sẽ có hơn 200.000 giáo viên mầm non thuộc đối tượng hưởng lợi.