Khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII:

Nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội về kết quả phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2015, ngày 21/3. Ảnh: Như Ý.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội về kết quả phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2015, ngày 21/3. Ảnh: Như Ý.
TP - Báo cáo trước Quốc hội về kết quả phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011- 2015 và Kế hoạch 2016- 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn cho rằng, kinh tế,  xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%); sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí.

Áp lực trả nợ lớn

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015 đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt. Tuy nhiên, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế,  xã hội trong 5 năm qua (2011- 2015) phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng GDP thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn, nhất là nông sản. Số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế còn ít, tăng chậm; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thấp. Chưa huy động được nhiều nguồn lực của khu vực ngoài nhà nước vào đầu tư phát triển. Chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm; năng suất nhiều ngành, lĩnh vực thấp, công nghệ còn lạc hậu. Năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao.

Một hạn chế cũng được Chính phủ chỉ ra là cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chi chưa hợp lý; chi thường xuyên tăng nhanh; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP. Bên cạnh đó, nợ công còn tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn và nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%). Việc sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng chỉ ra một hạn chế là việc tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm so với yêu cầu. “Một số doanh nghiệp triển khai chưa quyết liệt, có nơi thể hiện trách nhiệm chưa cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao; một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn lớn chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Bán hết phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ

Đề cập đến mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế, xã hội trong 5 năm tới (2016- 2020), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các loại hình doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng khẳng định, sẽ tập trung cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán hết phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường; sử dụng một phần số tiền thu được cho đầu tư phát triển. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí; cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển; khai thác và chế biến hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá; du lịch biển đảo…

Một nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ xác định là thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng tỉ trọng thu nội địa và bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ; phấn đấu giảm dần bội chi. Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Đồng tình với các giải pháp trên nhưng Ủy ban Kinh tế lưu ý Chính phủ cần tiếp tục quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó nghiên cứu sớm triển khai mở rộng tuyến đường sắt Bắc - Nam và hiện đại hóa, nâng cao năng lực dịch vụ tổng hợp của các cảng biển lớn để giảm chi phí vận chuyển, góp phần tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa. Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ chính sách phát triển doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, mọi nguồn lực.

Về phát triển nông nghiệp, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có giải pháp cải thiện rõ rệt khả năng cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất. Đặc biệt, cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất, phát triển nhanh mô hình sản xuất, quản lý theo chuỗi giá trị từng loại cây con, sản phẩm cụ thể; sản xuất sản phẩm gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ khắc phục cơ bản tình trạng được mùa, mất giá.

Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 được Chính phủ đề ra, gồm:  Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP…

MỚI - NÓNG
Nam sinh THPT chuyên Lào Cai thắng cách biệt trận tháng, ẵm vòng nguyệt quế Olympia 24
Nam sinh THPT chuyên Lào Cai thắng cách biệt trận tháng, ẵm vòng nguyệt quế Olympia 24
TPO - Nam sinh Trường THPT chuyên Lào Cai Đặng Duy Khánh thể hiện phong độ thi đấu xuất sắc, liên tục dẫn đầu trong các phần thi và giành chiến thắng cách biệt so với ba người cùng chơi trong trận tháng đầu tiên quý III Đường lên đỉnh Olympia 24. Cùng với vòng nguyệt quế tháng, Khánh đã ghi tên vào trận thi quý III.