Những thói quen gây hại cột sống nhiều người mắc phải

Áp lực lên đĩa đệm theo từng tư thế.
Áp lực lên đĩa đệm theo từng tư thế.
Một người nặng 50 kg ngồi co chân sẽ tạo ra áp lực tương đương 275 kg lên đĩa đệm cột sống, lâu dần gây đau lưng.

Theo American Family Physician, tư thế của cơ thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cột sống. Nghiên cứu cho thấy khi bạn đứng, ngồi hay nằm, trọng lượng cơ thể tác động lên đĩa đệm sẽ khác nhau, áp lực này càng cao càng gây hại cột sống.

Chẳng hạn một người nặng 50 kg, nếu nằm ngửa sẽ gây áp lực lên đĩa đệm tương đương 25 kg, nằm nghiêng áp lực tạo ra 75 kg, đứng thẳng 100 kg, đứng cúi người 150 kg. Nếu bạn đứng cúi người và nâng vật nặng sẽ đè lên đĩa đệm 210 kg, ngồi lưng thẳng và chân thẳng là 150 kg. Áp lực này tăng lên đến 200 kg khi cúi người ra trước và chân đặt vuông góc, thậm chí lên đến 275 kg khi cúi người ra trước và co 2 chân, đây là tư thế thường gặp của dân văn phòng.

Khoảng 80% xương trong cơ thể là đặc, còn lại xương xốp, tỷ lệ phân bố của chúng không đồng đều. Nơi nào xương xốp nhiều thì dễ bị loãng xương. Khớp nào chịu lực nhiều hơn thì sẽ bị thoái hóa nhanh hơn. Thoái hóa khớp thường xảy ra ở cột sống cổ, cột sống lưng, khớp gối, khớp háng, khớp cổ tay, khớp cổ chân… Trong đó, tình trạng thoái hóa ở đĩa đệm - cột sống thường xảy ra sớm hơn so với các mô xương khác. Vùng này có 75% xương xốp và 25% xương đặc nên dễ bị loãng xương nhất. Trung bình tỷ lệ thoái hóa ở thiếu niên là 10%, 50 tuổi là 20%, 70 tuổi lên đến 60%.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Cao Thanh Ngọc, Trưởng đơn vị Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khuyến cáo tình trạng thoái hóa đĩa đệm - cột sống đang ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là dân công sở. Những người này không phải lao động nặng nhọc nhưng do tính chất công việc phải ngồi lâu liên tục trung bình từ 6 đến 8 giờ mỗi ngày hay ngồi không đúng tư thế dẫn tới áp lực lên đĩa đệm gấp 5 lần trọng lượng cơ thể. Tác hại này tương đương với việc cơ thể phải khiêng vật nặng 275 kg liên tục.

Những thói quen gây hại cột sống nhiều người mắc phải ảnh 1

Vị trí của đĩa đệm trong cột sống.

Nhiều người làm việc văn phòng đến viện khám do đau cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Có nữ kế toán ở TP HCM mới 28 tuổi đã bị thoái hóa cột sống. Bệnh nhân này cho biết mỗi ngày chị phải ngồi máy tính liên tục 8 giờ, gần đây thường xuyên cảm thấy đau cổ gáy và tê tay trái. Người bệnh được chỉ định dùng thuốc giảm đau, giãn cơ và nghỉ ngơi tích cực nhưng cơn đau không thuyên giảm, cuối cùng phải phẫu thuật kết hợp tập vật lý trị liệu mới cải thiện được.

Theo ghi nhận của bác sĩ Ngọc, nguyên nhân gây đau mỏi và thoái hóa cột sống sớm ở người trẻ thường do nằm ngủ hay ngồi nhiều, ngồi sai tư thế. Bác sĩ vừa điều trị cho một chàng trai 30 tuổi là nhân viên của một công ty phần mềm, ngồi làm việc trên máy tính trung bình 10 giờ mỗi ngày. Sau một đêm thức dậy, người bệnh đột ngột bị căng cứng cơ ở vùng hông sau lưng, đau nhiều và không cử động được. Anh được bác sĩ cho thuốc giảm đau, giãn cơ kết hợp nghỉ ngơi thì cảm giác đau thuyên giảm. Bác Ngọc nhận định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do nằm ngủ hay ngồi làm việc sai tư thế trong một thời gian dài gây đau lưng cấp tính.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG