Bơi xuồng trong giông gió
Nhớ mãi trưa ngày 12/6, chúng tôi theo tàu CSB 2016 vừa ra đến thực địa giàn khoan 981, tàu được lệnh thả canô lượt đầu tiên cho 4 phóng viên chuyển sang các tàu CSB 2013 và KN 763 theo kế hoạch.
Ca nô chứ không phải xuồng, làm bằng chất liệu composite. Sau mới nghe anh em nói, mấy “con” ca nô này trông đẹp dáng, nhưng không “chiến” bằng loại xuồng cao su.
Ca nô dễ bị sóng đánh vỡ, còn xuồng cao su thì có lật úp cũng tự nổi. Nói là vậy, chứ người trong nghề nhìn biển giả kiểu đang giông gió, sóng đậm đen cứ chồm lên hút xoáy đảo chiều chóng mặt thế này, rơi xuống có mặc áo phao cũng rất dễ mất dạng.
Sóng đang cấp 6, gió lớn trời mù, mưa nhỏ, tàu chao đảo mạnh. Hạ xuồng thật khó khăn. Chiếc ca nô bằng composite chênh chao trên cẩu trục, va đập vào thành tàu. Thuyền trưởng Quản Đình Dương trực tiếp ra ngoài cầm bộ đàm chỉ huy việc hạ xuồng.
Không quên được hình ảnh một trong số 4 phóng viên đầu tiên ấy là Phạm Khắc Phục của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC. Từ Hà Nội vào, dáng vóc thư sinh, lại đeo kính cận. Thấy hơi biển và nước mưa thổi bay mờ cặp kính.
Tàu chao lắc, ca nô bên dưới cũng như muốn lộn nhào. Đứng trên boong tàu không vững, anh hạ thấp người xuống, và rồi cứ thế nôn thốc nôn tháo vào mấy cái túi nilon cầm tay. Hai ngày một đêm vượt bão ra đây, Phục và anh em chúng tôi hầu như chẳng thể đưa được gì vào trong bụng.
Cuối cùng Phục cũng bám vào được cái thang dây đu đưa như làm xiếc để xuống ca nô. Sơ sểnh một chút dễ bị mép ca nô đang va đập vào mạn tàu nghiến đứt chân.
Cánh nhà báo trong và ngoài nước chúng tôi chuẩn bị đi chuyến tiếp theo, máy móc để sẵn dưới chân, dù cũng say bệt, nhưng vẫn cố ra boong để ghi lại những hình ảnh ấy.
Đứng cạnh tôi, nghe các phóng viên nước ngoài trao đổi với nhau, nhà báo Võ Trung Dung thuộc TV5 của Pháp, mới bảo: “Họ nói không sợ nguy hiểm, chỉ sốt ruột vì chưa thể tiếp cận gần hơn giàn khoan để tác nghiệp”.
Chiếc ca nô máy lập tức chồm lên cắt những cột sóng cao ngất, rồi thoắt ẩn thoắt hiện, có lúc không nhìn thấy đâu nữa. Đến khi tôi quay lại nhìn trên boong, thì ôi thôi, toàn bộ đồ nghề tác nghiệp của Phục vẫn còn ở lại! Thế là ca nô chuyển người xong, một lần nữa phải tiếp tục chuyển đồ. Lúc hai người lính ca nô lử lả trở lại tàu, hỏi ra mới biết anh em nhầm đó là máy móc của mấy phóng viên nước ngoài cũng đang chuẩn bị xuống.
Sau chuyến đầu tiên, kế hoạch chuyển phóng viên phải hoãn lại đợi khi biển lặng sóng. Chúng tôi lại có thêm một ngày một đêm ở trên con tàu 2016 thuộc dạng “thấp bé nhẹ cân” nhất trong những tàu CSB ở Hoàng Sa, vừa bị Trung Quốc đâm thủng 4 lỗ sát mép nước.
Mười ngày sau, tôi gặp lại Phục trên tàu CSB 2013. Cậu phóng viên trẻ mới kể, rằng hôm ấy không biết mình xuống được ca nô bằng cách nào, và chỉ sợ rơi mất kính cận xuống biển!
Những ngày ở Hoàng Sa, tôi có 6 lần chuyển tàu, vừa đi về lẫn tác nghiệp. Từ những con tàu nhỏ bé không nói đứng, mà đến nằm cũng không vững, cho tới con tàu trên ngàn tấn như bàn thạch. Được quan sát từ những cánh, những hướng khác nhau trực chỉ giàn khoan.
Cũng gọi là may mắn, bởi nhiều phóng viên với chừng ấy thời gian thậm chí còn hơn, cơ bản cũng chỉ bám trụ chính ở một tàu. Tất nhiên kèm theo đó là rất nhiều lần được lên xuống ca nô, rồi xuồng máy.
Cũng may là đã cẩn thận mang theo từ nhà mấy bao nilon cỡ lớn, buộc kín máy móc phương tiện. Còn người ngợm thả sức để sóng biển tung tạt, tưới tắm. Trên các tàu, vì nước ngọt khan hiếm, lại bám biển dài ngày, nên đều thống nhất một “quân lệnh như sơn”, đó là “Ba ngày mới được tắm 1 lần”!
Mỗi lần lên tàu mới, thuyền trưởng lại ưu tiên cho các nhà báo đang ướt sũng muối biển được…tắm! Thế là mỗi lần chia tay một tàu, dù đến hạn được tắm, tôi vẫn “để dành” suất tắm ấy khi sang tàu mới…
Cấp cứu giữa đại dương
Ca cấp cứu trong đêm thứ Bảy biển động 14/6 mà tôi từng kể trong bài viết trước, chỉ là số ít trong những tình huống khẩn cấp giữa Hoàng Sa. Giờ tôi vẫn chưa biết được họ tên của người kiểm ngư viên trên tàu KN 952 đột ngột sốt co giật tới 41 độ hôm ấy.
Nhận lệnh, tàu CSB 4032 khẩn cấp bật đèn hạ xuồng. Vừa chạm nước, hai tay thiện chiến “ngành” xuồng là thợ máy Nguyễn Văn Thông và lái xuồng Đinh Văn Tiệp lập tức rồ máy lao đi. Giữa biển đêm đen kịt đang mưa gió, đôi lúc chỉ thấy thấp thoáng mấy chấm sáng từ cái bóng đèn treo trước mũi xuồng. Xuồng cập sang tàu KN 952, đưa bệnh nhân cùng bác sĩ sang tàu KN 767 để tàu này khẩn cấp chạy về bờ.
Đêm đó, trong phiên trực gác, Thông và Tiệp rủ rỉ kể tôi nghe trên tàu CSB 4032 này nhiều tay lái xuồng thiện chiến lắm, từ thuyền phó Lê Văn Cảnh, trưởng ngành 5 (điện máy) Trịnh Văn Duy, rồi Nguyễn Duy Nhân…, từng thay nhau thực hiện lệnh cấp cứu trong đêm. Như đêm 18/5/2014, anh em thả xuồng đón kiểm ngư viên Nguyễn Văn Dương sang tàu CSB 8003 để đưa vào bờ cấp cứu.
Dương 30 tuổi (quê Quảng Xương, Thanh Hóa) chẩn đoán ban đầu bị bệnh zona thần kinh cấp, toàn thân phồng rộp, sức khỏe rất yếu. Tàu Trung Quốc lập tức lao tới quần đảo, pha đèn hòng ngăn chặn việc chuyển người.
Hai tay xuồng cự phách của tàu CSB 4033 là Hoàng Phương Khánh và Trần Văn Quân, kể: 16 giờ ngày 24/5/2014, điện báo từ tàu KN 752 cho biết máy trưởng Phạm Quốc Hương đang bị viêm ruột thừa cấp giờ thứ 8.
Lúc này biển động, tàu KN 752 chao lắc dữ dội. Khánh và Quân lập tức lao xuồng sang tàu CSB 8001 chở bác sĩ qua tàu kiểm ngư để chẩn đoán. Tình thế nguy cấp, lập tức bệnh nhân cùng bác sĩ được chuyển về CSB 8001 để khẩn cấp vào bờ với tốc độ nhanh nhất…
Thầm lặng lính xuồng
Tàu là mẹ, xuồng là con. Thường mỗi tàu CSB đều “bồng” theo hai đứa con hai bên boong lái. Không chỉ để chuyển người, mà nhiệm vụ quan trọng của các xuồng nhỏ là tuần tra, đấu tranh với các tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển của ta.
Suốt 3 năm liền, từ năm 2012 đến tháng 4/2014, tàu và xuồng của các tàu CSB liên tục làm nhiệm vụ bảo vệ tàu Bình Minh 02 và các tàu thăm dò dầu khí trên vùng biển chủ quyền, thềm lục địa của ta, suốt từ Quảng Bình, rồi Trường Sa, Hoàng Sa. Từ đầu tháng 5/2014, lại bám trụ Hoàng Sa.
Thuyền phó tàu CSB 4032 Lê Văn Cảnh nói, trên các tàu nhiều người biết lái xuồng, nhưng với những tình huống khó, thời tiết xấu hoặc trong đêm tối, thì phải cần đến những tay cự phách.
Nguyễn Văn Thông, 30 tuổi, quê Quảng Liên (Quảng Ninh) - một trong những tay lái như vậy của tàu CSB 4032, kể: Những lần làm nhiệm vụ tuần tra, đẩy đuổi các tàu vi phạm của Trung Quốc ở Trường Sa, và cả Hoàng Sa, ban đêm các xuồng của ta thường rời xa tàu “mẹ” đến 2 hải lý, ban ngày có khi tới cả chục hải lý.
Mỗi lần như vậy, nhất là vào ban đêm, anh em phải nhớ kỹ vị trí và hướng tàu của mình. Nhưng không ít lần do mải làm nhiệm vụ, xuồng mất phương hướng, lạc mất tàu “mẹ”. Thế là phải tiếp cận tàu cá của ta nhờ xác định lại phương hướng để về.
Nhiều khi tàu cá Trung Quốc quây lại, không đánh bắt mà cố tình thả lưới gần sát để xuồng ta mắc lưới. Nhớ lời kể của Hoàng Phương Khánh - lính xuồng tàu CSB 4033, rằng tàu Trung Quốc đặc biệt cảnh giác với những lần hạ xuồng của ta, nhất là ban đêm.
Không ít lần xuồng vừa hạ lại phải nhanh chóng cẩu lên vì tàu Trung Quốc lao vào đâm húc. Nên phương châm của lính xuồng luôn là “nhanh nhất, an toàn nhất”.
Có những chuyến phóng viên nước ngoài ngồi trên xuồng tỏ ra lo lắng, Khánh động viên, nói từ ngày ở Hoàng Sa tới giờ, chưa có xuồng nào bị lật, kể cả ban đêm, sóng lớn.
Những người lính xuồng trên biển Đông mỗi người một hoàn cảnh, đôi lúc ngặt nghèo, nhưng luôn giấu trong lòng, phải “tra vấn” mãi mới chịu nói.
Như Trần Kim Ba, nhân viên hàng hải tàu CSB 4032, quê Quảng Xương (Thanh Hóa), mẹ bị ung thư vòm họng đang một mình điều trị ở Đà Nẵng, vợ con thì ở quê. Trịnh Văn Duy - máy trưởng tàu này, quê Thái Bình, vợ sinh con từ 30/5 đến nay chưa biết mặt. Vợ cũng chưa có việc làm.
Đinh Văn Tiệp vợ cũng thất nghiệp. Hoàng Phương Khánh (quê Quảng Ninh, Quảng Bình) - tàu CSB 4033, con trai nhỏ đầu lòng mới sinh bị xuất huyết màng não. Mình vợ ở nhà ôm con chạy chữa, may mắn bệnh tình đã phục hồi.
Những ngày ở Hoàng Sa, xuồng của các tàu CSB liên tục cơ động để hỗ trợ, ứng cứu các tàu kiểm ngư. Trung bình mỗi tàu CSB có đến 4-5 chục lần hạ xuồng, cẩu xuồng. Nhưng tất cả đều tuyệt đối an toàn, chưa có cú lật xuồng nào.
Lính xuồng CSB 4032 kể, có đêm chuyển người từ 9 giờ tối đến 1 giờ sáng. Một kỷ niệm của Nguyễn Văn Thông, rằng có phóng viên ở trên tàu chưa được nửa thời gian, say sóng quá không chịu nổi, phải hạ xuồng chuyển sang tàu khác để về bờ.