“Sinh vật” này thường thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng nên có người gọi là “sói con”. Tên thật của đứa trẻ tội nghiệp này là Lò Văn Kiếm. Mới mấy tuổi đầu Kiếm đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa, lấy núi rừng làm nhà, hang hẻm làm giường. Cha nghiện ngập mắc HIV mà chết, mẹ cũng bị nhiễm HIV, không chịu nổi đau đớn và nghèo đói nên cũng đã quyên sinh bằng lá ngón để lại đứa trẻ bơ vơ… Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thuận - Phó phòng Giáo dục huyện Điện Biên Đông cho hay:
“Những người nghèo khó nhận quà là một vận may, ta phải cảm ơn bởi họ đã cho ta một mảnh đất để gieo mầm tốt!”.
Hòa thượng Thích Chính Tín
“Trường hợp của “sói con” không phải là cá biệt. Huyện Điện Biên Đông có 14 xã và một thị trấn. Do hoàn cảnh và địa hình là nơi trung chuyển ma túy, thuốc phiện nên rất nhiều ông bố, bà mẹ trẻ bị lôi cuốn vào vòng xoáy của ma túy. Lúc đầu họ bị dụ dỗ đi buôn bán chất gây nghiện, rồi bị nghiện lúc nào không hay. Tiếp đến là mắc các bệnh xã hội, chồng truyền cho vợ và ngược lại, kết cục là cả vợ lẫn chồng đều đi đến cái chết để lại những đứa trẻ thơ không người chăm sóc. Tuy chưa thống kê kỹ càng, nhưng ước tính, ít nhất, toàn huyện cũng có tới hàng trăm em mồ côi cả cha lẫn mẹ bởi tệ nạn này…”.
Là một huyện vùng cao vốn đã rất khó khăn về mọi mặt, nay, thêm gánh nặng những đứa trẻ mồ côi này, những lãnh đạo huyện đầy tâm huyết nhưng cũng chưa biết xoay xở ra sao. Bởi thế, sự góp sức của nhóm “YVC” là hết sức quý giá. Trong mấy năm trời liền, không quản gian nan, vất vả, nhóm “YVC” đã bằng mọi cách vận động, tuyên truyền, kêu gọi sự trợ giúp từ mọi đối tượng để rồi có được nhiều tỷ đồng cho các em mồ côi huyện Điện Biên Đông một mái ấm như hôm nay.
2. Đoàn của chúng tôi trên dưới 30 người lên thăm và trao quà cho trường nơi có “sói con” và các em học sinh tại xã Pì Nhừ, huyện Điện Biên Đông đang học. Trưởng đoàn là chị Vũ Tuyết Nhung - người phụ trách chương trình “Địa chỉ từ thiện” của Đài PT - TH Hà Nội. Xin được nói đôi điều về người phụ nữ này. Chị là người say mê làm từ thiện. Suốt mấy chục năm qua, chị đã đem niềm vui cho bao số phận bất hạnh, thiếu thốn. Điều đáng quý hơn là sự say mê của chị đã lan tỏa đến nhiều người đủ mọi tầng lớp, đối tượng luôn song hành cùng chị đi làm những việc tử tế.
“Mái ấm mồ côi” ở huyện Điện Biên Đông do các tấm lòng hảo tâm đóng góp
Có thể điểm qua những gương mặt tiêu biểu như chị Phan Phương Nga, Giám đốc nhà hàng Maison Sen, đều đặn tháng nào cũng dành nhiều chục triệu đồng mua các nhu yếu phẩm và lo các bữa ăn cho các bệnh nhân nghèo ở một số bệnh viện ở Hà Nội. Giám đốc Công ty giấy vở Hải Tiến Tống Quang Huy không ngần ngại đóng góp hàng trăm triệu đồng tiền sách, vở, tiền mua bò tặng các hộ nghèo vùng cao.
Giám đốc Công ty thương mại Bảo Minh - mặc dù tuổi còn trẻ nhưng, mỗi năm, cũng dành hàng tấn gạo để giúp bà con các bản làng khó khăn ở miền núi. Mỗi chuyến đi ấy, anh đều đưa vợ con đi cùng để có được những trải nghiệm bổ ích. Đỗ Hương Quỳnh - một cô gái trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và éo le, một mình bươn chải vượt khó để có được một cửa hàng hoa, tự nuôi mình và nuôi thêm một đứa trẻ bất hạnh. Hằng tháng, Hương Quỳnh trích ra một số tiền nhất định nhờ chị Tuyết Nhung chuyển tới những người khó khăn hơn mình.
Một số tiểu thương chợ Đồng Xuân như bác Phúc, bác Hội tuy việc kinh doanh khó khăn, vẫn đều đặn quyên góp hàng ngàn bộ quần áo gửi lên miền cao rét buốt. Hòa thượng Thích Chính Tín, sau khi cùng Tuyết Nhung lên Mèo Vạc (Hà Giang) tặng quà cho bà con, đã chiêm nghiệm rằng: Những người nghèo khó nhận quà là một vận may, ta phải cảm ơn bởi họ đã cho ta một mảnh đất để gieo mầm tốt! Trong số những người thiện nguyện cùng Tuyết Nhung, chúng tôi còn thấy rất nhiều sinh viên, học sinh, ca sĩ, phóng viên Đài PT-TH Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Điện Biên…
Có không ít người nghĩ, chắc gia cảnh của Tuyết Nhung rất đầy đủ, dư dả nên mới có điều kiện dành hết tâm sức, thời gian cho những “Địa chỉ từ thiện”. Không phải vậy. Thậm chí, chị đã từng bị sóng gió cuộc đời tàn phá mà những người cùng cảnh ngộ chưa chắc đã vượt qua được. Gia đình chị đã từng là nạn nhân của một trùm xã hội đen ở đất Hà Thành (đã bị tử hình). Toàn bộ nhà cửa, đồ đạc của gia đình đã bị tan biến thành mây khói, chỉ còn lại duy nhất 2 đứa con gái 16 và 7 tuổi cùng một số tiền nợ là 1 tỷ 350 triệu đồng thời điểm đó.
Trong suốt 16 năm trời, chị đã “chiến đấu” với tất cả trí lực của mình. “Vũ khí” của chị là cây bút cùng những thước phim. Chị viết ngày, viết đêm với mục đích duy nhất là nuôi con, để thuê nhà, để trả nợ và để dành dụm cho tương lai. Dạo đó, có những ngày, chỉ riêng một tờ báo, chị đã viết và được đăng tới 8 tin bài. Trong khoảng thời gian ấy, ba mẹ con đều phận nữ nhi đã phải 7 lần thuê nhà và cũng ngần ấy lần chuyển nhà…
Sau hơn 4.000 ngày vắt sức, vắt trí, cùng với sự giúp đỡ chí tình của một số đồng nghiệp và người thân, chị đã vượt qua được cơn bão kinh hoàng để tồn tại và tiếp tục làm việc thiện. Cuộc đời làm từ thiện của chị còn có bí mật mà cho đến nay, chúng tôi chưa thể kể ra…
Giao lưu cùng các em học sinh ở Pì Nhừ
Trở lại chuyến đi thăm “sói con”. 8 giờ tối, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội. Theo sau là một xe tải chở đầy hàng hóa gồm gạo, mỳ tôm, quần áo, chăn màn, bột ngọt, sách vở v.v... Đến Mộc Châu, cả đoàn dừng 30 phút để ăn nhẹ, sau đó, tiếp tục lên đường. Cả đêm, mọi người gật gù trên xe. 8 giờ sáng hôm sau bắt đầu vào đất Điện Biên. Dù đường đã nâng cấp, dễ đi, nhưng cũng phải gần 10 giờ trưa chúng tôi mới tới thị xã Điện Biên.
Mặt mũi ai cũng phờ phạc. Dùng cơm trưa ở Điện Biên, không kịp nghỉ ngơi, phải lên xe ngay vì đoạn đường từ thị xã Điện Biên lên huyện Điện Biên Đông rất khó đi, phải tranh thủ thời gian để còn kịp tặng quà cho các em học sinh. Những người quen ngồi đường nhựa ở Thủ đô đã được một phen “tẩm quất” miễn phí trên đoạn đường chỉ trên dưới 50 cây số mà phải mất gần 3 giờ đồng hồ mới tới được nơi “sói con” đang sống. Công việc tặng quà cũng không hề đơn giản. Phải trao đúng quà, tận tay người nhận, phải lật tìm trên xe tải từng hòm quà rồi đối chiếu theo địa chỉ người nhận mà trao tặng…
Sau đó, đoàn lại tiếp tục ngược vùng cao, lên thăm các em học sinh cấp 1, 2 và mầm non tại suối Lư, xã Pì Nhừ. Xẩm tối, đoàn tới nơi, mọi người như quên hết mệt mỏi trước ánh mắt mong chờ của các cô giáo và các em bé vùng cao. Cơm nước xong đã muộn nhưng anh em trong đoàn vẫn vui vẻ giao lưu với các em học sinh và thầy cô giáo quên cả thời gian… 4 giờ sáng, mọi người ngả lưng chưa kịp ấm chỗ, Trưởng đoàn đã đánh thức, ai nấy mắt nhắm, mắt mở lên xe.
Do mấy đêm mưa to, con đường đầy “ổ trâu, ổ bò” nay trở thành “ổ voi” khiến cho xe của đoàn giở chứng, phải mất mấy giờ đồng hồ mới “bò” tiếp. Về đến thị xã cũng là tới giờ ăn trưa. Khi xe về đến Hà Nội cũng đã gần 5 giờ sáng. Mọi người đều rã rời sau 2 ngày 3 đêm hầu như không ngủ. Bởi thế, ai cũng tròn xoe mắt khi biết Tuyết Nhung không về nhà mà ở lại cơ quan để chuẩn bị cho kịp 7 giờ sáng có mặt tại Thanh Trì cho buổi trao quà đã hẹn trước.
Người phụ nữ này không biết lấy sức ở đâu ra mà bền bỉ đến vậy?
Trong mấy năm trời liền, không quản gian nan, vất vả, nhóm “YVC” đã bằng mọi cách vận động, tuyên truyền, kêu gọi sự trợ giúp từ mọi đối tượng để rồi có được nhiều tỷ đồng cho các em mồ côi huyện Điện Biên Đông một mái ấm như hôm nay.