Chỉ mong chồng không say rượu
Hà Nội, những ngày này, không lạnh tê tái như hồi tháng Chạp, tháng Giêng nhưng nhiệt độ đủ thấp để ai cũng mong muốn cuộn mình trong chiếc chăn ấm với một giấc ngủ ngon. Lang thang Hà thành lúc đêm xuống trong ngày Quốc tế phụ nữ lễ 8/3, tôi bắt gặp những cảnh đời, những số phận, với những mong ước giản đơn cho ngày lễ của giới mình.
Chị Trần Thị T. (quê Thái Nguyên) làm nghề cửu vạn ở chợ Long Biên cũng ngót nghét chục năm nay. Gánh chuyến hàng cuối được thuê, bàn tay chai sạn vuốt vội mấy giọt mồ hôi trên má. Trong cái tiết trời lạnh về khuya mồ hôi chị vẫn rơi sau mỗi chuyến hàng. Chị kể, quê gốc ở tận Hà Tĩnh, lấy chồng và lập nghiệp ở Thái Nguyên. Sau đó, chị chuyển xuống Hà Nội thuê trọ.
Nói chuyện với tôi, chị T. nở nụ cười tươi trên khuôn mặt hốc hác khi nhớ về thời con gái. Chị kể, trước đây chị vốn được tiếng là người con gái đẹp nhất nhì trong làng, không ít chàng trai theo đuổi. Nhưng duyên số, 20 tuổi, chị T lấy chồng tận Sơn La. Gần 20 năm lấy chồng là đằng đẵng bằng ấy thời gian chị phải chịu cảnh đòn roi mỗi khi người chồng say xỉn. Gia đình chị có hai đứa con nhưng đều làm ăn xa, có đứa ở tận Sài Gòn, mấy năm mới về một lần.
“Người ta có chị có em, có cha có mẹ khi gặp biến cố để trở về, nhưng tôi lấy chồng xa quê vời vợi nên chỉ biết cắn răng chịu đựng. Cũng không ít lần bí bách, ấm ức quá mà tôi đã nghĩ quẩn, nhưng rồi nghĩ về con, nghĩ về cháu nên nhẫn nhục chịu cảnh đòn roi”, chị T. tâm sự.
“Đôi lúc, thấy người ta cầm bó hoa, hộp quà được tặng trong những ngày đó mình cũng mong muốn lắm chứ. Nhưng khốn khó thế này, chồng thì lấy rượu làm bạn, nên chỉ mong chồng không say xỉn là bình yên hạnh phúc lắm rồi”.
Chị Trần Thị T. chia sẻ
Khi được hỏi về ngày 8/3, chị thở dài, ánh mắt đượm buồn, nói: “Đôi lúc, thấy người ta cầm bó hoa, hộp quà được tặng trong những ngày đó mình cũng mong muốn lắm chứ. Nhưng điều kiện kinh tế khó khăn, chồng thì lấy rượu làm bạn, nên mình cứ lờ đi thôi, coi như không biết cho đỡ tủi thân. Chỉ mong sao chồng không say xỉn là bình yên hạnh phúc lắm rồi”.
Ngồi ở góc nhỏ chợ, bà Nguyễn Thị Sang ngủ gật bên quán nước của mình với dăm ba thứ vặt vãnh. Bà Sang người Hà Nam, nay đã ở tuổi lục tuần. Lẽ ở cái độ tuổi này, bà phải được an yên bên con cháu, hưởng trọn niềm vui tuổi già, nhưng người đàn bà với đôi tay nhăn nheo, thô ráp ấy lại chưa được một giây phút nào thảnh thơi.
Bà Sang ngồi bên quán nước nhỏ của mình.
Bà kể, cách đây hơn 20 năm, bà đã rời quê để lên Hà Nội làm thuê. Lúc bấy giờ, sức còn khỏe bà làm nghề bốc vác thuê. Mỗi đêm, bà cũng kiếm được chút ít để gửi về quê nuôi con ăn học. Mấy năm lại đây, sức khỏe yếu dần, bà chuyển sang bán hàng nước chỗ góc nhỏ của chợ.
“Bán nước chả có lãi nhiều, trừ tiền thuế bảo vệ, tiền vệ sinh…, mỗi tháng cũng chả dành dụm được mấy. Nhưng mình già rồi, không làm thì sau này lấy gì mà ăn, con cái đứa nào cũng vất vả, mình chả muốn làm khổ nó làm gì”, bà Sang nói. Trước sóng gió cuộc đời khuôn mặt bà Sang chồng lớp nếp nhăn, đôi tay chai sần dày rộp.
Khi hỏi về ngày 8/3, bà cười hiền, chia sẻ: “Sinh ra trong nghèo khổ, đến cái tuổi này, cái nghèo nó vẫn đeo bám thì lấy đâu ra ngày lễ, lấy đâu ra quà cáp. Từ bé đến giờ, tôi không có khái niệm hay kỷ niệm gì về ngày đó. Những ngày bán được đắt hàng, không bị người ta hoạnh họe là ngày hạnh phúc rồi”.
Điều ước được tôn trọng
Bà Nguyễn Thị Cam (70 tuổi, Thanh Hóa) làm nghề bán dạo gần ba năm ở Hà Nội. Tay run run ôm giỏ đồ hàng nhỏ, những bước chân của bà không còn vững. Bà nhẫn nại lê bước quanh các con phố. Bà kể, ngày trước, khi đất nước lầm trong khói đạn, bà tình nguyện lên đường làm thanh niên xung phong.
Hòa bình lập lại, bà trở về quê hương thì đã quá lứa lỡ thì, đành xin nhận đứa con nuôi cho vui cửa vui nhà cũng như mong ước có chỗ nương tựa khi tuổi già sức yếu. Nhưng rồi số phận trớ trêu, sau khi xây dựng hạnh phúc cho đứa con trai nuôi duy nhất, bà bị chính con nuôi hắt hủi và đánh đập. Tủi phận, bà bỏ quê lên thành phố kiếm sống qua ngày.
Bà Cam kể về đời mình trong nước mắt.
“Làm cái nghề này khổ lắm cháu ạ. Đi đến đâu cũng bị người ta tránh như tránh tà. Đôi lúc gặp phải những người khó tính còn bị mắng chửi. Nghĩ mà cực cái thân già. Nhưng cũng có hôm may mắn gặp được khách dễ tính thì họ cho tiền thừa. Nhiều hôm đi cả mấy chục cây số không bán được gì. Những hôm như thế xác định ăn suất cơm 10.000 đồng thôi. Cũng có nhiều hôm, tiếc tiền quá, không tìm được chỗ ngủ thì đành ngủ tạm ngoài đường”, bà Cam kể.
Khi tôi hỏi về kỷ niệm của những ngày lễ, bà trải lòng: “Tôi chỉ biết rằng, đến những ngày ấy, tôi bán được nhiều hàng hơn, người đời bao dung và có vẻ nhân ái hơn. Những hôm như thế, ấm bụng hơn, chân tay đỡ mỏi. Còn quà cáp thì từ bé tới giờ có biết nó là gì đâu”. Bà nói, ánh mắt buồn trĩu, xa xăm về tương lai vô định.
Món quà quý nhất
Chúng tôi đến xóm chạy thận trên con ngõ nhỏ phố Lê Thanh Nghị. Ghé thăm căn phòng trọ của chị Tô Thị Hiền (28 tuổi, Hà Tĩnh), 12 năm tự bươn chải giữa Thủ đô để chạy thận. Dáng người chị nhỏ thó, cánh tay trái nổi rõ những đường ven chai sần sau mỗi lần lọc máu. Mười hai năm ở chốn đất khách quê người là mười hai năm chị khóc tủi cho phận mình. Mười hai năm chung sống với bệnh tật là những tháng ngày chị không biết đến lễ tết, quà cáp.
Chị tâm sự trong nước mắt: “Nhiều đêm, đi bán hàng về, chỉ biết khóc. Mình còn trẻ, cũng muốn chưng diện như người khác, cũng muốn được làm vợ làm mẹ, nhưng như mình thì ai lấy. Ai chả có ước mơ, hoài bão, nhưng chớm nghĩ đến nó mình tủi phận ngậm ngùi”.
Chị Hiền đang chuẩn bị bữa tối để đi lọc máu ở bệnh viện.
Chị nhớ lại, cũng đúng vào dịp Quốc tế phụ nữ 8/3 cách đây hai năm, chị bị tụt huyết áp sau khi đi lọc máu ở viện về. Một mình trong căn phòng xập xệ, chân tay run lẩy bẩy, tưởng chừng như không thể sống nổi, “bỗng nhiên lúc ấy, tôi khao khát một mái ấm gia đình đến lạ lùng”. Nói rồi, chị đưa mắt hướng nhìn về bức tranh thêu hình đôi uyên ương bên góc nhỏ căn phòng, cười buồn, lau vội những giọt nước mắt rồi im lặng thả ánh nhìn vào khoảng trống vời vợi đến se sắt.
Tôi hỏi, nếu được ước, chị ước gì trong cái ngày đặc biệt ấy? Chị lại cười, một nụ cười hiu hắt, như thể có mong muốn thì nó cũng chỉ dừng lại ở mong muốn mà thôi. “Có gì đặc biệt đâu em, sáng vẫn đi bán hàng, chiều tối thì 4 tiếng nằm giường bệnh để lọc máu thôi mà. Chỉ mong muốn chút sức khỏe để có thể sống tiếp những đoạn còn lại của cuộc đời thôi”.