Lady Gaga hát “Cho tới khi nó xảy ra với bạn” trong sự xuất hiện các nạn nhân bạo hành tình dục còn Phó Tổng thống Joe Biden cũng lên sân khấu kêu gọi “hãy hành động” để chống lại nạn này.
Phim “50 sắc thái” chỉ được ca khúc nền là hay còn thì nhiều người hả hê khi nó đoạt Mâm xôi vàng. Một trong số lý do là phim cổ súy bạo dâm, khổ dâm, sỉ nhục phụ nữ. Dawn Hawkins, giám đốc điều hành Morality in Media- Tổ chức chống lạm dụng tình dục của Mỹ phát biểu: “Bây giờ đàn ông không cần lôi kéo phụ nữ tham gia hành vi bạo lực tình dục bởi “50 sắc thái” đang thay họ làm điều đó”. Việc nữ chính cởi bỏ trang phục nhiều hơn hẳn nam chính cũng bị báo chí soi là “phân biệt giới tính”.
Mỹ có khác, càng vấn đề nhạy cảm càng đề cập trực tiếp, tận dụng cơ hội tốt nhất để đề cập. Ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, theo tiết lộ của Wikileaks, từng gọi nguyên thủ một nước phương Tây là “thằng hề trần truồng”. Tất nhiên là phát ngôn không chính thức, bị nghe lén, nhưng đủ hiểu bà ghê tởm những kẻ bê bối tình dục đến thế nào.
Đà Nẵng vừa có quyết định tiếp nhận người bán dâm có nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng, ép buộc vào cơ sở bảo trợ xã hội, giúp họ có mái nhà an toàn trong ba tháng. Chưa bàn đúng sai hay dở nhưng có phải thành phố này muốn nói: Đến đối tượng này còn được quan tâm huống hồ phụ nữ nói chung? Quả là sự lạ ở Việt Nam.
8/3 năm nay, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, được Chính phủ Australia tài trợ, đã hội thảo công bố nghiên cứu “Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam”, chỉ ra rằng phụ nữ Việt Nam phải đối mặt rất nhiều rào cản trong sự nghiệp, gia đình, xã hội. “Xã hội vẫn mặc nhiên coi việc chăm sóc hỗ trợ chồng con và gia đình nội ngoại là trách nhiệm hoàn toàn của phụ nữ. Phụ nữ cũng không được khuyến khích học cao hơn chồng để tránh xung đột, thậm chí phải âm thầm chịu bạo lực gia đình để duy trì sự êm ấm”.
Trên thực tế, nếu quan niệm về LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) đã tiến bộ vượt bậc thì bình đẳng giới ở Việt Nam không được thế. Nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn bị phân biệt đối xử, bị lạm dụng còn không biết mình thuộc đối tượng này.
“Phụ nữ chỉ biết điều mà người ta không làm cho họ chứ không biết điều mà người ta làm cho họ”- cách nói hài hước chọc ghẹo tính “tham lam” của phụ nữ. Phụ nữ muốn gì- không khó đoán lắm dù đôi khi chính họ cũng không biết, hoặc biết không đầy đủ. Nhưng ít nhất, phụ nữ muốn những kẻ phân biệt giới tính phải hiểu rằng thế là lạc hậu lắm rồi. Còn bạo hành nói chung, bạo hành và quấy rối tình dục nói riêng phải bị lên án, triệt tiêu, chứ không phải là ngang nhiên, nhởn nhơ như hiện nay.