Những người giữ nhịp chiêng cho buôn làng

Nghệ nhân Y Ma Lai Kpă đang dạy cách đánh cồng chiêng cho các bạn trẻ.
Nghệ nhân Y Ma Lai Kpă đang dạy cách đánh cồng chiêng cho các bạn trẻ.
TP - Âm thanh cồng chiêng là tiếng nói tâm linh gắn bó mật thiết với cuộc sống các dân tộc Tây Nguyên. Để ngăn đà chìm dần tiếng chiêng cổ truyền vào quên lãng, các nghệ nhân cồng chiêng đã nỗ lực truyền dạy cách đánh, chơi chiêng cho thế hệ trẻ.

Truyền cho thế hệ sau

Chúng tôi đến thăm ông Y Kuâo Buôn Krông (SN 1945 ở buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), tên thường gọi là Aê Yon, một trong những nghệ nhân của tỉnh được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” từ năm 2007 vì có nhiều đóng góp trong bảo tồn, phát triển văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

Trong ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê, những bộ chiêng được xếp ngăn nắp. Nghệ nhân Aê Yon chia sẻ: Cồng chiêng Tây Nguyên rất đa dạng và phong phú. Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng bến nước, lễ mừng cơm mới... đều phải có tiếng cồng chiêng!

Tuổi thơ Aê Yon được đắm mình trong các lễ hội văn hóa truyền thống, thứ âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió, đã làm ông mê mẩn và quyết tâm theo học. Lên 10 tuổi ông đã đánh thành thạo nhiều bài chiêng cơ bản của người Ê đê. Trước đây, ở trong buôn có nhiều người biết đánh chiêng và có nhiều bộ chiêng quý. Xã hội hiện đại, môi trường sống thay đổi nên lớp trẻ ở các buôn, làng không còn yêu thích cồng chiêng, những người trung niên cũng xa dần. Trăn trở về vấn nạn này, từ năm 1994 ông Aê Yon đã mở lớp dạy chiêng và thành lập đội chiêng trẻ buôn Kram. Ông mời những người già trong buôn tới dạy, vận động lớp trẻ theo học. Tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần ông ra nhà văn hóa cộng đồng của buôn dạy đánh chiêng cho lũ trẻ. Ea Tiêu trở thành xã đầu tiên của tỉnh lập được đội chiêng trẻ.

Ông Nguyễn Đức Hanh, trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư Kuin nói: Nghệ nhân Aê Yon nhiệt tình và đầy trách nhiệm, là người có công lớn trong việc xây dựng và phát triển đội cồng chiêng trẻ của xã Ea Tiêu. Hiện nay, riêng buôn Kram có 1 đội chiêng người cao tuổi, 1 đội chiêng thanh niên và 2 đội chiêng nhi đồng. Trong các đợt liên hoan dân ca, dân vũ và biểu diễn nhạc cụ dân tộc do huyện, tỉnh tổ chức, các đội chiêng buôn Kram nhiều lần đạt giải cao.

Tiếng chiêng trên vùng biên giới

Nghệ nhân Y Ma Lai Kpă, tên thường gọi là Ama Bia ở huyện giáp biên Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) cũng là người tâm huyết với nhạc cụ dân tộc, đã truyền dạy cho lớp trẻ cách đánh chiêng tre và chiêng đồng của người Gia Rai.

Ông Y Ma Lai tâm sự: Người Gia Rai đánh 2 loại chiêng, chiêng Pênh và chiêng Aráp. Chiêng Aráp rất khó đánh, chỉ người già mới đánh được, vì là chiêng cổ. Tôi dạy cho các bạn trẻ cách đánh chiêng Pênh, bởi nếu không được đánh chiêng thường xuyên lũ trẻ sẽ quên mất. Lớp học đã mở được 3 năm do Huyện Đoàn Ea Súp quản lý, khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ, nhiều cậu bé đã ngấm và say mê thanh âm của nhạc cụ dân tộc mình. Theo quan niệm của người Gia Rai, hễ gia đình có một người già mất, con cháu phải chôn theo 1 chiếc chiêng. Vì thế trong đồng bào còn nhiều bộ cồng chiêng nhưng thường thiếu một vài chiếc, không đủ bộ nên không đánh được nữa.

Em Y Khăm, 12 tuổi chia sẻ: Một tuần 3 buổi tối, em và các bạn đến nhà cộng đồng của buôn để nghệ nhân Y Ma Lai dạy cách đánh chiêng, múa theo nhịp chiêng. Dù chưa biết hết ý nghĩa của các bài chiêng, nhưng cứ nghe tiếng chiêng ngân lên là chúng em lại say mê luyện tập.

Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.000 bộ chiêng, trên 3.000 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, khoảng 600 nghệ nhân biết dạy diễn tấu cồng chiêng và trên 300 nghệ nhân biết chỉnh chiêng.

MỚI - NÓNG