Những người "chống chỉ định" với nước dừa

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Nước dừa là thức uống giải khát ưa thích của nhiều người nhưng uống bao nhiêu là đủ và những ai không nên uống loại nước này?

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nước dừa non có chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, trong đó 95% là nước còn lại là đường và phần nhỏ các vi chất như kali, sắt, can xi...

Mỗi quả dừa non sẽ cung cấp khoảng 70kcal, là thức uống bổ dưỡng góp phần tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh sỏi thận, điều hòa huyết áp và tốt cho tiêu hóa. Trong một số trường hợp không có huyết thanh, có thể dùng nước dừa non để truyền thay thế.

Tuy nhiên PGS Lâm khuyến cáo, không nên uống quá 1-2 quả dừa/ngày và không nên uống quá thường xuyên vì có thể gây thừa cân.

"Nếu uống 2 quả dừa, bạn đã nạp 140kcal. Để đốt cháy lượng calo này, bạn sẽ phải đi bộ 45 phút hoặc đạp xe 20 phút. Do đó nếu đã uống nước dừa rồi thì phải giảm calo ở những món khác. 140kcal tương đương nửa bát cơm", PGS Lâm phân tích.

Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cũng lưu ý, khi uống nước dừa nên chú ý đến lượng đường trong đó.

Lượng đường ngọt hấp thu nhanh/ngày với mỗi người không được phép vượt quá 10% năng lượng khẩu phần, tương đương khoảng 180-200kcal. 2 quả dừa đã chứa khoảng 140kcal do đó cần hạn chế đường ngọt từ các loại hoa quả, đồ uống khác.

Ai không nên uống nước dừa?

Theo TS Phùng Tuấn Giang, phòng khám Thọ Xuân Đường, trong Đông y, nước dừa thuộc tính âm nên những người huyết áp thấp, phong tê thấp không nên uống nước dừa.

Những người bình thường nếu quá lạm dụng nước dừa cũng có thể khiến cơ thể tụt huyết áp, mềm yếu gân, cơ thể đau mỏi. Những ai đau lưng, đau xương, uống nhiều nước dừa sẽ khiến cơn đau tăng lên.

Liên quan đến thông tin cho rằng trong 3 tháng đầu thai kỳ, bà bầu không nên uống nước dừa, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm đã lên tiếng bác bỏ. Bà Lâm khẳng định hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra điều này,

Bạn đã uống đúng cách?

Dừa là nước uống giải khát nhưng không được uống ngay khi đi trời nắng về vì dễ gây ớn lạnh, đầy bụng hoặc có thể gây sốt.

Với những người vừa thi đấu thể thao hoặc làm những công việc nặng nhọc, mất sức cũng không nên uống nước dừa, sẽ khiến chân tay bủn rủn, giảm sức bền.

Theo TS Giang, uống nước dừa đúng cách là uống từ từ từng chút một, không nên uống kèm với đá lạnh và các hoá chất khác, đặc biệt vào buổi tối vì có thể khiến cơ thể bị cảm lạnh do cộng dồn cùng lúc nhiều yếu tố âm.

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG