Năm thế hệ gia đình họ Qiao đã gọi làng này là quê hương. Trú chân tại đây từ những năm cuối của triều đại nhà Thanh, họ chứng kiến các cuộc nội chiến, cách mạng, đói khát và nay là làn sóng thay đổi kinh tế bao phủ đất nước Trung Quốc.
Nay, sự tồn tại của nhà họ Qiao ở làng Maijieping chỉ còn đếm từng ngày khi hàng chục ngàn ngôi làng Trung Quốc đang đi đến hồi cáo chung, kèm theo là cuộc di cư vĩ đại nhất trong lịch sử nước này.
Bốn người sót lại
“Bọn trẻ thấy sống ở nông thôn quá khó”, Qiao Jinchao, 58 tuổi, một trong bốn người cuối cùng còn ở lại ngôi làng hoang vắng, từng là nhà của 140 người, nói. “Khi chúng đã đi ra ngoài và thấy nhiều thứ, chúng chẳng muốn quay về nữa”.
Cho đến năm 1978, khi Trung Quốc bắt đầu đổi mới và mở cửa trong thời của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, chưa tới 20% dân Trung Quốc sống ở thành phố.
Nhưng chỉ ba thập kỷ bùng nổ kinh tế và đô thị hóa, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt. Hàng trăm ngàn ngôi làng, có những làng tồn tại mấy trăm năm, nay chỉ còn trong sử sách.
Và đã có những tiếng nói kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc có những hành động khẩn cấp để cứu hàng ngàn ngôi làng lịch sử, trong khi báo cáo nói hơn 900.000 ngôi làng bị bỏ hoang hoặc phá hủy chỉ trong 10 năm đầu của thế kỷ 21.
“Thật hài hước và mỉa mai khi những ngôi làng tồn tại hàng ngàn năm, qua chiến tranh, qua thiên tai nhưng đã biến mất trong thời bình chỉ vì tầm nhìn ngắn hạn của con người”.
Giáo sư Li Huangdong
“Xã hội Trung Quốc đã bước tới một giai đoạn thay đổi kịch tính”, Li Huangdong, tổng thư ký của một nhóm hoạt động mới thành lập nhằm bảo vệ sự tồn tại của làng quê, nói. “Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, các thành phố của chúng ta cũng sẽ có ngày bị hủy hoại”, giáo sư Li, đến từ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Bảo vệ làng truyền thống Trung Quốc, nói thêm.
Hàng chục triệu người nông thôn đã đổ về thành phố kể từ những năm cuối thập kỷ 1970 và khoảng 250 triệu người nữa cũng sẽ theo chân trong thập kỷ tới. Tiến trình này đã đem đến những lợi ích vật chất mà những người nông dân nghèo khó chưa từng dám nghĩ tới. Hơn 500 triệu người đã thoát khỏi nghèo đói kể từ năm 1978, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Nông thôn Trung Quốc cũng theo đó đổi thay lớn. Số lượng ngôi làng thuộc dạng “cổ truyền” giảm từ 3,6 triệu năm 2000 xuống còn 2,7 triệu năm 2010, theo những báo cáo mới nhất. Ở nhiều nơi, làng biến mất đến đâu, cao ốc, đường cao tốc hay nhà máy mọc lên đến đó. Nhiều ngôi làng cổ khác trở thành nơi cho cỏ dại và dây leo xâm chiếm bởi người dân đã bỏ đi hết. “Thật hài hước và mỉa mai khi những ngôi làng tồn tại hàng ngàn năm, qua chiến tranh, qua thiên tai nhưng đã biến mất trong thời bình chỉ vì tầm nhìn ngắn hạn của con người”, giáo sư Li Huangdong nói với báo chí.
“Làng mới” mọc lên gần Maijieping
Chắc chắn có nhiều người cho rằng, bỏ làng lên ở chung cư hiện đại, tiện nghi thì tốt quá rồi. Và cứ tiếp tục bám vào truyền thống, vào những cái cũ kỹ chẳng hóa cổ hủ, chậm tiến sao?
Tuy nhiên, giáo sư Li phản đối y kiến này. Ông nói với phóng viên Telegraph rằng, bảo vệ các ngôi làng Trung Hoa quan trọng hơn nhiều so với mục tiêu bảo tồn “nhà cổ và văn hóa dân gian”. “Đó là vấn đề tinh thần. Đang có một cuộc khủng hoảng đạo đức khi xã hội Trung Quốc đang tiếp cận sự hiện đại và chủ nghĩa vật chất”. “Trong xã hội nông thôn Trung Quốc, chúng ta có chuẩn mực đạo đức, từ đường thờ tổ tiên, nền nếp, gia phong ADN của văn hóa Trung Hoa nằm ở làng. Nếu làng bị hủy hoại, người Trung Quốc sẽ không còn là người Trung Quốc nữa”.
Maijieping, cách thành phố Lạc Dương, thủ phủ tỉnh Hà Nam, khoảng 40km, nay đang trên con đường gia nhập danh sách bị xóa sổ trên bản đồ.
Là một ngôi làng cổ tồn tại hàng trăm năm với những ngôi nhà bằng đá cổ kính, nay Maijieping đang bước đến giai đoạn cáo chung với chỉ bốn người già còn ở lại.
“Trong vòng 10 năm tới, có lẽ chúng tôi cũng phải xuống núi theo chân bọn trẻ”, ông Qiao Jingchao nói. “Tôi và vợ tôi sẽ chẳng còn lựa chọn nào khác là đến ở với con cái, theo chúng nó, dù chúng có đi đâu, ở đâu”.
Ông nội ông Qiao chuyển tới Maijieping vào cuối triều đại nhà Thanh (1644-1911). Trong những năm 1950-1970, dân số của làng tăng lên khi một đội thanh niên nghe theo tiếng gọi của Mao chủ tịch tới làng cùng ăn cùng ở, “hạ phóng” để cùng chia sẻ khó khăn với nông dân.
Một ngôi nhà hoang ở Maijieping
Nhưng giữa những năm 1980, những ngày tươi đẹp nhất của Maijieping trôi qua. Khi Trung Quốc bước vào giai đoạn những cuộc hiện đại hóa và trở thành “công xưởng của thế giới”, hàng triệu người đổ về thành phố, cuộc chạy trốn khỏi làng bắt đầu. Nhiều người làng hoặc chuyển đi hoặc kết hôn với những người ở vùng gần đô thị hơn, một số người khác tìm việc ở những thành phố lân cận như Trịnh Châu hay Lạc Dương. Gia đình họ Yang chuyển đi toàn bộ, rồi đến cả gia tộc họ Guo… Ngoài bốn người còn lại, “công dân” của làng còn có hơn chục con gà, bốn con bò, hai con chó chưa được đặt tên và ba con mèo với nhiệm vụ đối phó vô số chuột hoành hành khắp làng. Ngôi trường phổ thông của làng, mái đã sập, được chuyển đổi thành nhà kho. Những ngôi nhà xây bằng đất bùn từng là chỗ trú ngụ của gia đình họ Qiao, nay biến thành chuồng gà, chuồng bò hoặc kho chứa nông cụ. Ông Qiao đẩy cánh cửa gỗ bước vào một căn nhà, nơi người chú từng ở. “Ông ấy xuống núi từ những năm 1990”, ông Qiao nói.
Một con bò cái thoải mái tè xuống nơi trước kia là sàn phòng khách.
Đầu năm nay, báo Phương đông Ngày nay ở Hà Nam viết: “Maijieping, nơi nhiều thế hệ từng sinh sống, đang biến mất, cả về ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần”.
Làng cổ teo tóp
Tháng 10 vừa rồi, một số lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nói họ quyết tâm bảo vệ “những ngôi làng cổ truyền thống”. Ông Zhao Hui, giám đốc bộ phận phát triển xây dựng nông thôn của Bộ Xây dựng, thừa nhận rằng “đa số các ngôi làng cổ đã biến mất trong cơn lốc đô thị hóa”. Theo ông, chỉ còn khoảng 12.000 ngôi làng cổ tồn tại.
Ông Qiao Jinchao bên cái giếng có từ thời nhà Thanh ở làng Maijieping
Chính phủ đã lên kế hoạch sẵn sàng hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, xây dựng luật mới để ngăn làn sóng bỏ làng hoặc hủy hoại làng cổ.
Nhưng dù có sẵn sàng hay không, nhiều triệu người Trung Quốc sẽ tiếp tục rời bỏ quê hương trong những năm tới khi chính phủ vẫn tiếp tục tạo động lực phát triển kinh tế bằng cách cho xây thêm nhiều đô thị. Bởi đô thị mới là nơi tiêu thụ hàng hóa chính.
Thời điểm này, thật khó có tỉnh nào ở Trung Quốc không có những dự án tái định cư liên quan hàng chục và đôi khi hàng trăm ngàn người đang được tiến hành.
Hồi tháng 5, Cục Thống kê Trung Quốc tính toán rằng, đến năm 2034, khoảng 75% dân số Trung Quốc sống ở thành phố. Trong giai đoạn 2010-2025, khoảng 300 triệu người, hơn gấp đôi dân số nước Nga hiện tại, sẽ chuyển đến vùng đô thị.
Mới đây, phát biểu trước các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói doanh nghiệp châu Âu có thể “gặt hái thành quả” bởi chính phủ của ông đã tạo 200 triệu việc làm ở thành phố cho người nông thôn, nhà ở và phúc lợi trong 10 năm tới. Ông Lý nói Trung Quốc sẽ xúc tiến một “làn sóng đô thị hóa mới” nhưng tôn trọng mong muốn của người dân nông thôn, bảo vệ quyền lợi của họ.