Đô thị hóa ngược & đô thị 'xốp'

Đô thị hóa ngược & đô thị 'xốp'
TP - Vấn đề trên được đặt ra tại hội thảo “Đô thị châu Á thế kỷ 21: Xu hướng và thách thức”, trong khuôn khổ Diễn đàn Kiến trúc sư (KTS) châu Á (ARCASIA) lần thứ 16 tại Đà Nẵng khai mạc sáng 18–8

Bàn về bản sắc đô thị châu Á và Việt Nam:

Đô thị hóa ngược & đô thị 'xốp'

Thách thức “Kỷ nguyên châu Á”

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá: Châu Á là khu vực năng động, có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều đô thị lớn và siêu đô thị, đóng góp tới 80% tăng trưởng của nền kinh tế khu vực và trở thành các trung tâm động lực, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa không chỉ khu vực mà trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, các đô thị châu Á đang bị thách thức nghiêm trọng về hiểm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, mặt trái của đô thị hóa, ô nhiễm môi trường… Trận lụt lớn năm 2007 (Turbat, Pakistan) và 2010 (Migora), mới đây trận đại động đất, sóng thần xảy ra tại Nhật Bản (năm 2011) đặt ra những yêu cầu mới về quy chuẩn, hệ thống hành chính và sử dụng đất, các kiến trúc tương thích để phòng tránh thiên tai.

Theo KTS Shaukat Ali Sharar (Pakistan): Quá trình đô thị hóa làm gia tăng số lượng người sống dựa vào môi trường “xây dựng sẵn”, “nguồn năng lượng được sinh sản”, kéo theo quá trình tạo ra rác thải, tiêu thụ tài nguyên cũng diễn ra với nhịp độ ngày càng tăng.

Sự bùng nổ dân số tại các đô thị đến từ nông thôn ngày càng lớn, tạo thách thức cho chính quyền; bất bình đẳng về kinh tế, xã hội giữa người giàu, người nghèo, ùn tắc giao thông. Hơn 25% dân số đô thị châu Á còn sống ở các khu ổ chuột…

Theo PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh (Hội KTS Việt Nam): Trình độ phát triển đô thị của Việt Nam còn thấp, xếp thứ 6/11 nước Đông Nam Á, nhưng dân số tăng nhanh. Dự báo đến năm 2070 ở Việt Nam số người sống trong các đô thị tới 100 triệu dân, trong khi đất đô thị chỉ chiếm khoảng 5% tổng số đất tự nhiên.

Đô thị hóa ngược

KTS Nguyễn Hồng Thục mổ xẻ: Nhiều mô hình và tư duy đô thị trong nước gặp khủng hoảng lớn do quá trình đô thị hóa ngược. Đô thị hóa là hệ quả tự nhiên của công nghiệp hóa. Nhưng, ở Việt Nam quá trình này lại đảo ngược: đô thị hóa xảy ra nhiều năm trước công nghiệp hóa. Công tác hoạch định đô thị chưa bao giờ là đối tượng quan tâm hàng đầu. Các dự án mọc lên như nấm nhưng về phong cách và tính thẩm mỹ, thậm chí công năng lại tụt hậu so với trước.

“Những thành phố của dự án cũng có nghĩa là thành phố bị phá vỡ cấu trúc, hiện đang đại diện cho kiến trúc đô thị thời mở cửa” – KTS Nguyễn Hồng Thục nói.

Đơn cử trường hợp đô thị Hà Nội, KTS Phạm Hùng Cường nhận định: đô thị này đang trở thành “đô thị xốp” với khả năng dung nạp xã hội lớn, sự chuyển đổi chức năng, sự thay thế liên tục và dẫn tới xu hướng phi cấu trúc, cấu trúc mờ ngày càng rõ nét. Điều này lý giải tại sao nhiều đô thị Việt Nam chưa hình thành rõ bản sắc của mình.

Theo ông Cường: tính xốp đòi hỏi phải có một không gian mềm, một cấu trúc phi tầng bậc, đồng thời định dạng sự phát triển đô thị tổng thể không phải chỉ từ phía công trình, để có thể điều tiết và quy hoạch sao cho phù hợp.

Các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị bên lề hội thảo Ảnh: Nguyễn Huy
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị bên lề hội thảo Ảnh: Nguyễn Huy .

Hướng đến kiến trúc Xanh

Theo các chuyên gia, KTS, không thể áp dụng máy móc bất cứ mô hình kiến trúc nào vào các trường hợp, quốc gia, địa phương cụ thể. Tuy nhiên, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ kết hợp với văn hóa chính là bí quyết thành công trong việc tạo ra một đô thị có bản sắc.

PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhận định: ở châu Á, đặc điểm đa dân tộc và đa văn hóa đã tạo nên bản sắc kiến trúc đô thị truyền thống gắn với bản sắc đô thị hiện đại. Theo đó, các “giá trị châu Á” như những tài nguyên nhân văn cần được khai thác trong sự phát triển kiến trúc đô thị hiện đại theo hướng toàn cầu.

Kiến trúc là môi trường nhân tạo, cần phải phát triển hài hòa, công bằng và thân thiện với môi trường tự nhiên để tạo nơi cư trú an toàn và có chất lượng cho con người. KTS Qazi M Arif (Bangladesh) cho hay: đặc tính Xanh tồn tại trong nhiều công trình của Bangladesh từ hàng chục năm nay. Nó cần trở thành một xu hướng trong các lĩnh vực phát triển, trong kiến trúc và xây dựng đô thị của thiên niên kỷ mới.

KTS Trần Trọng Hanh kiến nghị: để phát triển đô thị bền vững, đô thị Việt Nam cần bố trí lại dân cư và tái cấu trúc lãnh thổ; đẩy mạnh cải cách thể chế phát triển đô thị, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị đồng thời tiếp cận nhu cầu, xây dựng kết cấu hạ tầng trước những bất cập hiện nay; tự chủ tài chính và các nguồn lực phát triển đô thị…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG