Những lời nói của bạn khiến đối phương khó chịu

Vẫn biết khi “yêu yêu cả đường đi”, nhưng điều đó không có nghĩa bạn thích nói gì cũng được bất chấp lời mình thốt ra có thể khiến đối phương tổn thương. Sự tổn thương ấy dễ làm sứt mẻ luôn tình yêu của bạn đấy.

1. “Anh lúc nào cũng...”

Bạn cứ điền vào dấu (...) trên bất kể “đức tính” nào, thói xấu nào ở nửa kia khiến bạn ngứa mắt, và ngay lập tức họ sẽ phải xù lông nhím vì thấy mình đang bị tấn công, đang bị buộc cho một tiếng xấu “chẳng liên quan gì”. Bạn cần một thái độ mềm mỏng hơn, không “chụp mũ”, như thế mới mong người kia chủ động thay đổi theo hướng bạn muốn.

2. So sánh “tình đương thời” với tình cũ

Đừng có dại dột làm chuyện này ngay cả với thái độ tích cực nhất. Bởi một khi bạn đã xới lại vùng quá khứ, bỏ qua ranh giới nên có thì những nhận xét tiêu cực rất có khả năng sẽ xen vào. Hãy giữ cho tình yêu bạn đang có được là thiêng liêng và duy nhất.

3. So sánh nửa kia với bố mẹ họ hay bố mẹ bạn

Để làm gì cơ chứ? Nhằm mục đích chỉ trích, phê bình? Bất kể hai cụ nhà bên kia có khó tính đến đâu thì họ vẫn là bố mẹ của chàng, họ được chàng yêu vô điều kiện. Việc bạn so sánh không làm chàng “mở mắt” ra đâu mà còn khiến chàng mất thiện cảm dần với bạn.

4. Phàn nàn về việc đối phương từng như thế nào, cứ như thể giờ họ đã thay đổi thành người khác vậy

Ví dụ bạn nói: “Anh đã từng rất chu đáo”. Câu này bạn có thấy tiêu cực không? Tại sao thay vào đó bạn không bảo: “Em yêu sự ân cần chu đáo anh từng dành cho em, bây giờ anh có vẻ bận quá nên không có thời gian cho em nữa rồi...”.

5. “Anh chỉ thế thôi hả?”

Thách thức nửa kia thực ra chỉ làm bạn thấy đau. Đừng làm thế. Khi bạn tức giận, tổn thương, tốt nhất là ra chỗ khác, hít thở thật sâu, chờ cho đến khi bình tĩnh trở lại. Không có luật nào nói rằng mọi cuộc tranh cãi của các cặp đôi buộc phải kết thúc với phần thắng - thua rõ ràng. Đó sẽ chỉ là cuộc chiến leo thang khiến cả hai cùng cảm thấy mất mát.

6. “Chúng ta cần nói chuyện”

Nếu các bạn thực sự cần nói chuyện, lời đề nghị thích hợp hơn sẽ là “chúng mình nói chuyện chút được không?”. Đó là lời gợi ý, không phải một mệnh lệnh hay một câu tuyên chiến.

Theo Dân trí
MỚI - NÓNG