Những gia đình đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không giống số đông, kể từ việc hò hẹn, kết hôn hay lựa chọn chung sống, nhưng những gia đình này vẫn gắn kết với nhau bởi tình yêu thương và sự thấu cảm. Hạnh phúc thường giống nhau, cho dù bề ngoài họ có bao nhiêu khác biệt.

Người bị tình yêu “ám sát”

Geogres Blanchar - người Sáng lập và điều hành Liên minh Phòng, chống buôn bán người Alliance Anti-Trafic (AAT), có trụ sở tại quận 3, TP.Hồ Chí Minh - là một thanh niên người Pháp theo đuổi chủ nghĩa độc thân. 10 tuổi, khi lần đầu nghe được những câu chuyện về Việt Nam, anh đã ước ao được một lần đặt chân lên đất nước này. Nhưng phải đến năm 30 tuổi, Geogres mới thực hiện được ước mơ của mình.

Những gia đình đặc biệt ảnh 1

Vợ chồng anh Geogres Blanchar và chị Phan Thị Ý

Tháng 3/1994, khi Geogres Blanchar đến TP.Hồ Chí Minh làm việc, anh được một người bạn giới thiệu ở trọ tại căn nhà số 21B Lê Văn Sỹ, quận 3. Chủ nhà, bà An ông Hiếu nhận anh làm con nuôi.

Gia đình bà An có một cô gái giúp việc rất xinh xắn tên là Phan Thị Ý. Ý là con lớn của một gia đình nghèo, đông con ở Bến Tre. Sau này, khi nhớ lại đoạn đầu cuộc tình của mình, Geogres thường lắc đầu bất lực, bởi trước khi gặp Ý anh chưa từng có ý định kết hôn, lập gia đình. “Tính tôi ưa tự do, tôi sợ gia đình sẽ trói buộc mình”, anh nhớ lại.

Nhưng rồi, tình cảnh của Geogres lại diễn ra giống hệt như nhà văn Bulgacov đã tả trong tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” (Đoàn Tử Huyến dịch): “khi cô và nghệ nhân vừa đi tới góc phố, tình yêu đã phục kích ở đó và lập tức ám sát cả hai người”.

Geogres trúng tên của thần ái tình đã quyết định học tiếng Việt một cách nghiêm túc để trò chuyện với người trong lòng. Khi tình cảm không kìm nén được nữa, anh tỏ tình với cô gái: “Có muốn làm vợ anh không?”. Cô trả lời: “Quê em chưa có ai lấy chồng Tây. Em sẽ không phải là người đầu tiên”. Câu trả lời của cô khiến Geogres rất buồn bã.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh “bất chấp”, viết thư bằng tiếng Việt cho bố của Ý, xin phép được tìm hiểu con gái ông. Bức thư được Geogres xóa đi nháp lại không biết bao nhiêu lần, chỉ hy vọng người đàn ông miền Tây ấy hiểu được thành ý của anh.

Khi chị Ý về thăm quê ngược lên Sài Gòn, trong đống quà được bố mẹ chuẩn bị kỹ lưỡng có kèm theo lá thư hồi âm của ba vợ tương lai cho Geogres. Thư viết đơn giản: nếu có thể Geogres cho ông gặp một lần, sau khi xem mặt rồi trả lời. Gặp mặt, ông đồng ý nhưng kèm điều kiện: phải kết hôn đàng hoàng theo phong tục Việt Nam.

Nhớ lại câu chuyện này Geogres vẫn cảm thán: “Tôi thích ông già lắm, ông gặp tôi không hỏi chuyện tôi giàu nghèo thế nào, ông chỉ quan tâm đến cảm xúc của con gái”. Nhờ "đồng minh" là bố vợ tương lai, Geogres Blanchar đã được chị Phan Thị Ý dần dần đồng ý. Lần đầu tiên anh về Bến Tre ra mắt gia đình, cả làng đến xem mặt rể Tây. Rể Tây cũng không phụ lòng người quê hiếu khách, hòa nhập với cuộc sống ở đây rất nhanh, hôm trước hôm sau anh đã thích nghi với việc ngủ nhà lá và nghe cải lương.

Sau khi lấy nhau, để giúp cho nhà vợ có điều kiện sinh sống tốt hơn, anh Geogres đã giúp cả làng. “Bởi vì tôi sợ người dân cảm thấy không công bằng nếu tôi chỉ giúp cho một gia đình. Tôi đã xây trường cấp 1, cấp 2 cho xã, rồi sau đó xây đường, tặng xe đạp cho học sinh nghèo. Gia đình ba vợ tôi rất vui”, anh kể.

Neo đậu cuộc sống ở Việt Nam đến nay đã 27 năm, Geogres kể anh chỉ về Pháp có năm sáu lần. Khi tôi hỏi, làm rể Việt, sống ở nơi bất đồng ngôn ngữ có khó khăn không, anh cười bảo: “Có khó khăn gì đâu, vui vẻ mà. Ở đây có vợ con, có bạn bè. Nhà chúng tôi mặc dù nhỏ xíu, nóng nữa nhưng mấy người ở quê cũng thích lên”.

Những ngày nghỉ hè, anh đưa con về quê ngoại để con đi chăn bò, nuôi gà như những nông dân thực thụ. Các con anh rất thích cuộc sống ở quê.

Chia sẻ về gia đình mình, Geogres cho biết anh thích quan sát vợ dạy con, nhất là về các giá trị truyền thống như kính trọng người già, gắn bó với gia đình. Con gái anh hiện đang du học ĐH Dược ở Pháp, ngày nào cũng gọi điện thoại trò chuyện với cha mẹ. Anh nói: “Đó là sự gắn bó kiểu gia đình Việt Nam mà tôi rất thích. Phong tục Việt Nam rất hay, dạy mỗi người phải nghĩ cho người khác, tôn trọng người đã mất. Tôi muốn nuôi dạy con cái ở môi trường như vậy”.

“Gia đình lựa chọn” của Lý Thành Cơ

Lý Thành Cơ, sinh năm 1992, là một gương mặt rất có ảnh hưởng trong cộng đồng đam mê xê dịch với vai trò là một travel blogger. Bắt đầu công việc này từ năm 2015, chàng trai người Sài Gòn từng đặt chân đến hơn 30 quốc gia, ra mắt 3 cuốn sách: “Tuổi trẻ trong ví, bạn mua được gì?”; “Thế giới rộng lớn, đừng đi một mình” và “Trăng mật với bản thân”, cuốn nào cũng nằm trong danh sách best seller.

Nhìn hình ảnh một thanh niên tự tin phơi phới, một mình xách ba lô check in suốt từ Đông sang Tây, ít người liên tưởng được, Cơ lớn lên trong một gia đình “đặc biệt của đặc biệt”.

“Nhà tôi bốn người bốn họ khác nhau. Chúng tôi không mang chung dòng máu nhưng sự gắn kết và ấm áp mà các thành viên mang lại cho nhau chưa khi nào khiến chúng tôi phải hoài nghi hay mặc cảm về “gia đình” của mình”, anh chia sẻ.

Khi được hỏi cảm giác trở về nhà sau mỗi chuyến đi, Cơ trả lời: “Đó là sự an tâm. Thú thật, có những chuyến tôi nhớ nhà kinh khủng, nhớ đến tột cùng, dù ở một nơi tuyệt đẹp cũng thấy không vui. Được về nhà là được trở lại nơi an toàn, có chiếc giường dễ ngủ quen thuộc, có bữa cơm ấm nóng đúng vị, và có mẹ”.

Bố mẹ của Lý Thành Cơ đều là phụ nữ, họ gắn bó với nhau từ khi hai người mới mười chín, đôi mươi cho đến khi người chồng mất. Cuộc hôn nhân không theo lẽ thường ấy kéo dài 50 năm. Chị gái Lý Thành Cơ vốn là con của một gia đình hàng xóm đông con, sau được bố mẹ anh đón về nuôi nấng. Khi chị gái lên cấp 3, cậu út Cơ, cũng từ một gia đình đông con khác chính thức gia nhập tổ hợp bốn người.

Về sau, khi trưởng thành, Lý Thành Cơ tình cờ tìm thấy một khái niệm gọi là “chosen family” dịch ra tiếng Việt là “gia đình lựa chọn” để định danh cho hoàn cảnh của mình. “Chosen family” là hình thức gia đình mà các thành viên không gắn kết với nhau bởi quan hệ huyết thống máu mủ ruột thịt hay quan hệ pháp lý; thứ tồn tại giữa họ là tình yêu thương.

Thuật ngữ này cũng đã trở thành tên một bài hát rất nổi tiếng của Jonny Lattimer, năm 2020, ca khúc “Chosen family” được Elton John và Rina Sawayama thể hiện đã lập tức được cộng đồng nghe nhạc toàn thế giới đón nhận. Điệp khúc: “We don't need to be related to relate/ We don't need to share genes or a surname/ You are, you are/ My chosen, chosen family” (Chúng ta không cần phải liên quan/ Chúng ta không cần chia sẻ gen hay họ/ Bạn chính là/ Gia đình được chọn của tôi) thậm chí trở thành slogan trong ngày quốc tế gia đình.

Lớn lên trong một gia đình lựa chọn, nhưng Lý Thành Cơ khẳng định, anh chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn tình thương yêu. “Tôi chỉ biết tôi có bố Tư, mẹ Mười, họ hàng nội ngoại cũng gọi như vậy thành thói quen. Với tôi, từ ngày ấy cho tới bây giờ, gia đình tôi vẫn là một gia đình bình thường. Sự đặc biệt, có chăng, đến từ lời người khác nói”. Anh chia sẻ.

Nhờ sinh trưởng trong một gia đình đặc biệt nên khi nhận ra mình là gay, Lý Thành Cơ gần như không bị áp lực phải trốn tránh “cho mọi người khỏi xì xào” như nhiều trường hợp tương tự.

Những gia đình đặc biệt ảnh 2

Lý Thành Cơ và mẹ

“Giây phút come out (thuật ngữ chỉ sự công khai giới tính thật của một người đồng tính) của tôi hoàn toàn không chút kịch tính như trên phim ảnh. Cả nhà tôi xem đây là một chuyện hết sức… bình thường. Mẹ Mười còn nói, mẹ biết lâu rồi, thấy bạn trai Cơ qua nhà rước quài. Trời ơi, tôi thực sự yêu cái “bình thường đặc biệt" ấy của gia đình mình”!

Sau khi bố Tư mất, Lý Thành Cơ và chị chỉ còn mẹ Mười. Chị gái Cơ ở bên Mỹ nhiều năm nhưng ngày nào cũng gọi điện về cho mẹ, sắp tới còn muốn về hẳn Việt Nam để được ở gần gia đình. Út Cơ qua giai đoạn nổi loạn tuổi teen đến nỗi sinh thời bố Tư chỉ ao ước sau này con kiếm được công việc bảo vệ để có lương mà sống, nay tốt nghiệp thạc sĩ, trở thành một travel blogger thành công, và đã có điều kiện đưa mẹ Mười đi du lịch khắp nơi.

“Ai dám nói bốn người khác họ chúng tôi không phải một gia đình thực thụ, dù chúng tôi không tuân theo “hình mẫu chuẩn mực” của những gia đình hạt nhân mà xã hội định nghĩa”, Cơ nói.

MỚI - NÓNG
Nắng nóng ở Nam bộ giảm dần
Nắng nóng ở Nam bộ giảm dần
TPO - Cơ quan khí tượng dự báo từ sau ngày 15/5 nền nhiệt khu vực Nam bộ có xu hướng giảm dần, nắng nóng sẽ giảm dần về cường độ. Ngoài ra, thời tiết khu vực phổ biến ít mưa, xen kẽ có ngày xuất hiện mưa rào và dông rải rác vào chiều tối và đêm, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to.