Những dòng sông tự kể

Những dòng sông tự kể - Kỳ 8: Sức hút nghịch giang

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khác với những dòng sông của nước ta chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đổ ra Biển Đông, sông Kỳ Cùng nơi xứ Lạng lại chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc. Với dòng chảy độc đáo đó đã đặt cho xứ Lạng biệt danh "nơi dòng sông chảy ngược", tạo nên nét riêng có của đất và người Lạng Sơn.

Theo sử sách, gần 80% diện tích tỉnh Lạng Sơn nằm trong lưu vực sông Kỳ Cùng, sông này thuộc sông Tây Giang (Trung Quốc), chảy qua xứ Lạng dài hơn 240 km, bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa, huyện Đình Lập tới huyện Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn, huyện Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định rồi về Quảng Tây, Trung Quốc.

Dòng sông kỳ lạ

Trên suốt chiều dài chảy qua địa phận tỉnh Lạng Sơn, sông Kỳ Cùng có nhiều đoạn gần như thẳng tắp, bám theo một máng trũng đặc biệt trên địa hình được gọi tên là “Máng trũng Cao Lạng”. Một số đoạn sông có đặc tính sông già, uốn khúc mạnh, mở rộng lòng, chảy hiền hoà giữa những cánh đồng xanh mướt lúa và hoa màu rộng từ 100 đến 500 ha. Những đoạn còn lại, sông thu hẹp (có chỗ chiều rộng dòng chảy chỉ vài chục mét), chảy xiết qua các ghềnh đá, hai bên bờ chỉ có các vạt phù sa mỏng, thậm chí chỉ là những bờ đá dốc đứng, dũng mãnh. Chính sự kỳ vĩ này mà từ thời Vua Tự Đức (1830), sông Kỳ Cùng đã được triều đình ghi danh trong “Tự Điển” (điển lễ thắng cảnh được cúng tế hàng năm của quốc gia). Ngô Thì Sĩ trong thời kỳ làm Đốc trấn Lạng Sơn 1777 - 1780 đã tốn không ít giấy mực để ca ngợi cảnh đẹp Lạng Sơn.

thành phố Lạng Sơn, sông Kỳ Cùng uốn lượn ngay trung tâm đô thị. Hình ảnh con sông Kỳ Cùng như một dải lụa mềm thơ mộng. Hiện nay, bắc ngang qua dòng sông Kỳ Cùng, đoạn sông giữa lòng thành phố, có 3 chiếc cầu là cầu Kỳ Lừa, cầu Đông Kinh và cầu Ngầm. Trong đó, cầu Kỳ Lừa được coi như chiếc đòn gánh, một hình ảnh đẹp, mang nhiều ý nghĩa văn hóa.

Những dòng sông tự kể - Kỳ 8: Sức hút nghịch giang ảnh 1

Sông Kỳ Cùng đoạn qua thành phố Lạng Sơn Ảnh: Duy Chiến

Tiến sỹ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Ở hai bờ Bắc và Nam có bến đá sông Kỳ Cùng. Trong “Trấn doanh bát cảnh” (8 cảnh đẹp Lạng Sơn), Đốc trấn Ngô Thì Sỹ gọi đây là “Kỳ Cùng Thạch Độ”. Ngô Thì Nhậm cũng đánh dấu trong tập “Hoàng Hoa đồ phả” của mình vị trí này. Sở dĩ như vậy vì ngày xưa bất cứ cuộc hành quân hay hành trình nào của sứ giả qua lại Trung Quốc- Việt Nam cũng đều phải qua bến này.

“Ngày ấy thuyền bè san sát, hai bên bờ sông lúc nào cũng tấp nập vì dân chúng và quan quân hội tụ. Khúc sông Kỳ Cùng ở đây có nhiều tảng đá chắn ngang giữa lòng sông. Đá lô nhô lên mặt nước, sóng đánh vào đá theo mức nước sông. Lúc lên, lúc xuống, tung tóe những tia bọt trắng xóa, trào khắp một dải tràng giang, trông thật là ngoạn mục”, ông Páo kể lại.

Chỉ tay về bên bờ Nam sông Kỳ Cùng, Tiến sỹ Páo cho biết, nơi đó cũng có bến đá có ngôi một ngôi chùa cổ, tên là Diên Khánh Tự (tục gọi là Chùa Thành). Vào năm 1993, bến đá Kỳ Cùng đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Dòng sông chiến lũy

Sông Kỳ Cùng ngoài việc cung cấp nước sinh hoạt, canh tác cho người dân Lạng Sơn, còn là một chiến lũy vững vàng. Cuối năm 1885, Pháp chiếm được thị xã Lạng Sơn. Xét thấy vị trí quan trọng của con đường Hà Nội - Lạng Sơn, Đồng Đăng, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng chiếc cầu qua sông Kỳ Cùng ngay từ năm 1887, đến năm 1889 thì hoàn thành. Người Pháp đã dựng tấm bia đá ghi thời gian xây cầu, đặt ở đầu cầu phía Bắc, gần đền Kỳ Cùng. Trải qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc (1979), cầu bị quân thù điên cuồng bắn phá.

“Ngày nay cầu Kỳ Cùng được xây ở ngay cạnh bến đá, nối hai bờ Bắc và Nam sông Kỳ Cùng, chia thành phố Lạng Sơn thành hai khu vực, bên bờ Bắc là nơi sinh hoạt, kinh doanh buôn bán, bên bờ nam là khu vực tập trung các cơ quan hành chính của tỉnh Lạng Sơn”. Tiến sỹ Hoàng Văn Páo

Tiến sỹ Hoàng Văn Páo cho biết, năm 1985, cầu Kỳ Lừa được xây dựng lại với nhịp dầm thép chịu lực nhưng khi cầu sắp hoàn thành xây dựng thì bị trận lũ lịch sử năm 1986 cuốn trôi. Sau đó, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục xây dựng lại cầu và nâng cao hơn 2m, lấy tên là cầu Kỳ Lừa. “Tháng 10 năm 2016, cầu Kỳ Cùng mới được khởi công xây dựng và sau khoảng hai năm thì hoàn thành vững chãi, to đẹp như ngày nay, là địa điểm giao thương, qua lại giữa hai bờ Nam- Bắc sông Kỳ Cùng nhộn nhịp”, Tiến sỹ Páo nói.

Niềm vui đôi bờ

Thượng tọa Thích Quảng Truyền, trụ trì chùa Thành cùng chúng tôi tản bộ đoạn sông Kỳ Cùng. Thượng tọa cho biết, bên kia bờ Bắc, xung quanh đền Kỳ Cùng là hai địa danh nổi tiếng, bên trái có làng hoa Bến Bắc ngát hương mỗi dịp mùa xuân, mùa thu về. Đồng bào các dân tộc xứ Lạng chắt chiu dòng nước nặng phù sa Kỳ Cùng để kết thành những đóa hoa thược dược, hoa hồng, hoa ly rực rỡ. Còn bên phía Nam là chợ Đông Kinh, chợ Bờ Sông náo nức người mua, kẻ bán.

Những dòng sông tự kể - Kỳ 8: Sức hút nghịch giang ảnh 2

Bến đá Kỳ Lừa Ảnh: Duy Chiến

Theo Thượng tọa, ngày xưa, xung quanh chùa Thành còn có một số đền, miếu, cột đồng trụ, nhà công quán. Tài liệu xưa ghi lại: Công quán là nơi để đón tiếp các đoàn sứ bộ của các triều đại qua lại bang giao giữa hai nước Việt- Trung. Trước khi vượt sông Kỳ Cùng, các sứ thần hai bên đều vào tế lễ ở đền Kỳ Cùng, rồi vượt sông sang nhà công quán nghỉ ngơi, làm các thủ tục vào triều...

“Còn cột đồng trụ dựng trước nhà công quán là biểu tượng của cửa ải. Nhưng đáng tiếc, những dấu tích của cột đồng trụ, nhà công quán đã không còn. Vào cuối triều Lê, chùa này bị phá hủy. Đến triều đại Quang Trung, chùa Thành mới được xây dựng lại vào năm 1796 và từ đó đến nay, chùa đã năm lần tu sửa, tôn tạo. Gần đây, do công đức của các tăng ni phật tử trong cả nước, chùa Thành một lần nữa được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí lên tới hơn 11 tỷ đồng. Trong đó, đúc mới quả chuông nặng 2.100 kg và 40 pho tượng. Vì vậy chùa Thành có một kỷ lục do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập: “Ngôi Chùa có hệ thống tượng thờ bằng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam”, Thượng tọa xúc động giới thiệu.

Chiều tà. Chúng tôi nhác thấy, từng tốp nam thanh nữ tú mặc áo chàm xanh lấp ló ngồi bên bờ sông Kỳ Cùng soi gương, tỉa lông mày, đám người khác tụ tập cất tiếng hát Sli mời gọi bạn tình…

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.