Những dòng sông tự kể -Kỳ 2: Mưu sinh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ lâu sông Krông Ana được biết đến bởi nhiều sản vật cá tôm và vẻ đẹp bình yên, hùng vĩ của một vùng trời nước mênh mông. Biết bao thế hệ người dân ở vùng đất này chăm chỉ, chuyên cần mưu sinh với nghề dong thuyền chài lưới. Sản vật đánh bắt cho thấy được sự hào phóng của sông mẹ thì cuộc sống của ngư dân cho ta một bức tranh khác về nghề chài lưới.

Xóm vạn đò xứ Huế

Trong cái vắng của trưa hè, dòng sông Krông Ana phô bày vẻ bình yên cổ tích toát lên từ xóm chài. Những cụm đò nằm im neo đậu bên bờ lặng lẽ và an nhiên như thuở mới khai sinh. Cơn gió thổi qua phảng phất mùi nồng tanh nhẹ thoảng của một buổi sáng chở cá tôm trên mạn thuyền. Hơn trăm ngôi nhà xây kiên cố của 2 xóm chài dựa lưng vào nhau cùng nép mình bên dòng sông mẹ tĩnh lặng.

Những dòng sông tự kể -Kỳ 2: Mưu sinh ảnh 1

Xóm chài người Huế bên dòng sông Krông Ana

Gắn bó với dòng sông mẹ hơn 20 năm, chị La Thị Mai (45 tuổi) cũng như nhiều ngư dân xóm vạn chài chứng kiến thế sự biến đổi bên dòng sông. Bao đời nay, họ vẫn sống nhờ dòng sông, mưu sinh bằng nghề chài lưới, đêm đêm nghe tiếng động cơ rì rì rẽ sóng. Trước đây, lòng nước là nơi nuôi sống rất nhiều loài thủy sản bởi tính đa dạng sinh học, nghề đánh bắt cá trên dòng Krông Ana diễn ra quanh năm, vì thế ngư dân thường đánh bắt được nhiều loài tôm cá có giá trị, sản phẩm thường gặp là các loại cá: Cá heo, cá lăng, rô phi, trắm, diêu hồng…

Chị Mai kể với chất giọng Huế ấm áp: vào mùa nước lụt khoảng tháng 11 đi một nhoáng đầy mạn thuyền. Bây giờ nguồn thủy sản cạn kiệt, ngày nước lên thu nhập 200 - 300 nghìn đồng/ngày, hôm nước xuống, nhiều khi lỗ tiền dầu. Hầu hết các hộ gia đình ở đây đều di cư từ tỉnh Thừa Thiên - Huế vào lập nghiệp. Chính nhờ nguồn thủy sản nơi dòng sông này, bao năm qua nhiều hộ dân tích cóp mua được đất ruộng trồng lúa, cuộc sống khấm khá hơn.

Nghề chài lưới vất vả và cực khổ, 4 -5 giờ sáng dong thuyền đi đến 2 giờ chiều về, đắm nghề rồi nên phải bám, 4 người con của chị Mai hiện đã lớn, đứa út năm nay 18 tuổi, đều ở nhà theo nghề làm cá, vào vụ mùa ai thuê gì làm nấy. Với chị Mai, dòng sông mẹ luôn mang trong mình nhiều điều bí ẩn, mà ngay chính những ngư phủ sành sỏi như vợ chồng chị cũng không am tường hết. Dẫu đã thâm niên trong nghề nhưng vẫn có khi tôm cá đầy thuyền, khi lác đác vài con.

“Bây giờ nghề cá khó khăn hơn. Trước đây thuyền cập bến có thương lái chờ sẵn mua, nay đánh được bao nhiêu, tất bật đưa ra chợ bán. May có thêm mấy sào ruộng trồng lúa, nên một năm tổng thu nhập hơn 100 triệu”, chị Mai nói.

Khó nhọc mưu sinh

Bên dòng sông mẹ hiền hòa vẫn còn nhiều phận đời “ba chìm, bảy nổi” theo từng con nước. Dù an cư đã lâu nhưng cuộc sống của nhiều hộ dân vạn chài thu nhập bấp bênh. Trong ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ của vợ chồng bà Trần thị Diệp (50 tuổi) gần như chẳng có gì đáng giá. Trước hiên nhà, người đàn bà trong chiếc áo cũ đã ngả ố, nỗi lo toan về mưu sinh cho cuộc sống hàng ngày hằn từng nếp nhăn trên khuôn mặt màu da bánh mật. Đôi mắt thẫn thờ nhìn ra dòng sông đang rì rào sóng nước, cả cuộc đời bà sống nhờ nghề chài lưới. Nguồn lợi thủy sản đang vơi dần khiến đời sống của gia đình bà đã khó lại càng khó hơn.

Mỗi ngày, vợ chồng bà đều đặn đi đánh cá, nhưng giờ đây, cá tôm đã ít, bệnh đau lưng hành bà từng đêm nên cuộc sống bữa no bữa đói. Ở đây không có đất sản xuất và không thể bám trụ với nghề sông nước, 3 người con của bà phải đi làm thuê nơi khác phụ đưa tiền về đỡ đần cho bố mẹ.

Chiều về, làng chài ven sông yên ắng, xa xa giữa lòng sông những chiếc thuyền của ngư dân lững thững trôi. Ẩn sau vẻ bình yên ấy là cuộc sống đầy vất vả lo toan của hàng trăm con người đang hằng ngày mưu sinh bằng nghề chài lưới. Câu chuyện của bà Diệp hòa vào ráng chiều đỏ rực. Từ tỉnh Thừa Thiên - Huế vào Đắk Lắk năm 12 tuổi, sống 8 năm tại xã Quảng Điền (huyện Krông Ana), sau đó chuyển về xóm chài này gắn bó đến nay đã 26 năm. “Cuộc sống của ngư dân chúng tôi tháng ngày theo đuôi con cá, con tôm để mưu sinh. Nguồn đánh bắt trên dòng sông Krông Ana đang cạn kiệt, người làm nghề chài lưới đánh bắt tự nhiên quanh năm vật lộn với sóng nước nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo”.

Những dòng sông tự kể -Kỳ 2: Mưu sinh ảnh 2

Thuyền của ngư dân trên dòng sông Krông Ana

Bà nói về cách đánh bắt chừng mực của ngư dân xưa như, quăng chài, thả lưới, giăng câu, không bắt cá nhỏ nhưng bây giờ có nhiều người dùng dã cào, chích điện, bao nhiêu tôm cá to nhỏ bắt hết. Hình thức đánh bắt tận thu và hủy diệt của không ít ngư dân đã làm cho dòng sông Krông Ana ngày một nghèo thêm sản vật. Cuộc sống của người làm nghề chài lưới theo đó không còn dễ dàng như trước. Biết nghề này ngày một khó khăn nhưng hoàn cảnh quá cơ cực nên nhiều người vẫn phải bám lấy nghề, bởi đó là áo cơm, là đường mưu sinh không thể khác. Những ngư dân xóm chài ven sông này, 4 -5 giờ sáng thu mình trên chiếc thuyền, chiều đến 2-3 giờ về. Hôm nào nước lên may mắn thì được vài ba trăm ngàn, hôm lỗ trắng, có hôm hòa vốn. Bà Diệp thở dài thườn thượt: “Mọi thứ chi phí đều tăng, tôm cá ở sông giờ nhỏ lắm, nhưng cũng phải bám sông mà sống. Ở nhà không có việc gì làm. Gia đình khác còn ruộng rẫy, nhà tôi chỉ bám víu vào nghề chài lưới trên sông nước mà thôi”. Nói rồi mắt bà xa xăm nhớ ngày mới đến đây lập nghiệp, sau một đêm thả cá dày lưới, giờ vào dĩ vãng. Tài nguyên có phong phú mấy nhưng đánh bắt mãi rồi cũng ít dần. Cái lịch trình sinh tồn của tôm cá chưa đủ vòng đã bị đánh bắt thì cũng cạn kiệt.

Mặt trời đã khuất dạng, dòng sông phản chiếu một màu xám từ chút ánh sáng yếu ớt cuối ngày. Xa xa những phận người lầm lũi, nhỏ bé về nhà trong cái nhá nhem tối, hôm sau họ tiếp tục một vòng quay mưu sinh với nghề chài lưới trên sông.

(Còn nữa)

Ông Đỗ Đình Miền, trưởng buôn Trấp cho biết, xóm chài có khoảng 200 hộ dân, đa số đều từ tỉnh Thừa Thiên - Huế đến mưu sinh bằng nghề chài lưới. Người dân bản địa sống ven sông khoảng 30 hộ, họ không sống dựa vào nghề cá, họ chủ yếu làm nông nghiệp, thỉnh thoảng đánh cá làm đa dạng thêm nguồn sản vật trong bữa ăn hằng ngày. Bây giờ nguồn thủy sản trên dòng sông Krông Ana không còn dồi dào phong phú như trước đây vì có một số hộ đánh bắt theo kiểu tận diệt, bà con đánh bắt phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản để khai thác bền vững.

MỚI - NÓNG