Nghề... ăn cưới thuê
Người thuê phần lớn là những "người bận rộn", có nhiều mối quan hệ và kinh tế khá giả. Theo họ, gửi phong bì mừng chỉ là "hạ sách" bởi sự chu đáo chưa được hết nhẽ. Mà việc cử thư ký, trợ lý... thay mặt mình đi dự đám cưới mãi cũng không xuể, nhiều khi lại "lộ".
Chi phí cho người ăn thuê phụ thuộc vào quãng đường di chuyển đến chỗ tổ chức đám cưới xa hay gần nên dao động từ 100.000-200.000 đồng/đám. Tuy nhiên, người ăn thuê không chỉ có việc ăn mà còn phải diễn xuất như những diễn viên thực sự.
Thuê người đóng thế đám cưới
Dịch vụ cho thuê bố mẹ trong ngày cưới ra đời để đáp ứng nhu cầu của những đôi trẻ bị phụ huynh phản đối nhưng muốn làm đám cưới có đủ mặt cả song thân phụ mẫu. Dịch vụ này được các cửa hàng cưới hỏi trọn gói cung cấp với giá dao động từ 2-5 triệu đồng/người/lượt.
Cũng có những đôi bạn trẻ vì muốn đám cưới bài bản, sang trọng cũng tìm đến dịch vụ này. "Diễn viên đóng thế" sẽ phát biểu, ứng xử giúp bố mẹ ruột của họ vốn quê mùa, chân chất, ít khi giao tiếp chỗ đông người. Nhiều trường hợp chính bố mẹ cô dâu, chú rể do già yếu, không có điều kiện dự đám cưới con cũng "nhờ" công ty chuẩn bị cho con một đám cưới đông vui.
Dịch vụ cho thuê... cô dâu, chú rể
Hiện nay, rất nhiều cửa hàng chuyên phục vụ đồ cưới hỏi sẽ kiêm luôn dịch vụ cho thuê cô dâu, chú rể giả.
Một trang web quảng cáo dịch vụ thuê cô dâu chú rể
Theo nhân viên một cửa hàng phục vụ đồ cưới hỏi trên đường Trường Chinh (Hà Nội), để có một kịch bản hoàn hảo, khách hàng phải nghe theo toàn bộ sự sắp đặt của "ban tổ chức". Không chỉ kịch bản được dàn dựng hoàn hảo mà các "diễn viên" cũng phải được tuyển chọn kỹ càng. Nếu cửa hàng lo toàn bộ từ A đến Z, tức là cả chụp ảnh cưới, tiệc cưới và xe cộ thì giá khoảng 120 triệu đồng. Song giá đó còn phụ thuộc vào kịch bản, tức là tổ chức đám cưới xa hay gần, cỗ bàn bao nhiêu mâm...
Nghề khóc mướn đám ma
Theo anh Đoàn Công Chất (Thuận Thành, Bắc Ninh), một người gạo cội trong nghề, nếu trước kia, đây chỉ là nghề phụ của một số người có "năng khiếu" trong những đoàn nhạc hiếu thì nay nghề khóc thuê cũng cần phải chuyên môn hóa, phải được đào tạo, luyện tập. Bởi người ta bỏ tiền ra đều mong thuê được những người khóc giỏi, khóc giống như thật và phải làm người khác xiêu lòng.
Ảnh minh họa
Hiện khóc mướn đã trở thành một nghề "thời thượng". Hầu hết đám hiếu nào cũng cần đến đội ngũ khóc thuê, bởi không phải ai cũng có thể thể hiện sự thương tiếc, cảm xúc thành lời. Do đó, nghề khóc thuê cũng đem lại những khoản thu nhập kha khá.
Học thuê, thi thuê
Dịch vụ học thuê ngày nay được công khai quảng cáo trên các trang web, các trang mạng xã hội, thậm chí được dán ở các điểm công cộng hay nơi tập trung đông sinh viên. Thông thường, người thuê sẽ liên lạc trực tiếp với người đăng quảng cáo thỏa thuận giá cả, thông báo địa điểm, môn học, thông tin cá nhân. Sau đó, người học thuê chỉ cần đến lớp đúng giờ, điểm danh, kiên trì ngồi hết buổi học, thỉnh thoảng làm thêm một số bài kiểm tra mang tính chất điểm danh là chính... thế là tròn vai.
Quảng cáo học hộ, học thuê nhan nhản trên mạng và nơi công cộng. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra còn có dịch vụ thi thuê với giá 1-1,5 triệu đồng/môn. Nhưng, những đối tượng đáp ứng dịch vụ thi thuê phải là những sinh viên có kiến thức về môn học đó và phải đảm bảo bài thi đạt điểm cao.
Cho thuê người yêu
Chỉ cần gõ cụm từ "cho thuê người yêu" khi tìm kiếm sẽ nhận ngay được hàng trăm kết quả với lời giới thiệu nghe rất ngọt ngào. Hiện có khá nhiều tổ chức, công ty kinh doanh thêm dịch vụ cho thuê người đi chơi, đóng thế làm người yêu, thư ký...
Giá của loại dịch vụ này không hề rẻ, khoảng 500.000 -1 triệu đồng/4 tiếng nhưng nhu cầu vẫn tăng cao vào những ngày cận Tết Nguyên đán.
Cho thuê người động thổ
Tìm người hợp tuổi, hợp mệnh để làm lễ động thổ nhà ở, công trình hiện nay đã trở thành dịch vụ, thay vì nhờ người quen, thân như trước đây. Hoạt động này lại được nhiều người dân, đặc biệt là giới kinh doanh săn lùng.
Dịch vụ động thổ thuê đang được nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn.
Chỉ cần một cú nhấp chuột, trên các trang mạng xuất hiện nhan nhản thông tin đăng tải về các dịch vụ tổ chức lễ động thổ nhà ở, tổ chức lễ khởi công nhà máy, cầu đường, khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp... Mức giá dao động cho dịch vụ này từ 200.000-400.000 đồng.
Dịch vụ thuê người xông đất
Cho thuê người xông đất đầu năm hiện đã trở thành dịch vụ hốt bạc vào dịp Tết do nhiều người tin rằng việc người hợp tuổi đến nhà đầu năm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tài lộc của cả gia đình trong năm đó.
Dù mới xuất hiện nhưng dịch vụ xông đất thuê phát triển khá nhanh với hình thức ngày càng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, giá dịch vụ này khá cao. Có công ty đã đưa ra chương trình xông đất khá hoành tráng (tặng lì xì, câu đối kèm lời chúc tết trọn gói 30 phút) nhưng với giá gần 2 triệu đồng.
Dịch vụ khấn thuê
Đầu năm, nhiều người đi lễ nhưng không biết khấn nên ngay tại những đền, phủ, chùa được cho là linh thiêng, đội ngũ những người khấn thuê rất đông đúc.
Việc trả công cho người khấn thuê là tùy tâm, thường là 10.000 đồng, 20.000 đồng hoặc 50.000 đồng. Có người hào phóng có thể cho nhiều hơn.
Dịch vụ thuê nóng bộ phận
Đầu tiên phải kể đến nghề cho thuê... da mặt - tên gọi của nghề trang điểm (make up) khuôn mặt trong thế giới người mẫu, đang thu hút nhiều bạn trẻ có khuôn mặt ưa nhìn.
Các người mẫu cho thuê bộ phận cơ thể như cánh tay, vai, lưng, đùi... để quảng cáo
Đặc điểm của nghề này là không yêu cầu về ngoại hình, chỉ cần có làn da sáng, đẹp, mái tóc mượt mà. Mức lương cho công việc này là 40.000 đồng/2h. Nếu làm người mẫu mặt và tóc thì mức lương có thể cao hơn, dao động 50.000-60.000 đồng/2h.
Ngoài ra, các bạn trẻ hay giới sinh viên thường cho thuê nóng các bộ phận cơ thể để quảng cáo, chẳng hạn như tóc, mặt, tay, lưng.... Dịch vụ này đã và đang mang lại mức thu nhập hàng triệu đồng một ngày cho các bạn trẻ, hầu hết trong số đó là các bạn gái có ngoại hình đẹp, có sức thu hút với khách hàng.
Nghề bế lợn thuê
Chợ heo (lợn) Bà Rén (xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) được xem là khu chợ buôn bán heo lớn nhất Việt Nam. Ở đây, có những phụ nữ ấy làm công việc độc nhất vô nhị, đó là bế lợn thuê. Mỗi lần bế một chú lợn, họ được trả 500 – 1.000 đồng tiền công.
Ảnh minh họa
Lúc nghề bồng heo thuê này chưa ra đời, mỗi lần cân heo giống là một lần khó khăn vì nhốt heo vào rọ hay trói để cân sẽ làm heo bị trầy xước, mất giá. Đồng thời, bán xong mà còn khiêng heo cho khách thì rất mất thời gian. Chính vì thế, cái nghề bồng heo thuê tại đây đã dần hình thành và phổ biến rộng rãi.
Theo Hạnh Nguyên