Botswana là nước có nhiều voi nhất thế giới. (Getty) |
“20.000 con voi hoang dã cho Đức. Đây không phải chuyện đùa. Rất dễ khi ngồi ở Berlin và đưa ra ý kiến về các vấn đề của chúng tôi ở Botswana. Chúng tôi đang phải trả tiền cho việc bảo tồn những con vật đó cho thế giới”, ông Masisi nói với báo Bild của Đức.
Trước đó, Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke kêu gọi quốc gia ở miền nam châu Phi hạn chế xuất khẩu chiến lợi phẩm săn bắn vì lo ngại vấn đề bảo tồn động vật.
Là một trong những nước nhập khẩu sản phẩm săn bắn nhiều nhất trong Liên minh châu Âu, Đức đề xuất áp đặt hạn chế chặt chẽ hơn các chiến lợi phẩm săn bắn.
Ý tưởng này vấp phải thái độ giận dữ từ Botswana. Tổng thống Maisisi nói rằng người Đức nên thử “sống chung với động vật, theo cách các vị đang bảo chúng tôi”. Ông khẳng định Botswana “làm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới” để bảo tồn động vật hoang dã.
Botswana là một trong những nơi có nhiều voi châu Phi nhất, với hơn 130.000 con voi sinh sống ở phần phía nam quốc gia này, theo số liệu của Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã châu Phi. Botswana cũng là nơi có nhiều voi nhất thế giới.
Tuy nhiên, quốc gia này gặp phải vấn đề với số lượng voi quá đông, nhất là ở vùng phía bắc. Số lượng voi quá nhiều dẫn đến những xung đột giữa người và động vật, khiến mùa màng bị phá nát, thậm chí voi tấn công người.
Săn bắn lấy chiến lợi phẩm, nghĩa là loại hình săn thể thao để lấy những “chiến lợi phẩm” như sừng, ngà, đầu và gạc, là vấn đề gây chia rẽ ở châu Phi. Các nhà bảo tồn cho rằng hoạt động này đang làm trầm trọng tình trạng suy giảm quần thể động vật hoang dã, trong khi vẫn phải đối mặt với tình trạng suy giảm do nạn săn trộm.
Tuy nhiên, Botswana và các nhà bảo tồn khác cho rằng hoạt động săn bắn thể thao giúp hồi sinh quần thể động vật, mang lại nguồn thu cho cộng đồng, ngăn chặn những kẻ săn trộm và bảo vệ đa dạng sinh học.
Năm 2014, Botswana ra lệnh cấm săn bắn thể thao vì dân số voi suy giảm. Nhưng lệnh cấm bị dỡ bỏ từ năm 2019 do áp lực từ các cộng đồng địa phương. Quốc gia thuộc phía nam châu Phi này đang áp dụng hạn ngạch săn bắn voi và các loài khác.
Tháng trước, Bộ trưởng Du lịch và Môi trường Motswana Dumezweni Mthimkhulu gợi ý rằng nước này có thể đưa 10.000 con voi đến công viên Hyde Park của London, để người Anh có thể “nếm thử cuộc sống bên cạnh chúng”.
Phát biểu được đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn Sky News, khi Anh xem xét dự luật về cấm nhập chiến lợi phẩm săn bắn.