Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào trong cơ thể, có tỷ lệ tử vong cao. Ở giai đoạn đầu, ung thư thường không có triệu chứng rõ ràng nên bệnh nhân thường không chú ý và khi có triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, việc phát hiện các dấu hiệu sớm của ung thư có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp người bệnh có khả năng chữa khỏi cao hơn.
Có rất nhiều loại bệnh ung thư và mỗi bệnh lại có những biểu hiện khác nhau. Do vậy, chúng ta cần chú ý tới những thay đổi trên cơ thể mình để phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư.
Dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư
Một vết thương trên da lâu không lành
Nếu bạn phát hiện thấy có bất kỳ vết xước hoặc tổn thương trên da nào mà lâu không lành, hãy cảnh giác với bệnh ung thư đang phát triển trong cơ thể. Vì đây được xem là dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư nhưng lại thường bị bỏ qua.
Viêm loét miệng
Bệnh nhân thấy tự nhiên bị viêm loét miệng, lâu lành. Có thể thấy bạch sản là một vùng tổn thương tiền ung thư có thể xảy ra với các kích thích liên tục. Nếu có những vệt trắng cũng như các mảng trắng dày trên lưỡi là những biểu hiện của sự thay đổi trong niêm mạc miệng, có thể dẫn đến ung thư.
Nhiều người bị loét miệng do nhiễm virus, vết loét có thể gây đau nhưng sẽ khỏi sau một vài ngày. Trường hợp một vết loét miệng gây đau hoặc không đau nhưng kéo dài từ 3-4 tuần thì cần chú ý bởi có thể là do ung thư trên lưỡi hoặc xung quanh miệng.
Ho dai dẳng
Hiện tượng ho dai dẳng trong nhiều ngày có thể là 1 trong những tín hiệu cảnh báo bệnh về phổi, trong đó có ung thư. Xác suất mắc ung thư sẽ càng cao nếu bạn bị ho dai dẳng đi kèm với các triệu chứng như: Giảm cảm giác thèm ăn; Giảm cân đột ngột không rõ nguyên do.
Ở giai đoạn muộn, ung thư phổi có thể gây khó thở và ho ra máu.
Khó nuốt
Một số bệnh như đột quỵ, chấn thương não... có thể gây khó nuốt. Tuy nhiên, còn có nguyên nhân khác đó là dấu hiệu sớm của ung thư vùng cổ hoặc vùng đầu, như ung thư dây thanh quản, thực quản, miệng và lưỡi. Ngoài ra, còn có triệu chứng đau bên trong miệng.
Ở một số người có thể bị khó nuốt, nhưng sau đó tự xem xét thấy không đau hay viêm họng gì nên đã bỏ qua nó. Nhưng theo thời gian, dù họ thay đổi món ăn có nhiều chất lỏng hơn nhưng vẫn khó nuốt. Khi đó có thể là dấu hiệu của ung thư đường tiêu hóa, hay gặp nhất là ung thư thực quản, vòm họng hoặc dạ dày.
Đi tiểu nhiều
Ở đàn ông có tuổi, tuyến tiền liệt sẽ bị phì đại, bị xơ hóa điều này có thể dẫn tới đi tiểu nhiều, nhất là vào ban đêm. Nhưng nếu bạn đi tiểu nhiều lần trong vài giờ, hoặc gặp khó khăn khi đi tiểu, có thể bạn đang mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Ợ nóng kéo dài liên tục
Nếu bạn ăn đồ ăn nhiều chất béo hoặc đồ cay mà bị đau hoặc khó chịu sau khi ăn là bình thường. Nhưng nếu những triệu chứng này kéo dài nhiều hơn 2-3 tuần và bạn phải dùng thuốc kháng axit thường xuyên, thì nó có thể là dấu hiệu của ung thư dạ dày hoặc ung thư thực quản, ung thư tuyến tụy...
Gầy sút nhanh, mệt mỏi vô cớ
Bạn thấy gầy sút nhanh, có thể giảm hơn 10% trọng lượng cơ thể của mình trong khoảng 3 tháng thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Dấu hiệu giảm cân xảy ra ở hầu hết các bệnh ung thư như ung thư tuyến tụy, dạ dày, thực quản, ung thư đại tràng hoặc ung thư phổi.
Bên cạnh đó, dấu hiệu mệt mỏi cũng là cảnh báo của bệnh ung thư mà chúng ta dễ bỏ qua. Sự mệt mỏi do ung thư rất vô cớ và thường khác với sự mệt mỏi do làm việc vất vả. Mệt mỏi do ung thư rất bải hoải và người bệnh không cảm thấy đỡ dù đã nghỉ ngơi. Dấu hiệu này thường thấy ở ung thư máu, ung thư ruột kết, ung thư dạ dày...
Đầy bụng
Chế độ ăn hoặc sự căng thẳng có thể gây nên đầy bụng. Nhưng nếu tình trạng kéo dài không được cải thiện, hoặc nếu đi kèm với tình trạng mệt mỏi, sụt cân, hoặc đau lưng, hãy đi khám ngay. Ở phụ nữ đây có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng.
Gặp vấn đề khi tiểu tiện
Khi tuổi tác tăng lên, ở nam giới cũng tăng số lần đi tiểu, tiểu yếu hay tiểu són, thường đó là những triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt, nhưng cũng không loại trừ ung thư tiền liệt tuyến.
Đại, tiểu tiện có máu
Nếu thấy máu xuất hiện khi đại hoặc tiểu tiện, nên đi khám càng sớm càng tốt. Bởi đó có thể là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng hay ung thư thận hoặc bàng quang.
Các vấn đề với miệng
Nếu xuất hiện những mảng đỏ trắng bất thường mà không lành sau vài tuần, đặc biệt là ở người hút thuốc lá, hãy đi khám ngay. Nó có thể là dấu hiệu của ung thư khoang miệng. Một vài biểu hiện khác cũng cần lưu ý là: xuất hiện khối bất thường ở má, khó cử động hàm, đau trong miệng,…
Nốt ruồi thay đổi hình dạng, kích thước, màu sắc hoặc chảy máu bất thường
Hầu hết các nốt ruồi là lành tính, tuy nhiên khi bạn có một nốt ruồi có những thay đổi bất thường như thay đổi hình dạng, kích thước, màu sắc hoặc có chảy máu…thì bạn nên đi khám ngay, vì đây có thể là một dấu hiệu sớm của ung thư da
Đau không rõ nguyên nhân
Khi gặp bất kỳ tình trạng đau nào ở bất cứ đâu trên cơ thể mà không rõ nguyên nhân hoặc xảy ra thường xuyên, bạn hãy đi kiểm tra vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư. Đau vùng chậu có thể là ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung; đau vùng bụng có thể là ung thư dạ dày,…
Đổ mồ hôi ban đêm
Nếu bạn bị đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm có thể là một dấu hiệu của bệnh ung thư tế bào lympho, một khối u đang phát triển trong tế bào bạch huyết. Những người mắc ung thư tế bào lympho có sự trao đổi chất trong cơ thể lớn do các tế bào lympho sử dụng rất nhiều năng lượng. Vì vậy, họ thường đổ rất nhiều mồ hôi vào ban đêm, kèm theo là một khối u có đường kính từ 2cm trở lên ở cổ, nách hoặc háng thì cần nghĩ đến ung thư.
Cách hiệu quả phòng chống ung thư
Nếu ung thư di truyền trong gia đình bạn hoặc bạn có thể trạng kém có thể mắc một căn bệnh ung thư nào đó, thì điều quan trọng là hãy chú ý đến các yếu tố nguy cơ. Chủ động và lựa chọn cuộc sống lành mạnh có thể giúp bạn giảm nguy cơ phát triển ung thư. Một số cách bạn có thể thực hiện bao gồm:
Tập thể dục thường xuyên: Tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên và vừa phải có thể làm giảm nguy cơ ung thư của bạn ít nhất 30%.
Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh: đó là một chế độ ăn ít chất xơ, ít hoặc không có thịt đỏ và nhiều trái cây, rau quả tươi. Bạn cũng có thể hấp thụ chất béo nhưng cần chắc chắn rằng đó là những loại chất béo lành mạnh.
Bỏ thuốc lá: Khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ ung thư của bạn thêm 30%.
Hạn chế sử dụng rượu: Mức uống vừa phải là có thể chấp nhận được. Một loại đồ uống mỗi ngày đã được tìm thấy nhằm giảm thiểu một số rủi ro về sức khỏe, bao gồm cả nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Không hút thuốc kết hợp với uống rượu: Hút thuốc kết hợp với rượu đã được chứng minh là làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư đối với ung thư miệng, ung thư thực quản và các bệnh ung thư khác.
Duy trì khám phụ khoa thường xuyên: Phụ nữ có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung bằng cách thường xuyên xét nghiệm và khám sức khỏe. Ung thư cổ tử cung là một trong những khối u ác tính gây chết người phổ biến nhất ở những người phụ nữ trẻ hiện nay.
Thực hiện khám vú hàng tháng: Nếu việc này được bắt đầu sớm thì có thể sẽ giảm được khả năng mắc bệnh ung thư ở giai đoạn sớm, ít nguy hiểm hơn. Chụp X quang tuyến vú thường nên bắt đầu từ 35 đến 40 tuổi.
Sử dụng kem chống nắng: Sử dụng các loại kem chống nắng có độ SPF 15 hoặc cao hơn trong bất kì trường hợp nào bạn phải ra ngoài trời. Hạn chế ở ngoài trời vào giữa ngày.