Những chính sách mới nhất có hiệu lực trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ tháng 1/2024, giảm thuế giá trị gia tăng 2%; khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa; xác nhận thông tin về cư trú có giá trị sử dụng 01 năm kể từ ngày cấp; quy định TPHCM thu phí sử dụng vỉa hè, tiêu chuẩn khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, đăng ký thường trú... là những chính sách mới có hiệu lực trong năm 2024.

3 luật có hiệu lực từ ngày 1/1

Từ ngày 1/1, ba luật sẽ có hiệu lực thi hành, gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Luật Đấu thầu 2023 và Luật Thi đua, khen thưởng 2022.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.

7 nhóm đối tượng được ưu tiên khám chữa bệnh theo luật mới gồm: Người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám chữa bệnh.

Luật Đấu thầu gồm 10 chương, 96 điều và dành một chương riêng để quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế.

Những chính sách mới nhất có hiệu lực trong năm 2024 ảnh 1

Luật mới cũng bổ sung một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; bổ sung quy định về hình thức chào hàng cạnh tranh, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu…

Trong khi đó, Luật Thi đua, khen thưởng có nhiều điểm mới tập trung vào phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc "thành tích đến đâu, khen đến đó" và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng, cũng như thành tích đạt được để khắc phục tình trạng "tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích" như trước đây.

Chính sách mới nhất về đăng ký thường trú, tạm trú

Thông tư 66/2023 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 1/1 sửa đổi hồ sơ phải nộp khi giải quyết các thủ tục về cư trú, trong đó có đăng ký thường trú.

Đối với trường hợp tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tiếp, người dân có thể nộp bản sao giấy tờ được chứng thực từ bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc hoặc bản chụp, bản quét kèm theo bản chính để đối chiếu.

Ngoài ra, người dân có thể khai báo thông tin theo biểu mẫu điện tử được cung cấp sẵn, đăng tải bản quét/bản chụp giấy tờ hợp lệ (không yêu cầu công chứng/chứng thực)/dẫn nguồn tài liệu từ kho quản lý dữ liệu điện tử) và nộp lệ phí.

Thông tư 66 yêu cầu cụ thể với giấy tờ đính kèm khi đăng ký cư trú online, đó là bản quét hoặc bản chụp giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng bằng điện thoại, máy ảnh phải rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung.

TPHCM thu phí sử dụng lòng đường, hè phố

Nghị quyết 15/2023 của HĐND TPHCM về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn có hiệu lực từ ngày 1/1, có mức phí 20.000-350.000 đồng/m2/tháng.

Cụ thể, mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe 50.000-350.000 đồng/m2/tháng và các hoạt động khác 20.000-100.000 đồng/m2/tháng tùy theo khu vực.

Mức phí được áp dụng theo giá đất bình quân tại 5 khu vực (mỗi khu vực sẽ có tuyến đường trung tâm và các tuyến còn lại).

Theo nghị quyết, đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường để tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường; bố trí điểm giữ xe máy, xe mô tô, xe đạp có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.

Toàn bộ tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.

Loạn thị, mù màu vẫn có thể tham gia nghĩa vụ quân sự

Thông tư số 105/2023 của Bộ trưởng Quốc phòng quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng có hiệu lực hôm nay 1/1.

Theo đó, tiêu chuẩn chung về sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự là đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3. Không gọi nhập ngũ đối với công dân nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy được quy định tại Nghị định 57/2022 quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Đáng chú ý, Thông tư 105 quy định tiêu chuẩn sức khỏe về mắt thì việc loạn thị, mù màu vẫn có thể tham gia nghĩa vụ quân sự (trước đó, tất cả các loại loạn thị, mù màu đều là tình trạng sức khỏe rất kém, không đủ điều kiện để đi nghĩa vụ quân sự).

Các loại bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự, không nhận vào quân thường trực gồm: Tâm thần, động kinh, bệnh Parkinson, mù một mắt, điếc, di chứng do lao xương khớp, di chứng do phong, các bệnh lý ác tính (u ác, bệnh máu ác tính), người nhiễm HIV, người khuyết tật mức độ nặng và đặc biệt nặng.

Chỉ tuyển lao động nước ngoài khi không tuyển được lao động Việt Nam

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được Chính phủ đưa ra tại Nghị định số 70/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2020 về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/1.

Những chính sách mới nhất có hiệu lực trong năm 2024 ảnh 2

Theo đó, sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị trí tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động chỉ tuyển người nước ngoài nếu không tuyển được người lao động Việt Nam.

Về thời hạn xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ LĐ-TB&XH hoặc Sở LĐ-TB&XH nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Những chính sách mới nhất có hiệu lực trong năm 2024 ảnh 3

Quy định mới về xét tặng Gia đình văn hóa

Nghị định 86/2023 của Chính phủ quy định khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa sẽ có hiệu lực từ 30/1.

Để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, theo quy định mới, gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau: Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự địa phương: gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng.

Quy định mới nêu rõ, không xét tặng danh hiệu này khi thành viên trong gia đình vi phạm một trong các trường hợp sau: Bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế; bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn; vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; có hành vi đánh bạc trái phép; vi phạm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phòng, chống bạo lực gia đình.

Từ 1/1/2024, giảm thuế giá trị gia tăng 2%

Chính phủ ban hành Nghị định 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.

Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Sửa quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí

Nghị định 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung tên Điều và các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 như sau:

Điều 3. Kê khai, thu, nộp phí, lệ phí và quyết toán phí

Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho tổ chức thu hoặc Kho bạc Nhà nước bằng các hình thức: Nộp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể hình thức nộp, kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp.

Từ ngày 15/1/2024, thực hiện quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ

Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.

Trong đó, Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 17 Phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ như sau:

Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ (đại lý phân phối) cho đối tượng mua.

Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận. Phương án phát hành riêng lẻ bao gồm các nội dung cơ bản sau: Đối tượng mua trái phiếu; Khối lượng dự kiến phát hành; Kỳ hạn trái phiếu; Lãi suất dự kiến; Thời gian dự kiến phát hành; Dự kiến hình thức phát hành riêng lẻ (Kho bạc Nhà nước phát hành trực tiếp hoặc lựa chọn đại lý phân phối).

Bộ Tài chính chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ theo các nội dung quy định trên.

Trên cơ sở phương án phát hành riêng lẻ được Bộ Tài chính chấp thuận, Kho bạc Nhà nước tổ chức thực hiện. Trường hợp lựa chọn đại lý phân phối, việc lựa chọn và ký hợp đồng với đại lý phân phối thực hiện theo quy định: Điều kiện làm đại lý phân phối và quy trình lựa chọn đại lý phân phối.

Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần người có uy tín

Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó Quyết định sửa đổi điểm a, b, c khoản 2 Điều 5 như sau:

Về hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết hoặc Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) do địa phương lựa chọn. Mức chi tối đa trị giá 500.000 đồng/người/lần và không quá 02 (hai) lần/năm;

Người có uy tín ốm đau đi điều trị bệnh, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được thăm hỏi, hỗ trợ không quá 01 lần/người/năm. Mức chi tối đa trị giá: 3.000.000 đồng/người/năm khi điều trị bệnh tại các cơ sở tuyến Trung ương và tương đương; 1.500.000 đồng/người/năm khi điều trị tại các cơ sở tuyến tỉnh và tương đương; 800.000 đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến huyện và tương đương; 500.000 đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến xã và tương đương;

Thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn đột xuất do sự cố, thiên tai, hỏa hoạn được chính quyền cấp xã nơi cư trú xác nhận. Mức chi tối đa trị giá 2.000.000 đồng/hộ gia đình/năm.

Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2024.

MỚI - NÓNG