Hôm đó, nhằm trưa ngày 4/7/2022, khi con tàu HQ - 571 chở Đoàn công tác số 10 của chúng tôi rời đảo Trường Sa Lớn, kết thúc hải trình 13 ngày thăm quần đảo, đơn vị Hải quân đóng trên đảo cùng đại diện một số gia đình ra xếp hàng trên bến để chào tạm biệt khách. Khi con tàu từ từ rời bến, những người trên đảo hát hành khúc hết bài này đến bài khác để tiễn người về. Cảnh chia tay rất xúc động, trên đảo, người đứng hát, còn trên tàu, rất nhiều người khóc.
Chiều tối hôm đó, ngồi với hai sĩ quan chính trị của Quân chủng Hải quân là đại tá Tuấn và đại tá Cảnh ở Câu lạc bộ Sĩ quan trên tàu, tôi thú thật với hai anh là tôi cũng khóc. Anh Cảnh nói: “Đó là trưa hôm nay nắng quá, không cho các cháu trên đảo ra tiễn chứ không thì anh còn khóc nữa. Khi mà người lớn thì ra về, trẻ con thì ở lại”.
Thật sự thì mỗi khi nhớ lại những cháu bé ở Trường Sa, tôi đều rưng rưng nhớ đến câu nói đó của anh Cảnh. Người lớn thì ra về, trẻ con thì ở lại.
Cùng hát với các cháu bé đảo Trường Sa Lớn. |
Trên một số đảo trong số 9 đảo nổi mà ta đang đứng chân ở Trường Sa, có một số gia đình người dân sống. Ở những nơi như thế đều có các em bé, từ còn phải bế ẵm cho đến tuổi trước trung học cơ sở. Những trẻ lớn hơn được đưa vào đất liền học vì trên các đảo chỉ có các lớp mẫu giáo và tiểu học.
Hát với các cháu đảo Sinh Tồn. |
Trong chuyến đi Trường Sa lần thứ nhất của mình hồi năm 2013, tôi đã gặp các cháu bé ở các đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây. Mười năm rồi tôi vẫn nhớ như in cảnh lúc rạng đông, chỉ hơn 5 giờ sáng một chút, trên dải đường bê tông lớn chính giữa Trường Sa Lớn, các sĩ quan, chiến sĩ Hải quân tập thể dục buổi sáng rồi luyện một số thế võ. Có 3 - 4 cậu bé con cũng đứng ở rìa đội hình đó và cũng vung tay chân đánh võ như các chú các bác. Một trong những cậu bé đó chiều hôm trước khi tôi đưa gói kẹo đã nói “cháu ngán bánh kẹo lắm rồi, chú có kiếm cho cháu được cái xe đạp địa hình không?”. Cậu bé nói như thế là do ở những tháng trời trong, biển lặng, có nhiều đoàn đại biểu từ đất liền ra thăm Trường Sa mang theo nhiều quà, trong đó có nhiều bánh kẹo. Bánh kẹo thì nhiều mà trẻ con thì ít.
Hôm đó ở Trường Sa Lớn, tôi vào hai trong số mấy gia đình sống trên đảo. Họ ở trong các căn nhà xây chung tường thành một dãy có đánh số. Anh Nguyễn Ngọc Trường Xuân có hai con là Nguyễn Anh Đức, 11 tuổi, học lớp 4 và Nguyễn Chinh Si, 9 tuổi, học lớp 2. Cháu Anh Đức kể rằng trên đảo có 7 bạn đi học từ mẫu giáo cho đến lớp 4. Tất cả học chung một phòng, thầy cô dạy cho trò lớp 1 xong thì quay sang trò lớp 2,… cứ như thế mà xoay vòng. Lớp 4 của Anh Đức chỉ có 2 học sinh. Hỏi các thầy cô giáo thì không được gặp vì cô Bùi Thị Nhung, thầy Lê Minh Cảnh và thầy Gia Huy đang được nghỉ hè vào đất liền.
Hai anh em ruột chơi ở cạnh trường học trên đảo Sinh Tồn. |
Tại nhà của vợ chồng anh Nguyễn Xuân Yên, chị Trần Thị Hoa, tôi gặp cháu Nguyễn Thị My Sen, 10 tuổi, đang học lớp 4. Một cô bé ngoan ngoãn, dễ thương, học hành cố gắng. Trên tường có tấm ảnh My Sen và một số bé chụp ảnh chung với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. My Sen từng vinh dự được ra Hà Nội và gặp Chủ tịch nước.
Sang đảo Song Tử Tây, tôi vào nhà chị Nguyễn Thị Thuý Vân, được biết chị có cháu bé mới được 1 tuổi. Hồi sinh cháu, lãnh đạo đảo tạo điều kiện cho chị vào bờ sinh cho an toàn. Thời điểm đó đảo có 8 cháu, các cháu lớn đều được đi học, nhưng đảo cũng chỉ có thầy dạy cho đến hết cấp 1. Các cháu các lớp khác nhau cũng ngồi học chung trong một phòng học như bên Trường Sa Lớn
Trong lần ra Trường Sa năm 2022, trong số các đảo có dân, tôi chỉ vào thăm nhà của họ ở hai đảo Trường Sa Lớn và Sinh Tồn, ở những đảo khác thì dành thời gian giao lưu với các đối tượng khác. My Sen, Anh Đức… không còn ở Trường Sa, giờ các cháu đã 20 - 21 tuổi, vào bờ đi học tiếp lên từ lâu và có thể giờ đang học đại học hoặc đã đi làm. Thay vào đó là một thế hệ trẻ con Trường Sa mới.
Các cháu bé ở Trường Sa lớn chơi thả thuyền lá trong bể non bộ. |
Đảo giờ có 8 cháu ở tuổi đi học, cũng vẫn từ mẫu giáo đến hết lớp 5, cũng vẫn tất cả ngồi chung một phòng. Chỉ có một thầy cùng lúc dạy cho trò tất cả các lớp. Lại cũng không gặp được thầy, vì đầu tháng 7 đang nghỉ hè, thầy về phép.
Khi tôi hỏi về những khó khăn của các cháu, họ đều nói đảo diện tích hẹp, các cháu không có không gian lớn để vui chơi; học hành thì học sinh quá ít, các lứa tuổi khác nhau đều phải chung một thầy. Điều thiệt thòi nhất là các cháu ít tiếp xúc với môi trường xã hội rộng rãi để phát triển như những trẻ em khác. May là khi lên cấp trung học, các cháu sẽ được đưa về đất liền học, hi vọng lúc đó sẽ bù đắp được những khuyết thiếu.
Hôm đón đoàn đến thăm đảo, các cháu bé Trường Sa Lớn ăn mặc rất đẹp. Hầu hết mặc áo phông cờ đỏ sao vàng hoặc áo hải quân. Các cháu đều nhanh nhẹn, linh hoạt, giao tiếp vui chơi rất hồn nhiên với các bác, các chú, các cô đến thăm đảo. Có một cảnh rất đơn giản nhưng khiến tôi nhìn khá lâu, chụp ảnh khá nhiều. Đó là mấy cháu bé say sưa chơi trò thả lá làm thuyền trong một chút nước trong bể hòn non bộ trước một toà nhà trên đảo. Trừ vài thứ trò chơi phi ngựa, nhún nhảy bập bênh… chỗ lớp học, trên đảo không còn chỗ nào bố trí không gian cho các các vui chơi. Giờ đây, các cháu và bố mẹ cũng không thể ra lội xuống biển vì yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trên đảo.
Trên đảo Sinh Tồn, khi thấy một người mẹ trẻ ẵm một bé gái chừng 3 tuổi, tôi đưa hai tay ra bế thì bất ngờ là cháu theo liền. Mẹ cháu bé than phiền là cháu đêm hay giật mình, ngủ không say giấc, quấy khóc. Chị nghĩ là về tâm linh phải làm cái gì đó. Nhìn thấy thượng toạ Thích Minh Quang - phó trụ trì các chùa Bái Đính, Tam Chúc, Phó Chánh Văn phòng 1 Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong đoàn 39 nhà sư cùng đến thăm đảo lần này đang đứng gần đó, tôi vội dắt hai mẹ con đến và trình bày vắn tắt vấn đề của cháu bé với thượng tọa. Thầy Thích Minh Quang ân cần hỏi han triệu chứng của cháu rồi tháo sợi dây đeo ở cổ tay buộc vào cổ tay cho cháu, nói hi vọng cháu sẽ an yên hơn mỗi đêm.
Trên cả hai đảo, tôi đều tập hợp các cháu lại rủ ra cột mốc chủ quyền và bắt nhịp để cùng hát hàng chục bài hát từ “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Em là mầm non của Đảng”… cho đến “Đi học”, “Cháu yêu bà”, “Con cò be bé”, “Một con vịt”… Những màn vui nhộn, sôi động, được các cháu hưởng ứng nhiệt tình và được sự tham gia thêm của nhiều người lớn.
Tôi vào nhà của hai cặp vợ chồng Nguyễn Thị Duyên (1983) - Võ Văn Trung (1977) và Nguyễn Thị Thu Thủy (1992) - Trương Đức Lành (1985). Cặp Duyên - Trung con đã khá lớn, một cháu học lớp 5, một cháu lớp 2. Còn cặp Lành - Thủy thì con đầu chuẩn bị vào lớp 1, cháu sau mới 3 tuổi. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy chính là sản phụ được biết đến rộng rãi trong lần được trực thăng của Binh đoàn 18 đưa khẩn cấp từ đảo Sinh Tồn về Khánh Hoà cấp cứu để bảo đảm mẹ tròn con vuông hồi năm 2019.
Thượng toạ Thích Minh Quang tháo vòng chỉ cổ tay buộc cho cháu bé ở đảo Sinh Tồn mong cho cháu được an yên. |
Giờ đây, thỉnh thoảng nhớ đến Trường Sa, tôi vẫn nhớ đến các cháu bé. Thấy thương vô cùng. Các cháu đang chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện học tập, nhất là điều kiện vui chơi, giao tiếp trên các đảo chật hẹp ngoài biển lớn. Cho dù thỉnh thoảng gia đình các cháu được tổ chức về nghỉ hè một đôi tháng trong đất liền nhưng tất cả chẳng thể nào thay thế được những điều mà tuyệt đại đa số trẻ con trong tuổi các cháu được hưởng hằng ngày. Nhưng các cháu, bố mẹ các cháu đang chấp nhận những thiệt thòi đó vì một điều cao cả, thiêng liêng: Có mặt ở Trường Sa để góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.