Cụm công trình chùa Song Tử Tây. Ảnh: Lê Xuân Sơn |
Sau 9 năm tôi mới trở lại Song Tử Tây trong chuyến đi cuối tháng 6 đầu tháng bảy năm 2022 này. Cảm giác như gặp người quen cũ dẫu chuyến ghé hòn đảo này mùa hè năm ấy 2013 rất ngắn ngủi. Hồi đó, đoàn hai chiếc trực thăng mà tôi được đi theo đáp xuống đảo chỉ đôi ba tiếng đồng hồ. Vị bộ trưởng dẫn đầu đoàn gặp mặt cán bộ chiến sĩ và các hộ dân trên đảo tại hội trường, ghé thăm các công trình, thăm xem nơi ăn ở của người dân, vào thắp hương trong chùa Song Tử Tây mà khi ấy chúng tôi đều kinh ngạc trước quy mô to lớn và độ khang trang của nó nơi đảo xa. Tại chùa tôi đã gặp và phỏng vấn nhà sư trẻ tuổi xung phong ra trụ trì ngôi chùa vừa tôn tạo nơi đảo tiền tiêu. Ít lâu sau, tôi đọc báo thấy nói quân đội đã điều trực thăng ra chở ông về đất liền cấp cứu vì ông mắc phải một cơn bạo bệnh.
Sau chuyến đi đó, tôi đã viết một bút ký đăng trên báo Tiền Phong đặt tên “Một Trường Sa tâm linh”. Nó nói về những điều đặc biệt tôi thấy và trải nghiệm trên hai hòn đảo Song Tử Tây và Trường Sa Lớn. Đó là các ngôi chùa được tôn tạo về nguyên dáng những ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc bộ trên hai đảo, là Đền thờ Bác Hồ rất uy nghi, Tượng Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn dựng đúng theo mẫu bức tượng rất đẹp đặt ở thành phố Nam Định, là Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh và những người dân vong thân trên biển vì chủ quyền của Tổ quốc đối với vùng biển đảo. Trong bút ký, tôi nhấn mạnh ý những ngôi chùa, ngôi đền, đài tưởng niệm và tượng đài giống như những cột mốc tâm linh có sức mạnh vô hình, vô biên đánh dấu và góp phần củng cố rất vững chắc chủ quyền của chúng ta đối với quần đảo Trường Sa.
Cuối năm đó, gần Tết, anh Nguyễn Văn Trường - người đóng vai trò vô cùng đặc biệt trong việc tôn tạo các ngôi chùa ở Trường Sa (Doanh nghiệp Xuân Trường do anh làm giám đốc là đơn vị được cấp phép và phát tâm khôi phục, tôn tạo các ngôi chùa ở Trường Sa) ghé qua cơ quan tôi. Tôi đưa anh đọc bút ký ấy. Anh Trường đã cảm ơn tôi vì tôi hiểu rất đúng mục đích của việc tôn tạo các ngôi chùa Trường Sa trong khi dư luận hồi đó vẫn có có luồng ý kiến này nọ. Anh cũng mở Ipad cho tôi xem pho tượng Phật bằng ngọc rất quý mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Myanmar tặng và ông tặng lại để đặt ở chùa Song Tử Tây. Đó là điều tôi không biết khi vào thắp hương ở chùa trong chuyến đi. Chính bởi lý do đó mà lần trở lại này, tôi đã ngắm rất kỹ pho tượng có lịch sử đặc biệt đó. Và thật may mắn là tại chùa Song Tử Tây lần này, tôi được dự lễ Tam Bảo của đoàn các nhà sư do đích thân Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam dẫn đầu.
Lễ Tam Bảo trong chùa Song Tử Tây ngày 25/6/2022 |
Lễ Tam Bảo là một lễ quan trọng của tín đồ đạo Phật. Tam Bảo tức là “Ba ngôi báu”, là Phật (đấng giác ngộ đầu tiên, người tìm ra chân lý và phương pháp tu tập để hướng đến sự giải thoát khỏi mê muội và khổ đau), Pháp (là phương pháp tu tập do Phật truyền dạy) và Tăng (là những người dành trọn đời thực hành theo giáo pháp của Đức Phật, hướng đến sự giải thoát, giác ngộ). Lễ Tam Bảo tại chùa Song Tử Tây vô cùng trọng thể, rực áo vàng nghệ của 40 nhà sư trong đó có nhiều người giữ những vị trí trọng yếu của Giáo hội và ban trị sự Phật giáo của nhiều tỉnh thành. Lễ cầu cả quốc thái dân an, biển khơi yên bình, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ của đất nước, những chiến sĩ đã hi sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và những con dân đất Việt đã vong thân khi mưu sinh trên biển đồng thời cũng là thực thi và khẳng định chủ quyền của đất nước đối với biển đảo quê hương.
Để đoàn đông hàng trăm người dự hành lễ có thể cùng hoà giọng tụng bài kinh khấn, các thầy trong Giáo hội đã chu đáo cho in bài thành tờ gấp giấy cứng thiết kế rất đẹp. Giọng tụng chính là của Thượng tọa Thích Minh Quang, người được nhiều người coi là giọng tụng hay nhất Việt Nam.
Tôi nhìn Trịnh Trọng Thủy, nghĩ về việc sau hơn 30 năm, anh lại nhận cây gậy tiếp sức mà người cha mình đã từng cầm để tiếp tục sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên chính hòn đảo nhỏ bé nằm rất xa đất mẹ này. Tự nhiên tôi thấy xúc động bởi ý nghĩ về cái mạch nguồn vĩnh cửu, lớp cha trước, lớp con sau, chung một sắc áo, chung khúc quân hành đứng ra ghé vai gánh vác trọng trách bảo vệ sơn hà.
Trở lại Song Tử Tây, tôi vui mừng thấy các công trình trên đảo được tu sửa, tôn tạo khang trang lên nhiều. Có nghĩa là về mọi mặt đảo đã vững chắc hơn và về điều kiện ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo thì cũng tốt hơn lên. Năng lực chiến đấu và hậu cần của Hải quân ta ngày càng được nâng cao, đảo được cung cấp hậu cần và tiếp tế rất tốt. Một trong những minh chứng cho việc đó là chuyện mà thiếu tá chuyên nghiệp Trịnh Trọng Thủy thuộc đơn vị đang đóng ở Song Tử Tây cho tôi biết là trên đảo chỉ trồng rau mà không chăn nuôi nữa. Quả thật là lần đến năm 2013 đó, tôi thấy trên đảo nuôi cả bò và gà lợn nhưng lần này thì không. Thì ra, hồi đó việc cung cấp thực phẩm cho đảo cũng đã tương đối ổn nhưng chưa phải dồi dào nên quân dân trên đảo chăn nuôi thêm, bất chấp việc diện tích đảo hạn chế và thiếu nước khiến việc chăn nuôi có nguy cơ gây các vấn đề vệ sinh môi trường. Nhưng giờ thì đảo không cần đẩy mạnh chăn nuôi nữa vì hậu cần đảm bảo cung cấp đầy đủ thực phẩm cho quân dân trên đảo.
Cựu chiến binh Phạm Nhất Thành và Thiếu tá Trịnh Trọng Thủy trên đảo Song Tử Tây |
Thiếu tá Trịnh Trọng Thủy mà tôi vừa nhắc ở trên tôi gặp khi anh đang ngồi chuyện trò với cựu chiến binh Phạm Nhất Thành - thành viên Đoàn công tác của chúng tôi. Hai người ngồi sát nhau, có vẻ xúc động. Thì ra, hơn 35 năm trước, từ năm 1985 đến 1988, chiến sĩ hải quân Phạm Nhất Thành đã đóng quân trên chính đảo Song Tử Tây này và chỉ huy của anh là Trịnh Trọng Thập, chính là bố của Trịnh Trọng Thủy. Cựu chiến binh Thành và thiếu tá Thủy tình cờ nói chuyện với nhau và phát hiện ra mối liên hệ vô cùng đặc biệt trên.
Cũng giống như trong chuyến công tác đặc biệt này, có người chỉ cho tôi một người trẻ tuổi nói đó là Nguyễn Xuân Trung - con trai của anh Nguyễn Văn Trường lần này đi tháp tùng bố trong chuyến công tác đặc biệt thăm lại, khảo sát để tu sửa củng cố 6 chùa đã khôi phục trước đây và khánh thành 3 chùa mới tôn tạo xong. Anh Trường sẽ còn đủ sức tham gia tôn tạo Trường Sa nhiều năm nữa, nhưng đã xuất hiện người tiếp bước. Vậy nên, Trường Sa luôn có người chăm lo, tôn tạo, duy trì, bảo vệ, gìn giữ. Vì lẽ đó, Trường Sa đã, đang và sẽ mãi mãi là của Tổ quốc Việt Nam ta.
Đêm 25/6/2022
Trên tàu HQ 571