Tôi ấn tượng về cờ ở Trường Sa từ năm 2012. Năm đó, một lá cờ đỏ sao vàng diện tích tới 310 mét vuông bằng gốm đã được hoàn thành trên sân thượng toà nhà lớn nhất đảo Trường Sa lớn. Người phụ trách truyền thông của VP Bank, đơn vị tài trợ công trình đã viết một bút ký xúc động về chuyện làm cờ và tôi đã trực tiếp biên tập để đăng lên Tiền Phong bài đó. Một năm sau, năm 2013, ra Trường Sa bằng trực thăng do bám càng đoàn của một nhà lãnh đạo, khi kíp lái thông báo “đảo Trường Sa lớn”, tôi nhao ra cửa sổ và kịp nhìn thấy thoáng qua lá cờ kỷ lục đó, nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Cờ trên đỉnh tháp một tàu hải quân. Ảnh: Nguyễn Đức Nguyên |
Rồi giữa năm 2022, tôi có dịp ra Trường Sa bằng tàu. Một trong những cảnh tôi thích ngắm trong hải trình ngót nửa tháng đó là những lá cờ của Tổ quốc. Trên cột cờ những con tàu đánh cá và tàu vận tải. Trên đỉnh tháp của tàu hải quân, tàu kiểm ngư và tàu cảnh sát biển. Trên mũi những chiếc xuồng đi lại giữa tàu và đảo. Trên cột cờ của các đảo. Trên những cột mốc chủ quyền và các ngọn hải đăng nơi đầu sóng. Và trên ngực áo của những người ở biển cũng như những người ra biển.
Tác giả và cờ trên biển Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Đức Nguyên |
Đó là những lá cờ hồng rực lên trong nắng mai. Đỏ thắm lạ kỳ giữa cao xanh ban trưa. Thẫm lại khi hoàng hôn buông xuống. Những lá cờ reo vui khi thời tiết đẹp. Và phần phật dữ dội trong gió lớn.
Cờ Phật ở Trường Sa. Ảnh: Lê Xuân Sơn |
Một đêm khuya trên con tàu hải quân HQ571, hầu hết mọi người đã ngủ, tôi đứng nép ở một góc khuất gió hành lang boong tàu ngắm lá cờ cắm ở phần đuôi con tàu bay phần phật trong gió cấp 8 ảnh hưởng của cơn bão số 1. Gió mạnh cộng thêm vận tốc con tàu, lá cờ bị giằng giật dữ dội. Tôi thấy ngay trước mắt mình lá cờ còn mới đó dần nứt rách ra một đường sát chỗ luồn cán. Sáng hôm sau, lên boong, tôi thấy một lá cờ mới đã được thay và lá cờ tối qua được cột vào lan can. Tôi gỡ lá cờ đó đem về phòng mình.
Ngày cuối của chuyến đi, tôi nói với chính trị viên con tàu: “Chú xin được một lá cờ bị rách của tàu. Chú mang tới nhờ cháu thay mặt đơn vị ký tặng vào đó cho chú nhé”. Chàng sĩ quan trẻ ấy nói: “Ấy không, cháu phải đến phòng chú viết chứ”. Trên cái bàn chòng chành trong một ngày biển động, dòng chữ sau đây được viết lên ngôi sao của lá cờ: “Trường Sa, ngày 05/7/2022. Tàu 571 kính tặng. Chính trị viên Đại uý Nguyễn Đăng Tuấn”.
Một lá cờ ở Trường Sa. Ảnh: Lê Xuân Sơn |
Cũng vào cái ngày cuối cùng của hải trình Trường Sa đó, cũng trên cái bàn đó, ba bài thơ đã được chép lên hai lá cờ, cờ Tổ quốc và cờ Phật. Người chép là tôi.
Cùng thầy Thanh Minh và lá cờ có chép bài thơ “Biển quê hương”. Ảnh: M.D |
Trong chuyến đi, với những cảm xúc mạnh, trong 13 ngày, tôi làm được 7 bài thơ. Trong những đêm văn nghệ trên tàu, tôi đọc cho mọi người nghe. Tàu chở tới hơn 200 người trong đó có 39 nhà sư và nhiều cư sĩ do đây là chuyến công tác do Quân chủng Hải quân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Doanh nghiệp Xuân Trường – đơn vị phát tâm tu tạo lại 9 ngôi chùa trên 9 đảo nổi ở Trường Sa tổ chức. Tôi đã phải chép đến mỏi tay hai bài thơ “Chùa ở Trường Sa” và “Áo nâu ra đảo” vào sổ tay của các nhà sư. Tôi vẫn nhớ một chiều, trong một phòng ở trên tàu, tôi ngồi ở cái bàn duy nhất, giữa khoảng một chục ni sư, vài người còn ngồi được nhưng hầu hết nằm lử lả vì say sóng, chép đủ hai bài thơ vào sổ của từng người.
Trao lá cờ của Đồn Biên phòng Lũng Cú cho Chỉ huy trưởng và Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: Lê Xuân Sơn |
Ngày cuối cùng đó, một nhà sư trẻ tuổi, thầy Thanh Minh mang lên phòng tôi hai lá cờ, một cờ Tổ quốc và một cờ Phật 6 dải màu (lam, vàng, đỏ, trắng, cam và một dải tổng hợp 5 màu kia gọi là Prabashvara). Cả hai lá cờ đều bạc phếch và te tua rách phần đuôi. Phải nói thêm là ở Trường Sa, ngoài cờ Tổ quốc thì cũng thấy nhiều cờ Phật giáo cắm trên 9 ngôi chùa đã được tôn tạo. Cả hai lá cờ cũ rách đó thầy Thanh Minh xin được ở đảo Sinh Tồn Đông. Thầy Thanh Minh đề nghị tôi chép bài thơ “Biển quê hương” lên lá cờ đỏ sao vàng và hai bài “Chùa ở Trường Sa”, “Áo nâu ra đảo” lên cờ Phật để mang về lưu niệm.
Lời đề tặng trên cờ 54 m2 của Đồn biên phòng Lũng Cú gửi đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: Lê Xuân Sơn |
Đó là lần viết nắn nót nhất trong đời tôi. Tàu lắc, viết bút mực kim trên vải cờ bằng lụa, không dễ chút nào. Mà còn phải đẹp. Rồi điều thiêng liêng đó cũng thực hiện xong, thầy Thanh Minh và tôi lần lượt cầm lên, trước là cờ Tổ quốc, sau là cờ Phật chụp ảnh lưu niệm trong căn phòng chật hẹp.
Bài thơ “Biển quê hương” có đăng trong báo Tiền Phong số Tết Quý Mão này. Còn hai bài thơ đề tài Phật giáo với Trường Sa như sau:
CHÙA Ở TRƯỜNG SA
Ngước trông tưởng ở
làng mình
Mái chùa như thể mái đình vút cong
An nhiên trên biển
mênh mông
Nếp chùa thương mến giữa lòng Trường Sa
Nối nguồn mạch cũ ông bà
Tiếp lòng nhân tự mẹ - cha tháng ngày
Thinh không vẳng tiếng chuông bay
Lặng nghe giữa sóng tiếng thầy tụng kinh
Như là cột mốc tâm linh
Chủ quyền quyết giữ nước mình bền lâu
Xin chào người lính áo nâu
Sát vai đứng trụ địa đầu đảo xa
*
Trường Sa mà ngỡ như là
Về chùa ở dưới gốc đa
làng mình.
ÁO NÂU RA ĐẢO
Vào chùa mà chẳng
lánh đời
Các thầy đau đáu biển khơi nước mình
Trong từng tiếng mõ,
câu kinh
Bỗng nghe da diết bao tình Trường Sa
Từ nay nhận đảo là nhà
Bồ đề vắng, lấy phong ba mát chùa
Từ nay giữa biển nắng mưa
Dầu đèn, kinh kệ sớm khuya chuyên cần
Hoằng dương Phật pháp
tự tâm
Lại thêm việc nước lặng thầm chăm lo
Dù cho sóng cả, gió to
Dù cho đất mẹ khuất nhoà mây xa
Áo nâu ra biển bao la
Chung tay quyết giữ sơn hà vẹn nguyên.
Ở Trường Sa, tôi còn được chứng kiến một lễ trao cờ đặc biệt.
Hôm đó, ở đảo Sinh Tồn Đông, Đại tá Hồ Thanh Hoàn – Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, chỉ huy chuyến đi cùng một số người và tôi đang ngồi ở cái bàn kê dưới tán một cây bàng quả vuông thì cư sĩ Vũ Đình Lâm (Ban Văn hoá Giáo hội Phật giáo Việt Nam) lễ mễ bê đến một bọc vải đỏ khá nặng xếp gọn và chặt. “Đây là lá cờ 54 mét vuông đã treo ở cột cờ Lũng Cú, Đồn biên phòng Lũng Cú gửi tặng chính đảo Sinh Tồn Đông này. Đề nghị thủ trưởng thay mặt đoàn tặng cờ cho đảo”. – Cư sĩ Lâm nói với Đại tá Hoàn.
Lá cờ Phật có chép 2 bài thơ “Chùa ở Trường Sa” và “Áo nâu ra đảo”. Ảnh: Lê Xuân Sơn |
Tôi nhìn xấp vải gấp rất nắn nót. Thấy người gấp cờ khéo léo làm thế nào đó mà phần ghi tặng trên lá cờ rất lớn đó nằm ngay ở mặt trên của xấp vải cờ: “Bộ Chỉ huy Biên Phòng tỉnh Hà Giang. Đồn Biên phòng Lũng Cú kính tặng Đảo Sinh Tồn Đông – Trường Sa. Lá cờ số 787 treo tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú. Lễ thượng cờ ngày 10.7.2021. Lễ hạ cờ ngày 15.7.2021. Đồn trưởng Trung tá Đỗ Đăng Nhiệm”.
Sau này về đất liền, tôi mời Vũ Đình Lâm đến báo chơi, nghe anh kể về lai lịch lá cờ rất kỳ ngộ.
Lần đó, anh cùng 8 đạo hữu lên Cột cờ Lũng Cú ngồi tụng kinh cầu an cho chiến sĩ, đồng bào, cho chúng sinh, đồng loại. Đó là một ngày tháng 7 năm 2021, trời có mưa và gió khá mạnh, lá cờ bay phần phật. Một người trong đoàn nói: Ước gì lá cờ hạ xuống cho mình nắm chút nhỉ. Cư sĩ Lâm bảo mình sẽ trì chú xin Trời Phật được nắm lá cờ. Vậy mà một lúc sau gió lặng, lá cờ rũ xuống, mọi người trong đoàn đều được nắm đuôi cờ thật. Một lúc sau lại có gió, lá cờ lại bay lên. Trong đầu cư sĩ Lâm bỗng nảy ra ý nghĩ: Ước gì xin được lá cờ này mang tặng cho Trường Sa. Tối hôm đó, một người bạn ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ở địa phương điện lên Đồn Biên phòng Lũng Cú trao đổi về ý nguyện của cư sĩ Lâm. Đồn đồng ý và đảo mà đồn tự lựa chọn để đề tặng là đảo Sinh Tồn Đông.
Cư sĩ Lâm rước lá cờ đại đó về, để lên bàn thờ, chưa biết làm cách nào gửi đi Trường Sa. Trước đây đã có lần anh xin đi Trường Sa nhưng bị từ chối vì không đúng đối tượng. Một hôm, anh hé lộ ao ước được đi Trường Sa để tặng lá cờ với thượng toạ Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hoá Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến tháng 4 năm 2022 thì thầy Thích Thọ Lạc thông báo anh có thể đi Trường Sa cùng đoàn của Giáo hội vào cuối tháng 6 đầu tháng 7.
Hôm đó ở đảo Sinh Tồn Đông, cư sĩ Lâm đề nghị Đại tá Hồ Thanh Hoàn trao cờ cho đảo. Đại tá Hoàn lại kính nhường nhà sử học Dương Trung Quốc, người cùng đi trong đoàn. Ông Quốc đã trân trọng trao lá cờ biểu tượng 54 dân tộc anh em có lời đề tặng đầy thương mến của những người lính ở biên cương địa đầu phía Bắc của Tổ quốc cho những người lính đảo tiền tiêu trên biển Đông. Phát biểu trước cán bộ, chiến sĩ trên đảo và đoàn công tác, vị cựu đại biểu Quốc hội nổi tiếng nói về trọng trách giữ gìn biển đảo, điều có tầm quan trọng chiến lược sống còn mà 500 năm trước, bậc thức giả của dân tộc là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhìn thấu trong bài thơ chữ Hán “Cự ngao đới sơn”, trong đó có hai câu được dịch ra là:
Biển Đông vạn dặm dang tay giữ
Đất Việt muôn năm vững
trị bình
Cờ đỏ sao vàng đang tung bay ở Trường Sa. Xin chung sức để muôn năm nữa, cờ Tổ quốc Việt Nam vẫn tung bay ở đó.