Doanh nhân Việt với Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không chỉ các chức sắc Phật giáo, mà có lẽ hiếm hoi những đoàn ra Trường Sa như lần này lại có các doanh nhân, doanh nghiệp đông đảo đến thế. Số lượng lãnh đạo, quản lý, nhân viên các doanh nghiệp chiếm đến phần nửa trong số hơn 226 thành viên trong đoàn.

Phấp phới bóng cà sa vàng rợp boong tàu Trường Sa 571 suốt hành trình ra Trường Sa thượng tuần tháng 6 mới đây. Gần 40 vị cao tăng ra quần đảo bão tố để tổ chức lễ khánh thành 3 ngôi chùa mới tôn tạo phục dựng, trong tổng thể 9 ngôi chùa Việt sừng sững giữa biển khơi Tổ quốc.

Suốt nửa tháng đi giữa huy hoàng mây trời biển cả, sóng gió dông tố, giữa những hồi đại hồng chung cùng kinh kệ ngân nga, tôi thường dõi mắt về những người “lặng lẽ” trong mỗi sự kiện.

Doanh nhân Việt với Trường Sa ảnh 1

Sư thầy cùng các doanh nhân chuẩn bị khánh thành chùa Sinh Tồn Đông. Ảnh: Trần Tuấn

Là những chàng trai cô gái của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Doanh nghiệp xây dựng Ninh Bình,... những người “thức khuya dậy sớm” nhất trên tàu. Mỗi lần chuẩn bị cập một đảo, họ dậy từ sớm trước cả tiếng chuông báo thức, để ra soạn sửa, sắp xếp chuông, trống, võng lõng, hương đèn cho cuộc lễ, cùng những thùng quà mà các doanh nghiệp sẽ dành tặng cho đảo. Họ theo những chuyến ca nô tiền trạm đầu tiên rẽ sóng vào đảo. Và cũng là những người sau cùng rời đảo, trên chiếc ca nô lắm khi chấp chới sóng dữ, giữa bóng tối, gió mưa ràn rạt...

Tại mỗi chùa trên quần đảo Trường Sa, đều thấy ông Nguyễn Văn Trường, chủ Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường tay cầm thước dây lúi húi đo đạc tính toán nơi điện Tam bảo, quan sát kỹ các kết cấu gỗ, gạch ngói từ trong ra ngoài, rồi lắng nghe tư vấn của các kiến trúc sư của mình đi cùng, về những hạng mục cần tu sửa trong những chuyến ra đảo lần sau.

Doanh nhân Việt với Trường Sa ảnh 2

Hình ảnh quen thuộc của doanh nhân Nguyễn Văn Trường tại các ngôi chùa ở Trường Sa. Ảnh: Đỗ Thành Luân

Doanh nhân Việt với Trường Sa ảnh 3

Nữ nhân viên Doanh nghiệp Xuân Trường với lính trẻ đảo Sinh Tồn. Ảnh: Đỗ Thành Luân

Không nhớ rõ đây là lần thứ mấy ra Trường Sa của doanh nhân mà cuộc đời đã gắn liền với những quần thể Danh thắng Tràng An – Bái Đính, Tam Chúc, Ba Sao,... Gần 20 năm nay, quần thể 9 ngôi chùa sững sững lần lượt được trùng tu phục dựng giữa các đảo nhỏ Trường Sa đều không chỉ là tiền bạc, mà còn rất nhiều nhiệt huyết, mồ hôi, công sức của vợ chồng ông.

Một buổi tối dùng cơm chay trên tàu, tôi được nghe ông kể về những chuyến tàu hàng đầu tiên ông đưa thợ thuyền, vật tư thiết bị vượt sóng gió ra đảo để bắt tay phục dựng các chùa, ăn uống chủ yếu là đồ khô. Than bụi, mồ hôi bám đầy người, ngày thay mấy bộ quần áo. Ông kể về những người thợ của mình gặp tai nạn, thậm chí có người hy sinh tính mạng trong những chuyến hải trình cam go ấy…

Tôi nhớ buổi tối ấy ở giường bên cạnh, ông Vũ Duy Thuấn chủ Công ty TNHH Đức đồng Thuấn Dung bồn chồn đứng ngồi chờ cậu con trai Vũ Mạnh Thường vào đảo Đá Tây A từ sớm mà vẫn chưa thấy trở lại tàu. Trong khi các chuyến ca nô đã rời đảo về tàu hết rồi. Khi ấy biển đang động mạnh do ảnh hưởng bão số 1, trời tối mò, mưa quất ràn rạt...

Tôi tìm cách nói để ông yên tâm, rằng vừa thấy Thường cùng mấy anh em của Xuân Trường trên đảo, chắc là chuyến cuối, mưa gió sóng lớn không an toàn thế này nên phải ở lại đảo rồi! Quả nhiên là vậy, hồi lâu sau Thường từ đảo điện về cho bố, nói đang cùng chục anh em ở lại đảo, sáng mai ngớt mưa gió sẽ về tàu.

Doanh nhân Việt với Trường Sa ảnh 4

Cha con doanh nhân, nghệ nhân ông Vũ Duy Thuấn bên chuông chùa Trường Sa Đông vừa được an vị

Suốt hành trình rong ruổi Trường Sa ở chung phòng với cha con Nghệ nhân ưu tú, cựu chiến binh đến từ thị trấn Lâm (Ý Yên, Nam Định) này, đều thấy cứ mỗi lần tàu vào gần đảo, nối được sóng điện thoại cha con ông lại hối hả gọi điện điều hành công việc, công trình đang còn ngổn ngang ở đất liền.

“Bàn tay vàng” Vũ Duy Thuấn cùng các cộng sự là tác giả của tượng Thánh Gióng nặng 95 tấn, cao 12m vươn ra 16m ở thế bay với góc nghiêng 35 độ đặt trên đỉnh núi Đá Chồng (Sóc Sơn, Hà Nội) cao 3.600m so với mặt nước biển, tượng đồng liền khối Phật tổ Như Lai lớn nhất Việt Nam cao 6,5 mét nặng 30 tấn, đặt tại chùa Non Nước trên đỉnh núi Sóc (Hà Nội), ba pho tượng Phật Tam Thế bằng đồng kỷ lục mỗi pho cao 7,11m, rộng 5,35m, nặng 50 tấn được đặt trong chùa Bái Đính (Ninh Bình), tượng Phật Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt nặng 70 tấn, Bảo tháp cao 14,7m nặng 34 tấn đặt tại chùa Bái Đính, tượng đài Hòa Bình nặng 20 tấn cao 8,7m đặt tại công viên Hòa Bình (Hà Nội) nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tượng Phật Bồ Tát đặt trên đỉnh Phan Xi Păng (Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cao 12m, nặng 18 tấn bằng đồng đỏ,...

Đặc biệt, bộ đại hồng chung tại cả 9 ngôi chùa Trường Sa này, cũng đều do một tay cha con ông đúc lên. Nên tôi để ý cha con ông thường lặng lẽ đến “thăm” lại từng quả chuông, vuốt ve trìu mến như người thân lâu ngày gặp lại.

Cảm xúc nhất chuyến đi này, có lẽ là ông Trần Văn Xuất chủ Cơ sở Đá mỹ nghệ Xuất Ánh (Đà Nẵng) cùng các đồng đội từng đóng quân tại đảo Trường Sa Đông giai đoạn 1984-1987. Mấy chục năm qua, ông lặn lội đi tìm kiếm lại đồng đội, hỗ trợ công ăn việc làm, và giờ đây là mời anh em về thăm lại “chiến trường xưa”, điều vượt ngoài mơ ước của những người lính từng sống chiến đấu nơi đảo nhỏ này từ gần 40 năm trước...

“Đoàn tiến hành thâm nhập, nghiên cứu, đề xuất với Bộ Quốc phòng, các tỉnh thành về những chủ trương, giải pháp, những vấn đề liên quan đến các dự án dân sự quần đảo Trường Sa, như: Trồng trọt, đánh bắt xa bờ, phát triển làng chài, tạo công ăn việc làm để nhân dân bám biển xây dựng cuộc sống gia đình”

Báo cáo của Đại tá Đỗ Minh Tuấn về kết quả chuyến thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa của Đoàn công tác số 10 tháng 6-7/2022

Ở Trường Sa, tôi gặp các công trình tâm linh, tưởng niệm, từ những ngôi chùa bề thế, những nhà Tổ nhà Tăng, đại hồng chung, bộ kinh sách, tượng đài, tấm bia tưởng niệm, cho đến những gốc cây, ghế đá, hàng gạch,... đều do các doanh nhân cả nước phát tâm hiến cúng. Cho đến những ngôi trường khang trang, thư viện, máy tính, những công trình dân sinh trên đảo,... từ các nguồn quỹ do đồng bào và doanh nghiệp chung tay.

Doanh nhân Việt với Trường Sa ảnh 5

Nụ cười của cư dân trên đảo Sinh Tồn, phía sau là những căn hộ khang trang. Ảnh: Trần Tuấn

Quần đảo Trường Sa hiện đã và đang được đầu tư mạnh để trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Với dịch vụ tiếp nhận sửa chữa tàu thuyền, tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, nước ngọt, thu mua hải sản, hoạt động ứng cứu, khám chữa bệnh,... Nghị quyết của Bộ Chính trị giao cho tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 đến 2045 phải xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.

Doanh nhân Việt với Trường Sa ảnh 6

Ngư dân tránh bão trên đảo Đá Tây A. Ảnh: Đỗ Thành Luân

Giữa hải trình, tàu chúng tôi phải neo gần 2 ngày nơi lòng hồ đảo Đá Tây A. Dù bão số 1 tiến ra ngoài Bắc, nhưng ảnh hưởng của nó đã ghê gớm, huống gì những cơn bão trực diện quần thảo giữa Trường Sa-Biển Đông. Để hình dung về siêu bão Noru, hơn 1.500 ngư dân của chúng ta trên 152 tàu cá đã được neo trú an toàn tại các âu tàu, lòng hồ trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Như bão Hải Yến năm 2013, gần 2.000 ngư dân an toàn khi kịp lên đảo Song Tử Tây. Nhớ lại trận bão Chanchu 16 năm về trước (2006), nếu như có nơi tránh trú kịp thời, thì hậu quả đã không khiến hơn 300 ngư dân miền Trung thiệt mạng trên biển.

Doanh nhân Việt với Trường Sa ảnh 7

Chuyển hàng và quà của các doanh nghiệp, địa phương tặng các đảo Trường Sa. Ảnh: Trần Tuấn

Để Trường Sa thực sự trở thành Trung tâm kinh tế biển, chứ không chỉ dịch vụ hậu cần nghề cá, còn cả một hành trình cam go. Nhưng tin rằng những doanh nhân Việt thiết tha với đất nước, sẽ làm được...

Tôi cứ nghĩ về mấy chữ “cơ hội đầu tư” vốn quen thuộc với các doanh nhân, trên hải trình vất vả vượt sóng gió ra với quần đảo Trường Sa thân thương. Là tiền ư, là đất ư? Không hề! Với biển đảo Tổ quốc, “lời lãi” lớn nhất, đầu tiên và cuối cùng chính là tình yêu lớn, trách nhiệm lớn trước sự bền vững trường tồn của biển đảo Tổ quốc.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.