Chuyện về cờ Tổ quốc bằng gốm ở Trường Sa Lớn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2012, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã hoàn thành ý tưởng làm lá cờ Tổ quốc cỡ lớn bằng chất liệu gốm trên đảo Trường Sa Lớn. Từ đó đến nay, trong thời gian mười năm, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy tiếp tục thực hiện nhiều công trình khác tại biển đảo quê hương đều bằng chất liệu gốm, chất liệu truyền thống từ ngàn đời của cha ông.

Lá cờ độc đáo và thiêng liêng

Chuyện về cờ Tổ quốc bằng gốm ở Trường Sa Lớn ảnh 1

Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đảo Sơn Ca

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy là tác giả công trình “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, hoàn thành năm 2010, nhân kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long-Hà Nội. Một năm sau khi hoàn thành công trình trên, cơ duyên tới khi chị có dịp đến với một không gian rộng lớn hơn - đảo Trường Sa.

“Lần đầu được tới Trường Sa Lớn đã mang lại cho tôi những cảm xúc khôn tả. Giữa bao la đất trời của khu vực biển đảo, niềm tự hào dân tộc cứ trào dâng trong tôi. Khi đó, lá cờ Tổ quốc lớn như hiện ra trước mắt tôi. Ý tưởng làm lá cờ Tổ quốc tại Trường Sa Lớn bắt đầu từ đó” - họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết.

Tại Trường Sa Lớn thời điểm đó, qua tìm hiểu, họa sĩ Thu Thủy thấy nóc nhà hội trường tại trung tâm của đảo có kích thước 15 mét x 20,8 mét, đúng theo tỷ lệ tiêu chuẩn của Quốc kỳ Việt Nam là chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài. Việc làm lá cờ cỡ lớn trên diện tích nóc hội trường là điều có thể thực hiện được. Còn chất liệu làm cờ sẽ bằng gốm, bởi chỉ có sự bền bỉ của chất liệu này mới chịu được nắng gió Biển Đông để bền vững cùng thời gian tại Trường Sa.

Chuyện về cờ Tổ quốc bằng gốm ở Trường Sa Lớn ảnh 2

Họa sĩ Thu Thủy làm lá cờ gắn gốm tại đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ Trường Sa trở về, họa sĩ Thu Thủy quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình. Sau các cuộc họp để thuyết trình ý tưởng, họa sĩ Thu Thủy đã được các cấp có trách nhiệm đồng ý làm lá cờ bằng gốm mosaic (là những viên gốm nhỏ ghép lại với nhau tạo thành thể thống nhất) tại Trường Sa Lớn. Nữ họa sĩ đã phối hợp với Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội, đơn vị trước đây đã cùng chị làm “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” để bắt tay vào việc (kinh phí công trình do VP Bank tài trợ).

Sau một thời gian thiết kế, lá cờ khổng lồ được ghép công phu từ những viên gốm mosaic nhỏ đã hình thành. Những viên gốm nhỏ cỡ 3x3 cm đã được các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng nung ở 1.200 độ C, tạo ra màu men đỏ tươi để làm nền lá cờ. Những viên gốm màu vàng để tạo thành ngôi sao năm cánh cũng được chế tác công phu không kém.

“Trước đây, nếu như việc làm “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” khó một thì nay việc làm lá cờ khó gấp nhiều lần”- họa sĩ Thu Thủy chia sẻ. Rồi chị cho biết, sau khi hoàn tất lá cờ, việc vận chuyển tới Trường Sa cũng không đơn giản.

Tất cả số lượng gốm được đựng vào 94 thùng, mỗi thùng nặng gần 100 kg, được đưa từ Hà Nội vào hai điểm tập kết là cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) và cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh), sau đó tiếp tục vận chuyển bằng đường biển ra Trường Sa Lớn. Tại đây, những viên gốm mosaic cỡ nhỏ được gắn thành lá cờ đỏ sao vàng rộng hơn 300 mét vuông nằm trên nóc nhà hội trường của đảo Trường Sa Lớn.

Khi gắn xong viên gốm cuối cùng ở mép ngoài cùng của lá cờ Tổ quốc, tất cả những người có mặt đều vô cùng xúc động khi thấy lá cờ nổi bật giữa hòn đảo thiêng liêng và nhìn ra xung quanh là biển Trường Sa xanh biếc. Công trình này ngoài tính nghệ thuật, còn mang ý nghĩa lớn hơn là một cột mốc chủ quyền tại vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuyện về cờ Tổ quốc bằng gốm ở Trường Sa Lớn ảnh 3

Họa sĩ Thu Thủy (giữa) bên những bức tranh gốm trong công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đảo Sơn Ca. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau khi hoàn thành công trình trên, họa sĩ Thu Thủy tiếp tục ấp ủ ý tưởng làm tấm bản đồ Việt Nam bằng gốm sứ để đặt tại Trường Sa Lớn. Ý tưởng này được Bộ Tư lệnh Hải quân chấp thuận. Từ mẫu bản đồ Biển đảo Việt Nam của Bộ Tư lệnh Hải quân, nữ họa sĩ cùng các cộng sự đã chuyển thể từ bản đồ vẽ trên giấy sang tấm đất sét lớn để chia cắt thành các tấm nhỏ theo đường lượn của biên giới Việt Nam với các nước láng giềng, những đường bờ biển, các đảo và quần đảo.

“Việc làm này vừa cần tuân thủ tính chính xác của tấm bản đồ, vừa phải thể hiện được vẻ đẹp mỹ quan của những mảnh gốm khi ghép lại”- họa sĩ Thu Thủy cho biết. Rồi chị chia sẻ thêm, để tạo ra tấm bản đồ như mong muốn, các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đã dùng kỹ thuật in trên gốm nặng lửa để in từng địa danh, từng tên đảo, bán đảo, bãi cạn, bãi ngầm suốt dọc chiều dài của vùng biển Việt Nam.

Tấm bản đồ Việt Nam được ghép từ 88 mảnh gốm với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cùng các hòn đảo khác dọc chiều dài lãnh thổ Việt Nam được hoàn thành, chính xác từng chi tiết nhỏ. Họa sĩ Thu Thủy cùng các nghệ nhân của Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã trở lại Trường Sa Lớn để ghép tấm bản đồ Việt Nam tại Nhà khách Thủ Đô của đảo. Khi công trình hoàn thành, chị bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn, với tấm bản đồ bằng gốm này sẽ góp thêm tiếng nói khẳng định chủ quyền của Việt Nam bằng chính chất liệu truyền thống lâu đời của cha ông”.

Tiếp nguồn sáng tạo nơi biển đảo

Họa sĩ Thu Thủy cho biết, năm 2014, có dịp lên đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa, chị được thấy một khuôn viên mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp do các chiến sĩ trên đảo dành 103 ngày công để thực hiện. Khi đó, họa sĩ Thu Thủy bày tỏ ý tưởng cần đặt trên đảo một bức tượng Đại tướng và được Bộ Tư lệnh Hải quân ủng hộ.

Từ ý tưởng này, một khu đất rộng 400 mét vuông được quy hoạch tại đảo để làm thành công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi công viên cơ bản hoàn thành, từ đất liền, bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp cao 1,76 mét, do nhà điêu khắc Lê Đình Bảo tạc từ đá sa thạch xanh xám nguyên khối cũng hoàn tất. Qua kỳ công vận chuyển, bức tượng Đại tướng đã tới đảo Sơn Ca, được đặt tại trung tâm công viên.

Từ khi xây dựng công viên, họa sĩ Thu Thủy biết phía sau tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có bức tường hình vòng cung dài 24 mét, cao 2,5 mét. Tại đây, họa sĩ Thu Thủy đóng góp gần 300 bức ảnh tư liệu lịch sử in trên gốm. Ảnh tư liệu này được sắp xếp công phu, thể hiện các giai đoạn lịch sử gắn với cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như từ khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1944) đến những trận đánh, những chiến dịch lừng lẫy trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ mà Đại tướng đã chỉ huy.

Bên cạnh những tác phẩm có ý nghĩa lớn, họa sĩ Thu Thủy còn có những sáng tạo đóng góp cho công trình phục vụ dân sinh tại khu vực biển đảo. Chị cho biết, thời gian gần đây, khi xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng MerryLand Quy Nhơn (Bình Định) trên mũi nam của bán đảo Phương Mai, công trình cầu tổ hợp cầu chữ Y.O.U và hai cầu trái tim được lựa chọn là điểm nhấn quan trọng của quần thể kiến trúc này. Trong đó, cầu chữ O giữ vị trí trung tâm, khi đứng tại đây có thể ngắm nhìn toàn cảnh hồ nhạc nước lung linh sắc màu.

Đảm nhận công việc trang trí gốm mosaic tại tổ hợp những cây cầu này, họa sĩ Thu Thủy cùng các cộng sự đã dành nhiều tâm huyết để hoàn thành. Từ tháng 12/2021 đến tháng 4/2022, chị đã cùng các nghệ nhân Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội miệt mài chế tác và hoàn thành 445 mét vuông gốm mosaic ở vành ngoài và 512 mét vuông gốm trong lòng cầu chữ O.

Khi cầu chữ O hoàn thành đã đem lại sự kết hợp đồng bộ giữa gốm, nhạc nước và ánh sáng cho khu du lịch nghỉ dưỡng MerryLand Quy Nhơn, làm tăng thêm vẻ đẹp cho hồ nhạc nước lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.

Sau khi công trình cầu chữ O hoàn thành, cầu hình trái tim tại MerryLand Quy Nhơn lại được họa sĩ Thu Thủy và các cộng sự bắt tay thực hiện. Cầu trái tim được gắn những cánh hoa hồng đỏ thắm, cách điệu cuộn vào nhau đầy lôi cuốn. Để tạo ra hình ảnh này, hàng triệu viên gốm nhỏ mosaic được kết lại thành những cánh hoa hồng trải rộng trên khắp mặt cầu, thể hiện tinh thần lãng mạn của vùng đất biển đảo du lịch thời nay.

“Hy vọng cầu trái tim tại MerryLand Quy Nhơn 2022 truyền tải được thông điệp tình yêu của con người với biển cả, để mong muốn biển đảo luôn gần gũi với đất liền”- họa sĩ Thu Thủy bày tỏ.

Lá cờ tại Trường Sa Lớn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận là lá cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Từ máy bay, ở khoảng cách rất xa hoặc trong các bức ảnh chụp từ vệ tinh vẫn có thể thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn.

Họa sĩ Thu Thủy bày tỏ, bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đảo như một điểm tựa để tiếp thêm sức mạnh cho những thế hệ sau quyết tâm giữ vững chủ quyền của đất nước.

MỚI - NÓNG