Ký ức
Hơn một năm từ chuyến công tác đầu tiên tới Trường Sa, Nhà giàn DK1 vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021, nay tôi có cơ hội trở lại quần đảo anh hùng, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Những cái tên Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Cô Lin, Đá Thị, Sinh Tồn… hiện lên với nỗi xúc cảm bồi hồi nhớ thương. Tôi sẽ được gặp lại những chiến sỹ hải quân kiên trung; thấy được cây bàng vuông, phong ba, mù u hiên ngang giữa bão táp trùng khơi; nghe tiếng “gieo chữ” của các thầy giáo cùng tiếng hát vọng vang giữa biển cả quê hương của những đứa trẻ Trường Sa…
Nhà giàn DK1/8 |
Đối với người dân Việt Nam, được dự lễ chào cờ trước cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa là sự thiêng liêng lẫn tự hào. Còn nhớ, tàu 571 chở Đoàn công tác số 4 cập đảo Song Tử Tây đúng vào ngày thứ Hai, ngoài dịp đầu năm mới và các ngày lễ lớn của đất nước thì thứ Hai hằng tuần sẽ diễn ra lễ chào cờ ở Trường Sa. Trong làn gió biển, lá cờ Tổ quốc phấp phới tung bay, không khí trang nghiêm, tiếng quốc ca hùng tráng vang lên, tiếp theo là 10 lời thề danh dự của quân nhân.
Hơn một giờ đồng hồ trên đảo, tôi đã có dịp ghé thăm lớp học do thầy Nguyễn Hữu Phú (SN 1982) và thầy Nguyễn Bá Ngọc (SN 1993) phụ trách. Vượt muôn trùng con sóng, hai thầy giáo tình nguyện rời đất liền ra đảo xa dạy học. Để được đứng trên bục giảng nơi đảo tiền tiêu, trong 5 năm, anh Phú đã viết sáu lá đơn mới được chấp thuận.
Dù đã 40 tuổi nhưng thầy Phú vẫn chưa lập gia đình, “duyên chưa đến thì tôi tiếp tục xin ở lại Trường Sa cống hiến, những đứa nhỏ ở đảo, tôi xem như là con của mình”, thầy Phú tâm sự. Cảm phục và tin yêu là tình cảm mà đoàn chúng tôi dành cho hai thầy giáo.
Đoàn phóng viên chúc Tết các nhà giàn DK1 và Côn Đảo Xuân Quý Mão năm 2023 dự kiến xuất phát ngày 24/12/2022. Thời gian chúc Tết trên biển dự kiến 15 - 20 ngày, tùy thuộc vào thời tiết. Điểm xuất phát của Đoàn là Cảng vụ Lữ đoàn 171, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.
Vượt qua ngàn dặm hải trình, tàu rẽ sóng, khoảng 19 giờ ngày 30/4 tàu 571 thả neo trên vùng biển đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao, nơi mà cách đây 34 năm (ngày 14/3/1988), 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Với niềm tiếc thương vô hạn, lòng tự hào về các anh, đoàn công tác số 4 đã làm lễ tưởng niệm ngay tại vùng biển này. Cơn mưa phảng phất rơi như hòa cùng nỗi niềm của mỗi người.
Đại tá Lê Xuân Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Quân chủng Hải quân bồi hồi: “Những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã mãi mãi nằm lại biển sâu, các anh sống là người chiến sỹ giữ biển, các anh hy sinh trở thành hồn thiêng giữ biển, đảo Tổ quốc. Sự hy sinh ấy đã khắc vào tấm bia của dân tộc; hình ảnh các anh trở thành tượng đài bất tử ngàn thu. Máu các anh đã hòa vào, làm mặn thêm muối biển Đông, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau nhớ về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc thiêng liêng”…
Trong số thành viên của đoàn công tác số 4, tôi được gặp Trung tá Vũ Anh Tuấn - Trợ lý Phòng Cán bộ (Cục Chính trị Quân chủng Hải Quân) và Thượng úy Trần Thị Thủy, cán bộ văn thư bảo mật, Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân). Anh Tuấn là con trai của Anh hùng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, người thuyền trưởng chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền không thể đánh chìm trong sự kiện 14/3/1988.
“Là con của liệt sỹ Gạc Ma, tự hào về sự anh dũng hy sinh của cha và đồng đội, bản thân tôi luôn phấn đấu, cống hiến một phần sức lực nhỏ bé của mình trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước”, Thượng úy Trần Thị Thủy
Thủy là con gái duy nhất của Anh hùng liệt sỹ Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Trước lúc hy sinh anh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân”.
Phóng viên Nguyễn Cảnh Huệ trước Nhà giàn DK1/8 |
Chuyến hành trình của chúng tôi không thể quên được cán bộ, công nhân viên các trạm Hải đăng ngày đêm âm thầm cống hiến tuổi thanh xuân giữa ngàn khơi. “Mắt thần” ấy, không những soi sáng chỉ đường cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối mà còn khẳng định cột mốc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
“Mắt thần” không bao giờ được phép tắt, bởi nó được thắp sáng từ trái tim, mỗi nhịp đèn nháy là nhịp thở của cán bộ, nhân viên các Trạm cùng những người lính hải quân canh giữ phên dậu của Tổ quốc nơi đảo xa…
Ngày trở lại
Điểm cuối cùng mà Đoàn công tác số 4 ghé thăm là nhà giàn DK1/8, đêm qua, ngày lại, từng thành viên mong ngóng được gặp các chiến sỹ hải quân ở thềm lục địa. Các phương án di chuyển thành viên lên nhà giàn được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tính toán và bố trí nhưng sóng to vỗ liên hồi vào mạn tàu, bọt tung trắng xóa đã khiến cuộc giao lưu phải hủy bỏ. Để đảm bảo an toàn cho các đại biểu, buổi giao lưu vẫn được tiến hành nhưng qua bộ đàm.
“Đoàn có nhiều món quà gửi cho các đồng chí, chúng tôi sẽ gửi cho tàu trực Trường Sa chuyển đến các đồng chí khi thời tiết tốt. Bà con ngư dân nếu có ra đánh bắt cá ngoài này, có việc gì cần hỗ trợ thì các đồng chí tích cực chủ động giúp dân. Chúng ta là lực lượng hải quân, luôn là điểm tựa, giúp đỡ ngư dân bám biển…”, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Phan Tuấn Hùng chỉ đạo qua bộ đàm.
Sau đó, từng tiết mục văn nghệ được các thành viên trong đoàn hát tặng các chiến sỹ. Từng lời ca được cất lên dù qua bộ đàm nhưng vẫn thể hiện được tình cảm quý mến với những người chiến sỹ đêm ngày kiên cường làm nhiệm vụ trên nhà giàn. Đáp lại tấm chân tình ấy, tiếng hát từ nhà giàn cũng vọng sang, đó là tâm tình người lính biển, gửi nỗi nhớ qua những lá thư quê nhà. Những giọt nước mắt của các nữ thành viên lăn dài trên khuôn mặt. Lời hứa của các chiến sỹ trên nhà giàn DK1/8 khắc ghi vào tâm khảm của mỗi người, “Chúng tôi xin hứa, vững chắc tay súng, bảo vệ nhà giàn với tinh thần “còn người còn nhà”.
Khi những nỗi nhớ của chuyến công tác năm 2021 trên quần đảo Trường Sa còn vương vấn, tôi nhận được lệnh từ Ban Biên tập chuẩn bị tiếp tục cho chuyến thăm, chúc Tết nhà giàn DK1 dịp Xuân Quý Mão năm 2023. Đầy vinh dự và tự hào, tôi lại xách ba lô lên và đi. Dù biết chuyến công tác này, sóng to, gió lớn, vất vả hơn so với chuyến đi trước nhưng tôi vẫn hứng khởi như lần đầu tiên. Trường Sa ơi, Nhà giàn DK1, chúng tôi lại trở về!