Những ai hưởng lợi từ tin giả trên mạng xã hội?

Công an Thái Nguyên triệu tập cô gái đăng tin giả nhằm bán hàng qua mạng
Công an Thái Nguyên triệu tập cô gái đăng tin giả nhằm bán hàng qua mạng
TP - Việc tung tin giả (fake news) nhằm bán hàng, trục lợi diễn ra khá phổ biến bất chấp tác động của nó tới đối tượng bị phản ánh. Các doanh nghiệp lớn phải bỏ ra kinh phí, xây dựng kịch bản để ứng phó tin đồn ác ý nhưng khi xảy ra, việc dập tắt fake news không đơn giản.

Câu like bán hàng

Đầu năm 2019, vụ án nữ sinh giao gà ở Điện Biên bị bắt, xâm hại và giết chết đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, tích cực chia sẻ thông tin. Bên cạnh đó, nhiều “giả thuyết điều tra” được đăng tải và thậm chí, một status (trạng thái trên Facebook) còn khẳng định có thiếu úy công an ở Thái Nguyên bị bắt vì chủ mưu sát hại nữ sinh. Status này không có căn cứ nhưng nhận hàng nghìn lượt chia sẻ với những bình luận thiếu suy nghĩ buộc cơ quan chức năng phải làm rõ. Kết quả, người đăng thông tin trên được xác định tên Trang (ở Thái Nguyên). Cô gái này sau đó thừa nhận đăng thông tin thất thiệt nhằm tạo điều kiện bán hàng online.

Tại Hà Nội, tháng 3/2019, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã triệu tập chủ trang Facebook “Đầm Bầu Thời Trang Mami” (hiện có hơn 315.000 lượt theo dõi) để làm rõ việc đăng tin không đúng sự thật. Fanpage này đã đăng nội dung chế biến, bày bán thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi mọi người tẩy chay thịt lợn vì có thể lây sang người. Thực tế, Fanpage đã lấy thông tin từ nhiều báo điện tử, hình ảnh sán lợn xảy ra tại Bình Phước từ năm 2018… để minh họa cho dịch tả châu Phi. Sau khi bị triệp tập, chủ Fanpage đã ký vào biên bản vi phạm hành chính với mức xử phạt 20 triệu đồng.

Không chỉ bán hàng qua mạng, tháng 3/2019, chính quyền huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) khẳng định có “cò đất” tung tin đồn thất thiệt về việc Đà Nẵng chuẩn bị thành lập quận mới trên cơ sở 4 xã thuộc Hòa Vang. Chính quyền cảnh báo thông tin này được phát tán nhằm đẩy giá đất lên cao và sẽ cho tìm hiểu, xử lý người tung tin thất thiệt.

Xâm phạm đời tư

Được hỏi về việc tung tin giả “câu like”, anh Nguyễn Văn Thành,  nhân viên một Cty truyền thông tại Hà Nội khẳng định tình trạng này khá phổ biến. Lý do, mạng xã hội, nhất là Facebook, Youtube đang trở thành kênh tiếp cận chính của người dùng internet cũng như các đơn vị phân phối, bán hàng thay cho các kênh truyền thống. Đặc biệt, các thông tin đưa lên mạng xã hội không cần kiểm chứng, chỉ cần người đăng tải làm SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) tốt sẽ tiếp cận tối đa người dùng.

Anh Thành giải thích, các đơn vị truyền thông hoặc người bán hàng qua mạng rất cần những Fanpage có lượt follow (theo dõi) lớn nhưng nếu chỉ đăng tải thông tin đúng, làm SEO thuần túy dựa vào độ hấp dẫn của nội dung sẽ khó thu tương tác lớn vì thông tin các vụ việc rất phổ biến, ai cũng có thể tiếp cận. Do đó, người xây dựng Fanpage có xu hướng đăng những thông tin nóng bất chấp tính chân thực để thu lượng người theo dõi lớn sau đó sử dụng cho các mục đích khác nhau.

“Chúng tôi làm truyền thông nên không tiện nói trường hợp cụ thể nhưng chắc chắn có một vài Fanpage đã “ăn” cả trăm nghìn lượt theo dõi khi đăng tải những tin xung quanh vụ nữ sinh giao gà ở Điện Biên và cháu bé tử vong trên xe của trường GateWay. Họ đưa tin bất chấp việc xâm phạm đời tư, các quyền của đối tượng được phản ánh. Các trang này sau đó có thể đổi tên để khai thác hoặc bán lại thu lời” - anh Thành nói.

Dễ cháy, khó dập

Trao đổi về vấn đề tin giả, một cán bộ ngân hàng tại TP.HCM cho biết, hầu như các ngân hàng thương mại đều từng gặp phải fake news, thậm chí có những tin đồn gây hoang mang rất lớn như đổi tiền hoặc “sự cố” với các lãnh đạo ngân hàng… Vì vậy, các doanh nghiệp lớn nói chung thường xây dựng những kịch bản ứng phó tin giả kèm kinh phí nhất định. Kinh phí này không được lập thành một khoản riêng, phải gộp chung vào khoản nào đó nhưng vẫn phải có để xử lý khủng hoảng truyền thông.

Được hỏi ứng xử ra sao nếu gặp trường hợp tin giả, vị này chia sẻ: “Việc cần làm là kiểm tra lại mức độ “giả” của tin là bé xé ra to hay tin đồn thất thiệt… và nếu được, cần xác định mục đích của tin đồn. Ở vài trường hợp, người tung tin đồn có thể đăng trên các Fanpage có tương tác lớn rồi làm SEO, chạy quảng cáo... Nếu vậy, các doanh nghiệp cần làm ngược lại, mở ra một cuộc chiến truyền thông công khai. Lúc này, chi phí xử lý khủng hoảng sẽ phụ thuộc vào độ “giả” của tin đồn và có trường hợp, phải bỏ chi phí rất lớn, vượt con số dự phòng và việc dập tắt tin giả không phải dễ”.

Ông Phan Hữu Minh,  Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, để giảm thiểu tin giả, các cơ quan báo chí chủ lực phải nhạy cảm, nhanh chóng đưa thông tin chính thức. Ông Minh nói: “Chính sự chậm chạp của cơ quan báo chí chính thống góp phần cho tin giả phổ biến. Trong nhiều trường hợp từng xảy ra, khi có cơ quan truyền thông lớn đưa thông tin chính thức, các thông tin bên lề phải lùi lại, dừng đăng tải. Như vậy, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan báo chí, không để các đối tượng khác lợi dụng tình trạng mù mờ rồi đưa tin giả”.

 “Chủ Fanpage có thể bán trang của mình với giá 2 - 5 trăm đồng/1 follow. Ví dụ 1 trang (hoặc nhóm) có 100.000 lượt follow (hoặc thành viên) sẽ có giá trị 20 - 50 triệu đồng. Giá trị này thay đổi tùy theo độ “chất” của trang, tức lượng thành viên theo dõi thuộc đối tượng người đi làm hay học sinh, các nick thật hay ảo, like nhiều hay ít… Nếu không bán, chủ Fanpage có thể khai thác trang của mình bằng cách quảng cáo, cho thuê livestream”.

Anh Thành - nhân viên truyền thông tại Hà Nội

MỚI - NÓNG
Mang yêu thương khoả lấp buồn đau cho Làng Nủ
Mang yêu thương khoả lấp buồn đau cho Làng Nủ
TPO - Ngày 14/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong đã thay mặt các nhà hảo tâm trao tặng số tiền ủng hộ trị giá 500 triệu đồng cho các nạn nhân tử vong do bão YAGI tại tỉnh Lào Cai và vào được Làng Nủ ở huyện Bảo Yên để chia sẻ nỗi đau thương của bà con nơi đây.