Chúng vượt sông, vượt biên giới rồi chạy sâu vào nội địa hàng trăm cây số, qua Thủ đô, đến thẳng chợ gà to nhất miền Bắc, từ đó làm liêu xiêu đời sống của người chăn nuôi Bắc bộ, phát tán bệnh tật. Không ai đuổi được, không ai bắt được. Trong khi chúng chỉ là gà giống - nghĩa là đang non, và gà loại thải - nghĩa là ốm yếu. Thế mà chúng khỏe kinh.
Trong loạt phóng sự của Tiền Phong mới đây, phóng viên mô tả đường vào bến gà ở một tỉnh biên giới: một độc đạo nhỏ hẹp, chỉ xe máy mới len được, cây cối rậm rạp, bến gà họp rất có định kỳ thời gian.
Những mô tả trên cho thấy, chỉ cần chặn ngang lối độc đạo, gà sẽ hết đường vào. Thế nhưng, người ta lại lập chốt chặn cách đó rất xa.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần đã nói thẳng tại hội nghị với ông phó giám đốc Sở NN& PTNT Lạng Sơn: “Anh Tăng nói thẳng vào vấn đề, anh có biết ở Lạng Sơn có bao nhiêu đầu nậu gà lậu không. Tôi nói cho anh biết, người trong Sở của anh báo rằng ở Lạng Sơn có 5 đầu nậu nhập gà lậu, nhưng chưa làm. Chẳng nhẽ cấp dưới biết, còn anh thì không biết?”.
Trong lúc Việt Nam đang dư thừa gà vịt, thậm chí được dự báo trong dịp Tết Nguyên đán tới vẫn thoải mái ăn gà, thì mỗi ngày có 100 - 300 tấn gà lậu nhập vào Việt Nam, dù đã ra sức cấm. Đó là điều bất thường.
Bởi, như đại diện Bộ NN&PTNT từng nói: “Khi Trung Quốc tạm dừng nhập gia súc, gia cầm của ta, một con lợn từ Việt Nam cũng không chui qua được biên giới”.
Một phần nguyên nhân của dòng chảy gà lậu đã được Thứ trưởng Tần chỉ rõ: Có cán bộ trong ngành tiếp tay cho buôn lậu, chúng ta biết. Nhưng có mạnh dạn xử lý cán bộ đó hay không? Cấp dưới chưa tốt phải mạnh dạn thay đi. Còn cấp trên chưa quyết liệt thì phải chấn chỉnh, nếu không cũng nên thôi việc, để người khác làm.
Hàng vạn hộ chăn nuôi trong nước điêu đứng vì dăm ông đầu nậu gà lậu - những người hẳn đã “lót tay đều đặn” cho cán bộ quản việc thú y; ngăn gà lậu. Đau thật!