Nhiều tập đoàn Trung Quốc 'móc hầu bao' sau khi ông Tập kêu gọi 'trả lại của cải'

0:00 / 0:00
0:00
Colin Huang, nhà sáng lập hãng bán lẻ trực tuyến Pinduoduo. (Ảnh: Reuters)
Colin Huang, nhà sáng lập hãng bán lẻ trực tuyến Pinduoduo. (Ảnh: Reuters)
TPO - Nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc đã cam kết chi hàng tỷ đô la vào mục đích xã hội để đáp lại kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc chia sẻ của cải.

Những cam kết đầu tư phi lợi nhuận và tạo phúc lợi xã hội đã được nhiều tập đoàn như hãng công nghệ Tencent, nhà bán lẻ trực tuyến Pinduoduo, ứng dụng giao đồ ăn Meituan và hãng điện thoại Xiaomi đưa ra, để đầu tư vào những lĩnh vực như nghiên cứu, nông nghiệp và năng lượng sạch.

Cam kết được đưa ra khi ông Tập kêu gọi tạo nên “thịnh vượng chung”, hàm ý về điều chỉnh thu nhập và tái phân chia của cải, và khẳng định sẽ thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng thu nhập ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sau báo cáo lợi nhuận nửa đầu năm, những tập đoàn lớn như Alibaba và nhà bán lẻ JD.com đang tập trung vào kế hoạch tạo ra giá trị xã hội thay vì chăm chú kiếm tiền, khi các nhà đầu tư đang lo ngại về khả năng bị chính quyền “sờ gáy”. Giới phân tích đang cố gắng đánh giá xem liệu sự thay đổi này cho thấy một mối đe doạ thực sự đối với lợi nhuận của các công ty, hay liệu những khoản đầu tư đó cuối cùng vẫn mang tiền về cho họ.

“Môi trường quản lý mới đang được tạo ra, trong đó sẽ có thêm giới hạn về lợi nhuận và tăng trưởng của các công ty công nghệ và tăng cường kiểm soát của nhà nước”, Ernan Cui, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics, viết trong báo cáo gửi khách hàng ngày 26/8.

Giới chức Trung Quốc giờ coi những doanh nghiệp đó giống như “các nhà cung cấp hạ tầng thiết yếu” nên cần giám sát chặt chẽ.

Tuần trước, Tencent cam kết dành 100 tỷ nhân dân tệ (15,4 tỷ USD) để thực hiện các dự án trách nhiệm xã hội trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, giáo dục và năng lượng sạch, nhằm tạo ra “sự thịnh vượng chung” nhằm nâng cao đời sống cho những người dân thu nhập thấp.

Là công ty công nghệ “hưởng lợi từ cải cách kinh tế của Trung Quốc, Tencent luôn tìm cách để…trả lại tốt hơn cho xã hội”, Tencent nói trong thông cáo.

Pinduoduo, một nền tảng thương mại trực tuyến đang phát triển rất nhanh ở Trung Quốc, khẳng định sẽ đầu tư 10 tỷ nhân dân tệ từ lợi nhuận tương lai để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

“Đầu tư vào nông nghiệp mang lại lợi ích cho mọi người vì nông nghiệp liên quan đến an ninh lương thực, y tế cộng đồng và sự bền vững môi trường”, CEO Chen Lei nói trong phát biểu tuần trước.

Chen nói rằng sáng kiến này không phải vì lợi nhuận và sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của Pinduoduo trong ngăn hạn. Nhưng các nhà phân tích cho rằng những sáng kiến như đào tạo nông dân cách bán sản phẩm qua các kênh phân phối và cải thiện hạ tầng hậu cần cuối cùng sẽ có lợi cho công ty này.

Alibaba khẳng định sẽ thực hiện cam kết “trở thành một công ty tốt để tạo ra giá trị lâu dài cho xã hội ở Trung Quốc và trên toàn cầu”, Daniel Zhang, chủ tịch và CEO của Alibaba, nói hôm 3/8. Ông cho biết tập đoàn sẽ đầu tư tất cả lợi nhuận và vốn bổ sung trong năm nay vào những lĩnh vực chiến lược, bao gồm hỗ trợ các thương nhân để họ giảm chi phí.

Jeffrey Towson, một chuyên gia đào tạo trực tuyến về kinh tế số ở Trung quốc và từng là giáo sư tại ĐH Bắc Kinh, nói rằng những cam kết như vậy sẽ làm xói mòn giá trị thị trường và lấy đi những khoản đầu tư đáng ra được dành để thúc đẩy tăng trưởng.

“Các cổ đông sẽ theo dõi xem liệu đây là sự kiện một lần hay sẽ là thường xuyên”, ông nói.

Trong phát biểu gần đây trước Uỷ ban tài chính kinh tế của Đảng tuần trước, ông Tập kêu gọi cần có “những điều chỉnh hợp lý đối với mức thu nhập cao quá mức” và khuyến khích các cá nhân và công ty giàu có trả lại nhiều hơn cho xã hội.

Dù năm nay Trung Quốc tuyên bố đã xoá được đói nghèo nhưng bất bình đẳng thu nhập ở nước này chưa được thu hẹp kể từ năm 2015.

20% người giàu Trung Quốc có thu nhập thực tế hơn 80.000 tệ trong năm 2020, gấp 10,2 lần so với 20% người nghèo nhất, theo số liệu thống kê của chính phủ.

Theo NK
MỚI - NÓNG