Nhiều quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội

Tham gia BHXH sẽ giúp người dân, người lao động được hưởng nhiều quyền lợi.
Tham gia BHXH sẽ giúp người dân, người lao động được hưởng nhiều quyền lợi.
TP - Sau hơn một năm thực hiện Luật BHXH 2014, các chế độ chính sách BHXH, BHYT đã đảm bảo công bằng hơn giữa người tham gia và thụ hưởng. Đặc biệt, NLĐ tham gia BHXH có lợi nhiều hơn, đảm bảo hơn so với các hình thức tiết kiệm khác.

Được trợ giúp khi gặp rủi ro

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, qua 30 năm đổi mới, mô hình hệ thống an sinh xã hội (ASXH) ở nước ta đã từng bước định hình rõ và đến nay có sự tương thích, phù hợp với quan niệm về quyền ASXH trong Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng như quan niệm về ASXH của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được thể hiện trong Công ước 102 về quy phạm tối thiểu. Theo ông Lợi, trong hệ thống ASXH, hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Phát triển BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách ASXH, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Người dân, người lao động (NLĐ) tham gia vào hệ thống BHXH sẽ được ổn định cuộc sống, được Quỹ BHXH trợ giúp khi gặp rủi ro (ốm đau, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, bị thất nghiệp) để sớm trở lại trạng thái sức khoẻ ban đầu cũng như sớm có việc làm.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, hiện, chính sách BHXH được thực hiện theo phương thức NLĐ có việc làm, khỏe mạnh sẽ đóng góp một phần tiền lương, thu nhập vào Quỹ BHXH. Khi ốm đau sẽ được đi KCB và được Quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí; được nhận tiền trợ cấp khi ốm đau không thể đi làm được; được nghỉ chăm con ốm; được nghỉ khám thai, được nghỉ khi sinh đẻ và nuôi con, được nhận trợ cấp khi sinh con; khi bị TNLĐ hoặc BNN dẫn đến suy giảm khả năng lao động thì được hưởng trợ cấp.

Cùng đó, khi NLĐ mất việc làm sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp; được giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. “Vì thế, hoạt động BHXH vừa đòi hỏi trách nhiệm cao của từng NLĐ đối với bản thân mình và cũng thể hiện sự gắn kết trách nhiệm giữa các thành viên trong xã hội, giữa các thế hệ kế tiếp nhau trong một quốc gia”, ông Lợi nói.

Ngoài ra, chính sách BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí đã góp phần ổn định cuộc sống của NLĐ khi hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động. Theo quy định của Luật BHXH, NLĐ tham gia đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, khi hết tuổi lao động hoặc mất sức lao động, thì được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hằng tháng. Với nguồn lương hưu và trợ cấp BHXH, NLĐ khi hết tuổi lao động sẽ có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

BHXH là “của để dành”

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, bản chất của BHXH là “của để dành”. BHXH được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật, nhằm tạo cơ hội để NLĐ khi về hưu có thu nhập, đảm bảo được cuộc sống và giảm bớt gánh nặng ASXH. Đặc biệt, trong hoàn cảnh hiện nay, khi tuổi thọ ngày càng tăng, người già ngày càng đông.

Ông Sơn cho biết, theo quy định của Luật BHXH, NLĐ tham gia BHXH sẽ đóng 8%, người sử dụng lao động (SDLĐ) đóng 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất. Nhà nước bắt buộc người SDLĐ phải góp phần vào việc đảm bảo tương lai cho NLĐ khi hết tuổi lao động hoặc khi không may gặp phải những biến cố bất lợi. Đây chính là lợi ích của cả NLĐ và người SDLĐ (NLĐ gắn bó với DN, DN ổn định sản xuất kinh doanh).

Trường hợp nếu không tham gia BHXH, NLĐ sẽ không được lấy khoản phí đóng của DN cho vào túi của mình, bởi khi đó DN sẽ phải đóng thuế thu nhập DN trên tổng số tiền này; còn nếu DN đóng vào Quỹ BHXH, khoản này sẽ được tính vào chi phí quản lý của DN.

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong những năm qua, mức lương hưu đã nhiều lần được điều chỉnh phù hợp với mức sống chung của toàn xã hội. Vào các thời điểm tăng mức lương tối thiểu chung cũng như việc xem xét chỉ số giá cả, Nhà nước đều có sự điều chỉnh lương hưu một cách hợp lý. Mức lương hưu không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với mức sống chung toàn xã hội tại thời điểm hưởng lương hưu đã bảo đảm cuộc sống cho hàng triệu người nghỉ hưu.

Ngoài ra, khi NLĐ về hưu còn được cấp thẻ BHYT. Do đó, nếu không may ốm đau, người về hưu sẽ được Quỹ BHYT thanh toán; thậm chí có trường hợp được quỹ thanh toán số tiền hàng tỉ đồng. Khi qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm NLĐ chết; thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng. Trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, thì tối đa được 4 định suất, trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già được hưởng cho đến khi qua đời. Đặc biệt, trong lương hưu, chính sách BHYT cho người già mới là chính sách quan trọng, vì chi phí cho chăm sóc sức khoẻ người già lớn hơn rất nhiều so với chi phí ăn, ở, mặc và đi lại.

Theo tính toán của các chuyên gia, với những quy định về đóng- hưởng BHXH như hiện nay, một NLĐ tham gia BHXH thì số tiền tích lũy được (đã bao gồm cả tiền lãi) chỉ đủ để chi trả lương hưu cho chính người đó từ 8-10 năm. Như vậy, với kỳ vọng sống của những người sống sau độ tuổi 55 đối với nữ và 60 đối với nam hiện nay là khoảng 20 năm, thì rõ ràng quyền lợi mà NLĐ đang được hưởng là rất lớn.

“Vào các thời điểm tăng mức lương tối thiểu chung cũng như việc xem xét chỉ số giá cả, Nhà nước đều có sự điều chỉnh lương hưu một cách hợp lý. Mức lương hưu không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với mức sống chung toàn xã hội tại thời điểm hưởng lương hưu đã bảo đảm cuộc sống cho hàng triệu người nghỉ hưu”.

 Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam

MỚI - NÓNG
Hà Nội chuẩn bị đón thêm mưa lớn dịp cuối tuần
Hà Nội chuẩn bị đón thêm mưa lớn dịp cuối tuần
TPO - Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24h qua khu vực Miền Bắc, Thủ đô Hà Nội có diễn biến giảm mưa gián đoạn. Mưa lớn xuất hiện chủ yếu về đêm, trời mát mẻ với nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C. Dự báo khoảng từ 11/5 khu vực lại đón một đợt không khí lạnh yếu gây mưa diện rộng.