TPHCM thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè trên 11 tuyến đường

0:00 / 0:00
0:00
TP - 11 tuyến đường tại quận trung tâm TPHCM được thí điểm thu phí sử dụng một phần vỉa hè cho kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa. Việc đăng ký, xét duyệt hồ sơ và đóng phí được thực hiện thông qua phần mềm.

Sáng 9/5, đường Hải Triều (phường Bến Nghé) cùng 10 tuyến đường khác ở quận 1 (TPHCM) được kẻ vạch để thí điểm sử dụng một phần vỉa hè làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hoá.

Theo ghi nhận của PV, một đoạn vỉa hè đường Hải Triều được kẻ vạch vàng làm nơi trông, giữ xe máy miễn phí, một phần vỉa hè phía trong được kẻ vạch trắng để các hộ kinh doanh sử dụng và phải đóng phí, còn lại không gian ở giữa là dành cho người đi bộ.

TPHCM thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè trên 11 tuyến đường ảnh 1

Vỉa hè đường Hải Triều (quận 1) được kẻ vạch để thu phí. Ảnh: H.H

Chia sẻ với PV, ông Trần Huy Hoàng (hộ kinh doanh tại số 19 đường Hải Triều), cho biết, nơi ông kinh doanh có chiều ngang mặt tiền là 4m, chiều dài từ bậc thềm đến phạm vi được cho phép sử dụng và phải đóng phí là 2m. Mức phí là 100.000 đồng/m2/tháng.

“Cơ bản thì cơ sở của tôi có không gian bên trong quán, nhưng xu hướng cũng có nhiều khách thích ngồi bên ngoài. Trước kia, nếu không được đăng ký sử dụng phần diện tích bên ngoài, không ít thì nhiều vẫn phải đưa bàn ghế ra ngoài và như vậy thì sai quy định. Bây giờ, khi được đăng ký sử dụng một phần vỉa hè thì sẽ cảm thấy yên tâm hơn”, ông Hoàng chia sẻ.

Ngày 9/5, ông bắt đầu đăng ký sử dụng vỉa hè qua phần mềm của quận, thao tác cũng đơn giản. Sau khi hồ sơ được duyệt, có mã QR, người đăng ký có thể quét mã để thanh toán trực tuyến.

Mức phí tối đa 100.000đồng/m2 /tháng

Theo Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố do HĐND TPHCM ban hành, mức thu phí cho hoạt động sử dụng tạm thời hè phố để làm các điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa từ 20.000-100.000 đồng/m2/tháng, tùy vào từng khu vực và vị trí các tuyến đường. Cụ thể, TPHCM được chia thành 5 khu vực để tính mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố. Trong đó, khu vực 1 (gồm quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm) có mức thu phí cao nhất là 100.000 đồng/m2/tháng; trong khi khu vực 5 (huyện Cần Giờ) có mức thu thấp nhất là 20.000 đồng/m2/tháng.

Ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 1, cho biết, từ ngày 9/5, UBND quận 1 áp dụng thí điểm đối với 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hoá, gồm đường Hoàng Sa (P.Tân Định), đường Mạc Đĩnh Chi (P.Đa Kao), đường Hải Triều và đường Chu Mạnh Trinh (P.Bến Nghé), đường Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu và đường Phan Chu Trinh (P.Bến Thành), đường Hàm Nghi (P.Nguyễn Thái Bình), đường Trần Hưng Đạo (P.Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), đường Cô Bắc (P.Cầu Ông Lãnh), đường Võ Văn Kiệt (P.Cô Giang).

“Với 11 tuyến thí điểm, người dân, hộ kinh doanh sẽ thực hiện việc đăng ký sử dụng thông qua phần mềm Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1.

Phần mềm sẽ giúp người dân có thể tra cứu nhanh chóng chức năng hè phố tại vị trí số nhà cụ thể trên địa bàn quận, thông qua bản đồ số hè phố tích hợp tất cả các đối tượng hiện hữu trên hè phố.

UBND quận cũng triển khai ứng dụng thu phí, lệ phí trực tiếp nộp vào ngân sách nhà nước, ưu tiên không dùng tiền mặt để tạo thuận lợi cho người dân”, ông Phát cho hay.

Theo ông Phát, khi sử dụng phần mềm, người dân phải kê khai thông tin về chiều dài, chiều rộng phần hè phố trước nhà, đồng thời đăng ký thời gian sử dụng hè phố (theo từng khung thời gian như 3 tháng, 6 tháng hoặc 9 tháng).

Qua đó, phần mềm sẽ tính toán đơn giá cụ thể cho từng tuyến đường, từng khu vực. “Phần mềm sẽ tạo những mã QR dựa trên đơn giá để người dân quét mã thanh toán, hoàn toàn công khai, minh bạch và bảo mật”, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho hay.

Số hóa việc thu phí

Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch UBND quận 1, cho biết, theo phân cấp của thành phố, UBND quận 1 sẽ quản lý phần hè phố trên địa bàn quận. Chủ tịch UBND quận cũng đã ban hành danh mục 86 tuyến hè phố để có thể sử dụng tạm thời cho người dân để xe máy tự quản (miễn phí).

UBND quận đã kẻ vạch sơn trên vỉa hè để người dân để xe máy tự quản. Quận đã kẻ 71/86 tuyến, còn lại những tuyến đang có kế hoạch sửa chữa, chỉnh trang nên chưa kẻ vạch. Toàn bộ chi phí kẻ vạch 71 tuyến hè phố đến từ nguồn xã hội hóa do các phường vận động từ nguồn lực của địa phương với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, ông Vinh cho hay.

Ông Vinh cho biết, địa phương đã xây dựng danh mục 52 tuyến đường đủ điều kiện. “UBND quận 1 đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị và UBND 10 phường rà soát và đưa ra danh mục 11 tuyến đường để thí điểm. Phòng Quản lý đô thị quận đã xây dựng phần mềm. Thông qua phần mềm, người dân có thể tương tác, đăng ký qua thiết bị điện tử cầm tay.

Các hộ kinh doanh không nhất thiết thực hiện thủ tục giấy tờ, đây là bước số hóa của quận 1. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hè phố theo hướng thông minh, công khai, hiện đại”, ông thông tin.

Việc thí điểm được thực hiện từ ngày 9/5 đến cuối tháng 9 năm nay. Sau đó, địa phương sẽ đánh giá việc thí điểm để triển khai những bước tiếp theo.

Ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch UBND quận 1, cho biết, ông đã yêu cầu Phòng Quản lý đô thị quận phối hợp UBND 10 phường tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục các tuyến đường, hè phố đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa và các điểm trông, giữ xe có thu phí theo hướng dẫn của Sở GTVT.

“UBND 10 phường phải phối hợp Đội Quản lý trật tự đô thị kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tạm thời hè phố trong phạm vi được giao quản lý theo quy định pháp luật, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn quận 1. Phòng Kinh tế phối hợp UBND 10 phường hướng dẫn việc sắp xếp kinh doanh, mua, bán hàng hóa phù hợp với từng tuyến đường”, ông Thanh nói.

MỚI - NÓNG