Thông tin này được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về thiệt hại do sự cố sạt lở hầm Bãi Gió.
Theo đó, sau khi sự cố xảy ra, VRN và các đơn vị đã huy động các lực lượng tham gia khắc phục với chi phí hơn 3,6 tỷ đồng; chi phí thiệt hại trực tiếp do sự cố hơn 18,7 tỷ đồng. Thiệt hại làm giảm doanh thu ảnh hưởng từ sự cố hơn 28 tỷ đồng.
Sự cố sạt lở hầm Bãi Gió trong gần 10 ngày đã khiến doanh nghiệp đường sắt thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng. |
Vụ sụt lở đã ảnh hưởng các đoàn tàu từ hai hướng không thể lưu thông qua khu vực và phải phong tỏa khu gian giữa ga Hảo Sơn (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) và ga Đại Lãnh, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Điều này khiến nhiều hành khách và chủ hàng đã thay đổi phương tiện đường sắt bằng phương tiện khác dẫn đến doanh thu vận tải sau khi sự cố được khắc phục bị giảm, chưa hồi phục trở lại được như trước khi sự cố xảy ra.
Theo VNR hiện các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM được Nhà nước đầu tư đã triển khai từ năm 2019. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, hoạt động vận tải đường sắt gặp nhiều khó khăn do năng lực chạy tàu giảm sút, thời gian chạy tàu kéo dài.
"Số tiền giảm doanh thu do bị ảnh hưởng phong tỏa, chạy chậm phục vụ thi công và các chi phí liên quan đến vận dụng đầu máy, kéo dài thời gian quay vòng toa xe ước tính hơn 200 tỷ đồng/năm", VNR cho hay.
Để hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt, VNR đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ và đề xuất Bộ Tài chính tiếp tục chính sách giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt tại Thông tư 44 cho đến khi hoàn thành toàn bộ các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM.