Khuya 13/4, hàng chục cán bộ, công nhân đường sắt của ga Tuy Hòa vẫn miệt mài tiếp nhận, hỗ trợ trung chuyển hành khách giữa hai ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) và Giã (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) sau sự cố sạt lở nghiêm trọng tại hầm Bãi Gió. |
“Dù khối lượng công việc lớn, phải tập trung cao độ, nhưng tôi và đồng nghiệp luôn động viên nhau phải cố gắng để hành khách không thấy khó chịu và thông cảm khi ngành đường sắt gặp sự cố”, anh Nguyễn Thanh Nam (nhân viên của đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam) chia sẻ. |
Theo chia sẻ của các nhân viên đường sắt, họ đã có 2 đêm thức trắng để làm nhiệm vụ. Ai nấy cũng ướt đẫm mồ hôi và lộ rõ vẻ mệt mỏi nhưng vẫn nhiệt tình hỗ trợ hành khách trung chuyển. |
Nhiều hành khách tỏ ra mệt mỏi vì phải chờ đợi lâu và lỉnh kỉnh đồ đạc khi trung chuyển. |
Một số hành khách nước ngoài khá bất ngờ khi gặp sự cố này. |
Các xe khách được điều động đến ga Tuy Hòa và ga Giã để hỗ trợ trung chuyển hành khách trong thời gian sớm nhất. |
Vụ sạt lở hầm Bãi Gió khiến việc di chuyển bị gián đoạn. Nhiều người phải chờ đợi vài tiếng trong đêm để được trung chuyển từ ga Tuy Hòa đến ga Giã. |
Nhiều người lựa chọn hàng quán quanh ga để nghỉ ngơi chờ được trung chuyển. |
Ông Bùi Hùng Như - Trưởng ga Tuy Hòa, cho biết từ chiều 12/4 đến khuya 13/4, ga Tuy Hòa đã trung chuyển gần 4.000 hành khách từ ga Giã đến ga Tuy Hòa và ngược lại. |
Tại hầm Bãi Gió, đến sáng 14/4, các công nhân vẫn đang khẩn trương thi công gia cố, dọn dẹp đống đất, đá sạt lở. Ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh, cho biết: Với tình hình sạt lở nghiêm trọng như hiện nay, đơn vị vẫn chưa biết chính xác thời gian để thông tuyến. |
Trước đó, khoảng 12h45 ngày 12/4, tại hầm Bãi Gió đường sắt Bắc - Nam xảy ra sự cố sạt lở, hơn150m3 đất đá đổ xuống đường ray, bịt đường hầm, dù đã dọn dẹp nhưng đất đá vẫn tiếp tục sạt lở, khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. |
Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, các đoàn chuyên gia đang khảo sát, kiểm tra thực tế để đưa ra giải pháp xử lý sạt lở trong hầm Bãi Gió qua huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ông Vinh nhìn nhận, việc sạt lở không phải do quá trình thi công dự án gia cố hầm Bãi Gió. Hầm Bãi Gió được xây dựng năm 1930 khánh thành năm 1936, vỏ hầm làm bằng bê tông, dài hơn 400 m, cao 5 m, rộng 4 m. Khi khảo sát thực tế, các chuyên gia đánh giá nguyên nhân ban đầu có thể do hầm Bãi Gió đưa vào hoạt động hàng chục năm, cùng với địa chất phức tạp và các tầng đất đá lâu năm đã bị phong hóa nên rơi tự do làm vỡ mái hầm.