Sáng 26/2, UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TPHCM với Chủ tịch UBND các phường xã, thị trấn năm 2021.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, các Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, Dương Anh Đức, Ngô Minh Châu chủ trì hội nghị
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND phường 6 (quận Gò Vấp) Phan Đình An cho biết tình trạng hát karaoke tự phát trong khu dân cư, dù pháp luật hiện nay đã có đủ các biện pháp chế tài nhưng thực tế rất khó xử lý vì chính quyền địa phương không có công cụ, thiết bị để đo tiếng ồn. Phường hiện nay khi nhận được phải ánh chỉ xuống nhắc nhở là chủ yếu chứ không xử lý được.
Ông Phan Đình An kiến nghị lãnh đạo TPHCM xem xét, sử dụng phần mềm (app) để xử lý vấn đề karaoke gây tiếng ồn trong khu dân cư.
Ông An cũng đề xuất TPHCM lập sàn giao dịch công chức. “Tôi có nghe tại một số đơn vị, công chức có nhu cầu chuyển công tác, trong khi nhiều nơi cần tuyển dụng. Như phường tôi nhiều năm nay còn thiếu 5-7 công chức chưa tuyển được. Nếu có sàn giao dịch và bảo mật thông tin để cung – cầu gặp nhau thì rất thuận lợi” – ông An đề xuất.
Đồng tình, bà Nguyễn Diệp Bích Hạnh - Chủ tịch phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) cho biết nhiều năm qua các phường xã thị trấn chưa tuyển được công chức mới do thành phố chưa tổ chức thi tuyển. Số lượng cán bộ chuyên trách của phường chỉ còn 14 người nên rất khó khan trong hoạt động.
Bà Nguyễn Diệp Bích Hạnh kiến nghị thành phố sớm tổ chức thi tuyển công chức và xem xét tăng số lượng cộng tác viên trật tự đô thị. Quận 1 là trung tâm TPHCM, người dân đến vui chơi, học tập rất nhiều. Hiện nay, phường Nguyễn Thái Bình chỉ có 1 biên chế và 5 cộng tác viên phụ trách trật tự đô thị nên công việc luôn quá tải. Dịp lễ, Tết, khi TPHCM có đường hoa, hội hoa xuân… phường phải gồng mình. Trong khi đó thu nhập của cộng tác viên rất thấp và không có trợ cấp công vụ nên khó tuyển dụng.
Theo ông Nguyễn Thế Dũng - Chủ tịch UBND phường 4 (quận Gò Vấp), biên chế công chức theo quy định cứng, điều chỉnh rất khó. Người ít, việc nhiều. Các cơ quan như Tòa án, thừa phát lại, thi hành án dân sự … trong quá trình thi hành nhiệm vụ luôn đề nghị đia phương phối hợp nên công việc của cán bộ bị bê trễ.
“Họ liên hệ đề nghị cán bộ tư pháp phường đến để chứng kiến thôi nhưng phải có mặt, dẫn đến công việc chính bị tồn đọng. Phường kiến nghị các cơ quan chức năng rà soát, những việc nào không cần thì không nên mời cán bộ địa phương đến chứng kiến để anh em tập trung giải quyết công việc cho người dân”, ông Dũng kiến nghị.
Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) Nguyễn Văn Ngân cho biết phường có trên 100 nghìn dân, nếu chia đều thì mỗi cán bộ đang phục vụ đến 3.500 dân nên áp lực công việc rất lớn.
Ông Ngân kiến nghị UBND TPHCM khi thực hiện chính quyền đô thị nên quan tâm đến yếu tố dân số để có chính sách phù hợp. Trường hợp không thể tăng biên chế thì xem xét chia tách các phường đông dân để phục vụ người dân tốt hơn.
Ông Nguyễn Minh Thiện - Chủ tịch UBND phường Bình Thuận (quận 7) cho biết quận 7 có khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã có quy hoạch tỷ lệ 1/500 được phê duyệt từ năm 2005. Đến nay, mẫu nhà được duyệt không còn phù hợp. Khi người dân xin phép xây dựng và xin điều chỉnh mẫu nhà nhưng địa phương không thực hiện được theo yêu cầu của người dân. Giải quyết từng trường hợp còn dẫn đến thiết kế không đồng bộ.
“Việc này đang tiềm ẩn nguy cơ một số trường hợp xây dựng sai quy hoạch. Tại đây chúng tôi đã ban hành nhiều quyết định xử phạt xây dựng sai phép. Kiến nghị thành phố và BQL Khu Nam rà soát, điều chỉnh quy hoạch mẫu nhà”, ông Thiện nói
Theo ông Đặng Thanh Xuân – Chủ tịch UBND xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn), trên địa bàn xã có công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn triển khai từ 2003 đến 2010 thì dừng thi công. Từ đó đến nay, công trình không được duy tu bảo dưỡng nên xuống cấp, lún sụt.
“Công trình theo thiết kế cao cao trình + 2,2m nhưng có những đợt triều cường 1,5 m đã tràn bờ, gây ngập hoa màu, nhà dân. Một số cống mất van, không hoạt động được. Đề nghị thành phố quan tâm, sớm hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng để duy tu bảo dưỡng”, ông Xuân nói.
Trả lời ý kiến lãnh đạo các phường xã, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết thi tuyển công chức do thành phố tổ chức. Công chức cấp phường xã theo Luật thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND các quận huyện.
Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND TPHCM ban hành Quyết định số 23 ngày 4/9/2020 quy định thẩm quyền các quận – huyện trong thi tuyển công chức các phường, xã. Riêng với TP Thủ Đức, sắp tới Sở sẽ tham mưu UBND TPHCM ủy quyền cho TP Thủ Đức tổ chức và chịu trách nhiệm tổ chức thi tuyển công chức.
Về cán bộ không chuyên trách, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết Nghị định số 34 của Chính phủ quy đinh xã loại 1 tối đa 23 người, xã loại 2: 21 người và xã loại 3 tối đa là 19 người.
“Sở đã tham mưu UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ nhiều lần. Mới đây nhất Bộ Nội vụ đã có văn bản nêu ý kiến không lấy tiêu chí dân số để xếp loại cấp xã và không lấy dân số để tăng biên chế” – ông Nhân cho hay.
Về đề xuất chia tách các xã đông dân để giảm áp lực, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết theo Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thì xu hướng chung hiện nay là sáp nhập các đơn vị hành chính, không có chủ trương chia tách ra. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI thì xu hướng sắp tới là nâng cấp các huyện lên quận.
“Công việc đổ về các phường xã thị trấn. Chúng tôi từng là lãnh đạo các địa phương, rất hiểu nhưng mong các đồng chí thông cảm vì không có cơ chế để giải quyết”, ông Nhân giải bày.