Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ thuộc Sở GTVT TPHCM, thừa nhận thực trạng hạ tầng và phương tiện như hiện nay, hành khách khó tiếp cận mạng lưới xe buýt. Xe buýt lớn chưa thể len lỏi vào nhiều tuyến đường nhỏ hẹp (chiếm 56% toàn TPHCM) mà chỉ có thể hoạt động trên các tuyến đường rộng trên 7m (chiếm 44%). Khó khăn trong việc tiếp cận xe buýt khiến phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh dẫn đến ùn ứ giao thông. Hành trình đi lại bằng xe buýt kéo dài khiến hành khách ngày càng không mặn mà với xe buýt.
“Hầu hết các nước Đông Nam Á đều sử dụng xe buýt loại nhỏ dù mỗi nước gọi một tên khác nhau. Xe có thể len lỏi bất cứ đâu, xoay xở cũng rất dễ dàng. Loại xe này cơ động, mau đầy khách và đỡ tốn chi phí bảo trì so với xe 40-80 chỗ”.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học, Đại học KHXH&NV TPHCM
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, xe buýt lớn lưu thông vào các tuyến đường nhỏ hẹp còn góp phần gây kẹt xe. Đơn cử như tuyến đường Đỗ Xuân Hợp, đoạn qua chợ Phước Long (phường Phước Long B, TP Thủ Đức) tình trạng ùn tắc diễn ra hàng ngày, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng. Con đường rộng chưa đến 10 m càng chật chội hơn mỗi khi xuất hiện xe buýt mã số 29 (tuyến Bến phà Cát Lái - Chợ Nông sản Thủ Đức) loại 55 chỗ chiếm gần hết diện tích mặt đường. Xe buýt còn tạo ra “các bức tường” di động trên đường, “bủa vây” và cản trở các phương tiện khác lưu thông.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, hiện tại vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chỉ mới đáp ứng được 9,2% nhu cầu giao thông đô thị TPHCM. Để đạt mục tiêu đến năm 2025 có thể đáp ứng 15% nhu cầu, TPHCM đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó xe buýt điện và buýt mini (dưới 17 chỗ). Khi đưa vào sử dụng loại hình này kỳ vọng sẽ góp phần thu hút người dân sử dụng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Ðề xuất sửa đổi quy định lỗi thời
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM cho biết, việc phát triển loại hình xe buýt có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ sẽ mở rộng phạm vi phục vụ, đảm bảo mật độ bao phủ của mạng lưới VTHKCC đạt tiêu chí trong phạm vi 500 m. Đặc biệt, trong 1 -2 năm tới, TPHCM dự kiến mở mới 20 tuyến xe buýt sử dụng phương tiện nhỏ kết nối dọc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), 10 tuyến xe buýt kết nối với tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ) và một số tuyến xe buýt kết nối với các khu đô thị mới.
Đề xuất sử dụng xe buýt mini của TPHCM từng bị Bộ GTVT bác vào tháng 8/2020 vì cho rằng không phù hợp với quy định xe buýt phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên của Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 10/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cầu đường TPHCM cho rằng, đặc thù của TPHCM là nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp, người dân khó tiếp cận VTHKCC. Đề xuất mở tuyến buýt mini là phù hợp với thực tế. Nếu không, xe buýt sẽ chết dần và xe cá nhân sẽ ngày càng tăng, khiến tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng hơn.
PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông, Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng cần giảm khoảng cách từ nhà đến trạm xe buýt dưới 200m để người dân chấp nhận đi xe buýt. Kinh nghiệm tại Jakarta (Indonesia) cho thấy, tính phù hợp của hệ thống minibus với xe buýt và BRT trong vai trò trung chuyển. Để đảm bảo hầu hết người dân TPHCM tiếp cận xe buýt, BRT và metro, TPHCM cần 3.600 đến 4.500 xe buýt mini.
Theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, với một đô thị lớn như TPHCM có dân số trên 10 triệu người, nhu cầu đi lại rất lớn thì việc triển khai buýt điện và buýt mini rất cấp thiết. Thực tế, xe buýt mới đáp ứng 6% nhu cầu giao thông đô thị, 3% còn lại là từ taxi và xe công nghệ. Hiện tại một số tập đoàn nước ngoài như Grab đã tham gia và chia sẻ thị phần. Nếu TPHCM không nhanh chóng thay đổi, nâng cao chất lượng, mở các loại hình dịch vụ mới thì sẽ mất cơ hội thu hút khách đi xe buýt.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách và Du lịch TPHCM Lê Trung Tính, việc xã hội hóa trong lĩnh vực GTVT đã đem lại cho TPHCM rất nhiều công trình, dự án tốt, có chất lượng. Luật Giao thông đường bộ cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn ra đời cách đây 12 năm, trong khi hiện tại công nghệ thông tin đã phát triển rất nhanh. Vì vậy, Bộ GTVT nên rà soát lại các quy định để sửa đổi, nhằm khuyến khích những đề xuất mang lại hiệu quả chung cho toàn xã hội.