Sẽ lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm
Thưa ông, những năm qua, ô nhiễm các dòng sông là vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nơi, đặc biệt là các đô thị lớn. Ông có thể chia sẻ tổng thể bức tranh chất lượng nước các dòng sông hiện nay?
Những năm qua, nhiều dòng sông đã bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm khá nghiêm trọng, bên cạnh nguyên nhân do biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nguyên nhân chủ yếu do sức ép từ nhu cầu khai thác, sử dụng nước trên các lưu vực sông ngày càng lớn, sự gia tăng về lượng nước thải, rác thải xả ra môi trường.
Nhiều dòng sông hiện nay không còn đúng nghĩa là “dòng sông” với đầy đủ chức năng của nó mà về cơ bản chỉ còn là kênh thoát nước thải, không còn khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm như sông Tô Lịch, Sét, Lừ, Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải và sông Ngũ Huyện Khê.
Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên, trong đó, có 392 sông, suối liên tỉnh, 3.045 sông, suối nội tỉnh. Chúng ta đã và đang theo dõi được tình trạng chất lượng nước trên một số các dòng sông thông qua hệ thống quan trắc môi trường, tài nguyên nước và các hoạt động điều tra, đánh giá chất lượng nước.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang triển khai thực hiện đánh giá sức chịu tải của nguồn nước cho các sông liên tỉnh trên 13 lưu vực sông lớn và một số địa phương cũng đã và đang triển khai thực hiện đánh giá sức chịu tải của nguồn nước cho các sông nội tỉnh.
Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Luật Tài nguyên nước 2023 vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực vào 1/7/2024 quy định về việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm (Điều 34). Theo đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương tổ chức lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm để làm căn cứ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi các nguồn nước. Do vậy, thời gian tới, Bộ TNMT sẽ tổ chức việc đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm các dòng sông để lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
Huy động xã hội hoá để phục hồi các dòng sông “chết”
Thời gian qua, một số địa phương như TPHCM, Hà Nội quan tâm, đầu tư cho việc cải thiện chất lượng nước các dòng sông. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn và chưa đạt được kết quả như mong muốn? Ông có thể chia sẻ những khó khăn khi cải thiện chất lượng các dòng sông ở Việt Nam hiện nay?
Việc cải thiện chất lượng nước các dòng sông, cũng như phục hồi các dòng sông “chết” phải thực hiện đồng bộ biện pháp phi công trình và công trình.
Các biện pháp phi công trình như quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải, nghiêm cấm các hoạt động xả rác thải, các chất thải khác xuống sông. Các biện pháp công trình gồm xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình như cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn…để tiếp nước, khơi thông dòng chảy, tạo cho các sông có các dòng chảy thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ứ đọng để trả lại cho sông khả năng tự làm sạch chất ô nhiễm.
Sông Nhuệ tại Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm qua. Ảnh: Hùng Nguyễn. |
Hiện nay, các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trước khi xả ra các dòng sông được quy định rất đầy đủ tại hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và đang được Bộ TNMT, các địa phương triển khai thực hiện rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý vẫn chưa thật sự đạt hiệu quả như chúng ta mong muốn. Để đạt hiệu quả cao thì tổ chức, cá nhân phải thực sự nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nguồn nước, từ đó được nâng cao ý thức chấp hành pháp luật một cách tự nguyện, tự giác.
Ngoài ra, khó khăn rất lớn để triển khai các dự án phục hồi dòng sông “chết” là hạn chế về nguồn lực cho các giải pháp đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình. Để tháo gỡ khó khăn này, Luật Tài nguyên nước 2023 quy định về nguồn kinh phí để phục hồi các nguồn nước, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp bảo vệ môi trường, đầu tư phát triển, quỹ bảo vệ môi trường, nguồn chi trả của đối tượng gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, nguồn đóng góp khác của tổ chức, cá nhân.
Với điều kiện về ngân sách nhà nước như hiện nay thì việc huy động được nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân (nguồn xã hội hóa) là rất quan trọng để có thể thực hiện được các dự án phục hồi các dòng sông “chết”. Tuy nhiên, để huy động được nguồn lực này, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vừa phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là các pháp luật về đầu tư, pháp luật về thuế, phí.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những giải pháp phục hồi các dòng sông chết được quy định trong Luật Tài nguyên nước 2023?
Phục hồi, làm sống lại các dòng sông “chết” là chính sách rất lớn trong Luật Tài nguyên nước 2023. Để có hành lang pháp lý cụ thể, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông như quy định cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
Ngòi nước chảy qua xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội chuyển màu đen kịt những năm qua. Ảnh: Nguyễn Hoài. |
Đồng thời, bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông.
Luật Tài nguyên nước 2023 cũng bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa. Quy định các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa và chính sách ưu tiên. Với quan điểm là phát triển kinh tế gắn liền với việc “đầu tư lại’’ trong công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, cải tạo cảnh quan, bảo tồn giá trị của hệ sinh thái liên quan đến nước.
Bên cạnh đó, đã luật hóa quy định về dòng chảy tối thiểu để bảo đảm giảm thiểu tối đa tác động của các đập, hồ chứa, các công trình điều tiết phía thượng nguồn đến chế độ dòng chảy các dòng sông, góp phần phục hồi các dòng sông chết trên phạm vi cả nước.
Cảm ơn ông.
Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2024 được Liên hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Khi nguồn nước bị khan hiếm hoặc ô nhiễm, khi mọi người không có khả năng tiếp cận nước an toàn hoặc không được tiếp cận nước một cách bình đẳng, căng thẳng có thể gia tăng giữa những cộng đồng và các quốc gia. Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water), hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Bằng cách cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, nước có thể là động lực ổn định và là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững hôm nay và mai sau.