Nhiều chuyên gia khuyên Huế nhận bức tượng 'Người đàn ông cúi đầu'

Phối cảnh bức tượng "Người đàn ông cúi đầu" ở công viên Lý Tự Trọng
Phối cảnh bức tượng "Người đàn ông cúi đầu" ở công viên Lý Tự Trọng
Các nhà văn hóa ở Huế cho rằng thành phố nên tiếp nhận bức tượng "Người đàn ông cúi đầu" và đặt ở vị trí phù hợp.

Bức tượng "Người đàn ông cúi đầu" cao 6 m, đế 4 m được ông Cho Kwang Han, tân thị trưởng thành phố Namyangigu (Hàn Quốc) ngỏ ý tặng TP Huế đang khiến lãnh đạo địa phương này lúng túng trong việc tìm vị trí đặt tượng thích hợp.

Đây là tác phẩm do điêu khắc gia Yoo Young Ho chế tác với thông điệp "tôn trọng và thấu hiểu", đồng thời thể hiện phong cách chào hỏi khiêm nhường của người Hàn Quốc. 

Ông Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, bức tượng khá nổi tiếng và được xem là một trong những biểu tượng văn hóa của Hàn Quốc. Người Hàn Quốc đã đặt tượng ở một số nơi trên đất nước họ; ngoài ra còn đem tặng nhiều nước như Đức, Uruguay... như món quà ngoại giao.

Ba vị trí mà phía Hàn Quốc gợi ý đặt bức tượng là chợ Đông Ba, kinh thành Huế hoặc công viên ở bờ bắc sông Hương. Tuy nhiên, theo ông Hoa, đây là các vị trí mà đặt bức tượng này sẽ không phù hợp với không gian văn hóa Huế cũng như cảnh quan. 

Ông Hoa cho hay, thành phố đã gặp nhiều nhà văn hóa, chuyên gia kiến trúc để tham khảo ý kiến về vị trí đặt bức tượng và dự kiến đặt ở công viên Lý Tự Trọng, khu vực cuối con đường đi bộ lót sàn gỗ lim trên sông Hương (công trình do phía Hàn Quốc tài trợ). Mặt bức tượng sẽ xoay về hướng biển, phần lưng tựa vào hướng núi. Tuy nhiên, do bức tượng cao 6 m không phù hợp với không gian bờ sông Hương, thành phố sẽ đề nghị phía Hàn Quốc giảm kích thước bức tượng xuống còn 4 m để phù hợp với quy hoạch tượng đài do tỉnh quy định.

Một vị trí khác là công viên Dã Viên trên đường Bùi Thị Xuân với ưu điểm là công viên thấp so với mặt đường, cách xa kinh thành Huế nên bức tượng không cần điều chỉnh, vẫn giữ kích thước 6 m. Bức tượng đặt ở đây có ý nghĩa như lời cúi chào dòng sông Hương, kinh thành Huế. 

"Chúng ta không nên suy đoán quá nhiều về ý nghĩa của bức tượng vì nó đã đặt rất nhiều nơi và khẳng định giá trị. Tượng khỏa thân là điều bình thường trên thế giới. Hơn nữa, bức tượng này đã hình tượng hóa không phải khỏa thân trần trụi. Vấn đề là đặt bức tượng ở đâu cho phù hợp với không gian văn hóa Huế. Thành phố nên sớm tiếp nhận để thắt chặt tình hữu nghị hợp tác giữa hai bên và chọn địa điểm phù hợp để đặt bức tượng", ông Hoa nói.

Nêu quan điểm cá nhân, ông Hoa nói "Người đàn ông cúi đầu" là tượng nghệ thuật đường phố đương đại, nên được đặt ở đường phố. Huế có thể xem xét đặt bức tượng ở khu vực đô thị mới An Vân Dương, nơi có nhiều tuyến đường lớn và công trình hiện đại, giúp cho bức tượng không đối chọi với các công trình di sản Huế.

Ông Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cũng cho rằng, bức tượng "Người đàn ông cúi đầu" là quà tặng đối ngoại ý nghĩa cho khu vực từng xảy ra chiến tranh, thành phố Huế nên tiếp nhận. Tuy nhiên, khi đặt bức tượng cần tránh trục thiêng sông Hương, vốn đã là một tuyệt tác, không nên đưa thêm yếu tố lạ lẫm vào để tránh phá vỡ không gian văn hoá truyền thống. 

Theo ông, trục đường Tố Hữu nơi tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng trung tâm hành chính công hướng về khu đô thị mới tươi trẻ, đầy sức sống, là không gian phù hợp, khả dĩ nhất cho bức tượng này tọa lạc.

Nhiều chuyên gia khuyên Huế nhận bức tượng 'Người đàn ông cúi đầu' ảnh 1

Công viên Dã Viên là một trong những vị trí được gợi ý đặt bức tượng. Ảnh: Võ Thạnh

Đồng tình với việc Huế nên nhận bức tượng song hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, "đặt tượng nơi công cộng sẽ không phù hợp với thuần phong, mỹ tục người Việt Nam".

Ông Chương nói, tượng khoả thân đã phổ biến trên thế giới, nhưng người Việt Nam còn xa lạ với phong cách này, nhất là ở Huế, nơi cố đô có nhiều di tích.

"Chợ Đông Ba là nơi buôn bán, không thích hợp đặt tượng. Kinh thành Huế là di tích lịch sử mang nhiều ý nghĩa với Việt Nam, không thể đặt tượng khoả thân. Tác phẩm cũng không phù hợp với cảnh quan bờ sông Hương. Tôi cho rằng nên đặt tượng ở bảo tàng Mỹ thuật Huế thay vì nơi công cộng", ông nói.

Nhiều chuyên gia khuyên Huế nhận bức tượng 'Người đàn ông cúi đầu' ảnh 2

Đường Tố Hữu, nơi các nhà văn hóa Huế đề nghị đặt bức tượng "Người đàn ông cúi đầu" do Hàn Quốc tặng. Ảnh: Võ Thạnh

Trong khi đó, hoạ sĩ Lê Thiết Cương nêu ý kiến ngược lại, "cần nhìn bức tượng của các bạn Hàn Quốc bằng con mắt nghệ thuật. Bức tượng mang thông điệp nhắc nhở mọi người sự khiêm tốn, tôn trọng, muốn lớn lên thì phải cúi thấp xuống. Đây là điều còn đang rất thiếu trong văn hoá ứng xử ở Việt Nam hiện nay".

Hoạ sĩ phân tích, để trả lời câu hỏi nên đặt bức tượng ở đâu thì phải xét đến cảnh quan kiến trúc xung quanh. "Tượng cao 6 m nhưng không phải quá lớn nếu đặt ở bên bờ sông Hương. Những ngôi nhà, công trình quanh đây khá phù hợp với tác phẩm này", ông nói.

Hơn nữa, theo hoạ sĩ Cương, bức tượng không quá tương phản với không gian kiến trúc chung của TP Huế. "Không gian văn hoá cổ kính của Huế sẽ đẹp hơn nếu có thêm những tác phẩm nghệ thuật mang nét hiện đại. Ngược lại, những tác phẩm nghệ thuật hiện đại sẽ đẹp hơn khi đặt trong không gian xứ Huế", ông chia sẻ ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết đang xin ý kiến lãnh đạo tỉnh về vị trí đặt tượng, sau khi có chủ trương từ cấp trên, Huế sẽ trả lời phía Hàn Quốc là có nhận tượng hay không; thời gian chậm nhất dự kiến cuối tháng 4.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG