“Vấn đề nằm ở chỗ liệu G-7 có thể đạt được một sự đồng thuận và nhiều nước thành viên ASEAN sẽ theo sau các bước đi của G-7 như thế nào”, một quan chức chính phủ Nhật Bản nói.
Trong tuyên bố về an ninh trên biển đưa ra sau hội nghị tại thành phố Hiroshima tháng trước, các ngoại trưởng G-7 kêu gọi “tất cả các nước cần quản lý và giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế” và “triển khai đầy đủ bất kỳ quyết định nào mà các tòa án và tòa trọng tài đưa ra”. Chính phủ Nhật tin rằng, phán quyết mà tòa trọng tài quốc tế dự kiến đưa ra trong vài tuần nữa rất có thể sẽ bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu khắp vùng biển Đông, Kyodo dẫn lời quan chức giấu tên cho biết.
Tại hội nghị thượng đỉnh G-7 dự kiến diễn ra từ ngày 26 đến 27/5 tại tỉnh Mie, Thủ tướng Abe hy vọng sẽ tái bảo đảm với các lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Mỹ về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quyết định của tòa dựa trên luật pháp quốc tế, nguồn tin tiết lộ. “Tinh thần tuyên bố của các ngoại trưởng G-7 cũng sẽ được phản ánh trong tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh G-7 sắp tới”, một quan chức chính phủ Nhật nói.
Tuy nhiên, vẫn còn phải xem ông Abe có thể dẫn dắt nhóm để đi đến đồng thuận hay không. Khác với Mỹ và Nhật Bản, Liên minh châu Âu tập trung ít hơn vào vấn đề biển Đông và chú trọng hơn quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tại cuộc họp báo với Thủ tướng Abe vào đầu tháng này tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, Đức đang hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, và đang có các cuộc thảo luận với Trung Quốc về tình hình nhân quyền và các vấn đề văn hóa. Ông Abe cũng hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ từ các lãnh đạo ASEAN, trong đó có các nước liên quan vấn đề biển Đông. Họ sẽ dự hội nghị thượng đỉnh G-7 mở rộng.
Trong khi đó, Trung Quốc hôm qua phản ứng trước báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng, báo cáo này “làm tổn hại nghiêm trọng” lòng tin lẫn nhau.
Trong báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ hôm 14/5, Bộ Quốc phòng Mỹ viết rằng, Trung Quốc dự kiến bổ sung cơ sở hạ tầng quân sự ở mức đáng kể, bao gồm hệ thống thông tin liên lạc và giám sát, trên các đảo nhân tạo trên biển Đông trong năm nay. Báo cáo nói rằng, những cơ sở hạ tầng được bổ sung này sẽ giúp Trung Quốc có được “các căn cứ dân sự - quân sự” lâu dài ở vùng biển tranh chấp. Theo báo cáo, Trung Quốc trong 2 năm qua đã bồi đắp hơn 3.200 mẫu đất lên 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà họ đang chiếm đóng. Giai đoạn bồi đắp đã hoàn thành từ tháng 10 năm ngoái, và nay Bắc Kinh đã chuyển sang phát triển hạ tầng, bao gồm đường băng dài 3.000m có thể tiếp nhận máy bay quân sự.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun bày tỏ “không hài lòng” và “kiên quyết phản đối báo cáo của Lầu Năm Góc”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng tiếp tục giọng điệu đổ lỗi cho Mỹ luôn “ngờ vực” và “thể hiện sức mạnh quân sự bằng cách thường xuyên đưa máy bay quân sự và tàu chiến vào khu vực”, hãng thông tấn Xinhua dẫn lời ông Yang.