Nhật lập đội lính thủy đánh bộ đầu tiên

Lực lượng thuộc Lữ đoàn đổ bộ nhanh Nhật Bản tham gia tập trận chung với lính thủy đánh bộ Mỹ tại tỉnh Nagasaki ngày 7/4. Ảnh: Issei Kato.
Lực lượng thuộc Lữ đoàn đổ bộ nhanh Nhật Bản tham gia tập trận chung với lính thủy đánh bộ Mỹ tại tỉnh Nagasaki ngày 7/4. Ảnh: Issei Kato.
TP - Cuối tuần qua, Nhật Bản đưa vào hoạt động đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên kể từ Thế chiến 2, với các thành viên được huấn luyện để đối phó những kẻ xâm chiếm các đảo mà Nhật quản lý dọc vùng biển Hoa Đông mà họ lo sợ dễ bị tổn thương nếu Trung Quốc tấn công.

Buổi lễ ra mắt diễn ra ở căn cứ quân sự gần Sasebo, tỉnh Nagasaki, với sự tham gia của khoảng 1.500 thành viên Lữ đoàn đổ bộ nhanh (ARDB) mặc quần áo ngụy trang. “Trong bối cảnh Nhật Bản đang đối phó tình thế an ninh và quốc phòng ngày càng khó khăn, việc bảo vệ các hòn đảo của chúng ta đã trở thành một sứ mệnh cực kỳ quan trọng”, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Tomohiro Yamamoto phát biểu tại buổi lễ.

Biểu diễn trước khán giả, các thành viên của lữ đoàn thực hiện bài diễn tập trong 20 phút giả lập tình huống chiếm lại một đảo xa từ những kẻ xâm lược. Lữ đoàn thủy quân lục chiến là bổ sung mới nhất cho lực lượng thủy quân Nhật đang ngày càng lớn mạnh, được trang bị các tàu sân bay trực thăng, tàu đổ bộ, trực thăng cánh xoay Osprey và các phương tiện tấn công đổ bộ nhằm ngăn chặn Trung Quốc đẩy nhanh năng lực tiếp cận vùng Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc đang vượt mặt Nhật Bản về chi tiêu quốc phòng. Năm 2018, Bắc Kinh chi hơn 1.100 tỷ nhân dân tệ (gần 4 triệu tỷ đồng) cho quân đội, gấp 3 lần mức chi của Nhật Bản.

Việc thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ đưa Nhật Bản tiến một bước gần hơn đến chỗ thành lập lực lượng giống Đơn vị viễn chinh của Hải quân Mỹ, với năng lực lên kế hoạch và triển khai các chiến dịch trên biển ở xa căn cứ nhà. “Họ đã thể hiện khả năng lập ra một đơn vị viễn chinh. Nhưng để có một đơn vị viễn chinh cứng cỏi thì cần nhiều nỗ lực phối hợp”, Reuters dẫn lời nhà nghiên cứu Grant Newsham, công tác tại Diễn đàn Nghiên cứu chiến lược Nhật Bản. Nhà nghiên cứu này cho rằng, nếu Nhật quyết làm điều đó thì trong vòng 1 hoặc 1 năm rưỡi, họ sẽ thực hiện xong. Là người từng giúp đào tạo những lính đổ bộ đầu tiên của Nhật Bản với tư cách sĩ quan liên lạc của Thủy quân lục chiến Mỹ, ông Newsham cho rằng, Nhật Bản vẫn cần những trung tâm đổ bộ phối hợp thủy - lục quân để phối hợp các chiến dịch cũng như cần thêm tàu đổ bộ để vận chuyển lính và trang thiết bị. Các nhà hoạch định của quân đội Nhật cũng đang tính bổ sung những thứ đó.

Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản muốn mua thêm các tiêm kích tàng hình F-35B để hoạt động trên các tàu sân bay trực thăng Izumo và Ise hoặc từ các đảo dọc biển Hoa Đông, các nguồn tin cho biết. Tháng trước, Mỹ đưa các máy bay F-35B ra thực hiện chiến dịch trên biển đầu tiên trên tàu đổ bộ tấn công USS Wasp đang đóng tại căn cứ Sasebo ở Nhật. Cảng Kyushu cũng là nơi neo đậu của tàu sân bay trực thăng Ise và gần căn cứ của Lữ đoàn thủy quân lục chiến.

Cần kinh nghiệm thực tế

Cách đây khoảng 10 năm, việc phát triển các chiến thuật đổ bộ cho lực lượng đổ bộ tấn công vào bờ biển do kẻ thù nắm giữ bị coi là điều cấm kỵ ở Nhật, khi Hiến pháp nước này giới hạn năng lực của Lực lượng phòng vệ chỉ ở mức cần thiết tối thiểu. Việc thành lập lữ đoàn thủy quân lục chiến vẫn gây tranh cãi khi những người phản đối cho rằng, các đơn vị thủy quân lục chiến có thể hoạt động như quân đội và có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng của Nhật Bản. Hiến pháp Nhật Bản từ sau Thế chiến 2 đến nay không cho phép nước này có quyền phát động chiến tranh.

Nhưng trước thực tế Trung Quốc ngày càng mở rộng năng lực trên biển và các tranh chấp chủ quyền giữa hai nước quanh chuỗi đảo nhỏ Senkaku/Điếu Ngư khiến Tokyo phải tăng cường phòng thủ ở các đảo phía tây nam, khu vực mở rộng hơn 1.000km từ đảo Kyushu xuống phía Đài Loan.

“Tôi tin rằng sự hiện diện của lực lượng đổ bộ sẽ có tác dụng tốt nhằm chống lại những nước có ý đồ tiến vào lãnh thổ của chúng ta”, Kyodo dẫn lời ông Koichi Isobe, trung tướng nghỉ hưu của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản. Ông cho rằng, “năng lực răn đe” sẽ được tăng cường thông qua hợp tác giữa lực lượng thủy quân lục chiến của Nhật với Mỹ.

Ông Robert Eldridge, chuyên gia Mỹ chuyên nghiên cứu về quốc phòng Nhật Bản, hoài nghi lực lượng đổ bộ mới thành lập sẽ là giải pháp cho tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư. Ông cho rằng, chính phủ Nhật nên làm nhiều hơn nữa để thể hiện khả năng kiểm soát rõ ràng đối với quần đảo nhỏ không người ở này bằng cách xây dựng các cơ sở hạ tầng dân sự như cảng biển và hải đăng. “Tôi nghĩ chính phủ đang đặt gánh nặng quá lớn lên Lực lượng phòng vệ”, ông nói. Nhưng ông Eldridge cho rằng, việc Nhật Bản phát triển năng lực đổ bộ vẫn là điều quan trọng vì có thể sử dụng vào mục đích cứu trợ thảm họa, trong những tình huống như cứu hộ tàu dân sự trục trặc, đối phó những cuộc tấn công của các nhóm vũ trang hoặc khủng bố có thể xảy ra. Theo chuyên gia này, đơn vị mới thành lập của Nhật cần nhiều kinh nghiệm thực tế hơn vì họ chưa từng tham gia chiến trường thực sự kể từ sau Thế chiến 2.

Trong bối cảnh lữ đoàn mới ra đời để đảm trách vị trí mới của quốc phòng, Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản đang đối mặt sự suy giảm niềm tin của người dân trước những cáo buộc mới nổi lên về việc che giấu nhật ký hoạt động ở nước ngoài. Chưa đầy 1 năm trước, một bộ trưởng quốc phòng Nhật phải từ chức sau bê bối liên quan việc che giấu hoạt động của lực lượng này. Ông Eldridge cho rằng, lực lượng vũ trang Nhật cần tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình để có thể tiếp tục phát triển hoạt động dựa trên ủng hộ của người dân.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".