Nhật có thể đưa tàu quét mìn tới gần Triều Tiên

Theo chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ, Nhật Bản có thể đưa tàu quét thủy lôi vào vùng biển Hàn Quốc nếu chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Wikipedia
Theo chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ, Nhật Bản có thể đưa tàu quét thủy lôi vào vùng biển Hàn Quốc nếu chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Wikipedia
TP - Một phó đô đốc Mỹ vừa nói rằng, quyết định cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể mở đường cho Nhật Bản triển khai tàu quét thủy lôi trong vùng biển Hàn Quốc, trong trường hợp có chiến tranh với CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc lên án Mỹ phá hoại ổn định ở khu vực. 

Việc rà quét ngư lôi trong vùng biển Hàn Quốc sẽ mang lại cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vai trò lớn hơn trong quan hệ đồng minh an ninh với Mỹ và trao cho Washington sự hỗ trợ ở khu vực mà tăng trưởng kinh tế đang đồng hành tăng nhanh chi tiêu quốc phòng.

“Khi bạn nhìn vào bán đảo Triều Tiên và những thách thức chiến tranh thủy lôi, đặc biệt ở giai đoạn đầu của xung đột, Nhật Bản có thể là một tài sản quan trọng”, Reuters dẫn lời Phó đô đốc Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, phụ trách đội tàu 80 chiếc, trong đó có tàu sân bay USS George Washington. Đây là hạm đội mạnh nhất ở châu Á. 

Quân đội Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ thường xuyên tập trận chung, trong đó có các bài tập dò thủy lôi, trong vùng biển quốc tế. Với khoảng 120 tàu chiến, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản là “đồng minh biển mạnh nhất của Mỹ”, ông Thomas nói.

Hạm đội 7 vẫn theo dõi hoạt động của Trung Quốc trong khu vực, nhưng nhiệm vụ ưu tiên lớn nhất của lực lượng này là giám sát Triều Tiên, trong bối cảnh Triều Tiên nhiều lần đe dọa tấn công Mỹ và Hàn Quốc bằng tên lửa hạt nhân.

Một chiến thuật mà Triều Tiên có thể sử dụng trong bất kỳ cuộc xung đột nào là rải thủy lôi quanh thành phố Pusan, mũi đông nam Hàn Quốc gần với Nhật Bản. Thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc có cảng biển lớn thứ 5 thế giới và là nơi hầu hết lượng hàng xuất nhập khẩu của Hàn Quốc đi qua.

Trong khi đó, Trung Quốc vừa lên tiếng chỉ trích Mỹ phá hoại ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương với việc đặt radar quét tên lửa ở Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nhật Bản trước đó cho biết, một hệ thống radar X-Band được đưa đến cơ sở thông tin liên lạc của quân đội Mỹ tại thành phố Kyoto hôm 21/10. Hệ thống này dự kiến hoạt động đầy đủ vào cuối năm nay, báo Nhật Bản Japan Times đưa tin.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel gần đây nói rằng, hai tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ được đưa đến Nhật Bản vào năm 2017, để đáp trả những hành động khiêu khích của Triều Tiên. 

Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu quốc phòng những năm gần đây, triển khai nhiều tàu ngầm, tàu nổi và các hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm mà Mỹ coi là để đáp trả sự hiện diện quân sự của nước này tại khu vực.

Việt-Nhật trao đổi về chính sách an ninh, quốc phòng 

Trong cuộc đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản lần thứ năm diễn ra hôm qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama trao đổi về chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng của mỗi nước và về các vấn đề quốc tế, khu vực.

Trong cuộc gặp với báo giới sau đối thoại, Thứ trưởng Sugiyama cho biết, hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, và phát triển ở khu vực, các vấn đề trên biển cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Hai bên nhất trí tổ chức vòng đối thoại tiếp theo tại Nhật Bản năm 2015.

MỚI - NÓNG