Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi, một nhà thầu quốc phòng vốn nổi tiếng với máy bay chiến đấu Zero thời Thế Chiến 2, dự kiến sẽ "trình làng" chiếc Mitsubishi Regional Jet (MRJ), một máy bay thế hệ mới tiết kiệm nhiên liệu mà hãng chế tạo khẳng định là giúp khách hàng thoải mái hơn với chi phí hoạt động thấp.
MRJ, dự kiến được giao cho khách hàng từ năm 2017 và được chế tạo với sự trợ giúp của tập đoàn hàng không Mỹ Boeing, sẽ được ra mắt tại một buổi lễ ở thành phố Nagoya, miền trung Nhật Bản vào hôm nay 18/10.
"Chương trình MRJ đã đạt được những tiến triển vững vàng. Thiết kế động lực học hiện đại và động cơ mới sẽ giúp cắt giảm đáng kể nhiên liệu, tiếng ồn, khí thải, giúp các hãng hàng không tăng cường tính cạnh tranh và lợi nhuận trong tương lai", ông Teruaki Kawai, chủ tịch kiêm giám đốc điều hàng của hãng chế tạo máy bay Mitsubishi Aircraft cho biết trong một tuyên bố gần đây.
MRJ đánh dấu một chương mới cho ngành hàng không củ Nhật, vốn chế tạo chiếc máy bay thương mại gần đây nhất vào năm 1962 - chiếc YS-11. Máy bay này đã bị ngừng sản xuất khoảng một thập niên sau đó.
Các công ty Nhật đã bị Mỹ cấm phát triển máy bay sau thất bại trong Thế chiến 2.
Nhật Bản đã dần dần bắt đầu tái xây dựng ngành công nghiệp hàng không vào những năm 1950, khởi động với việc thực hiện công việc sửa chữa cho các máy bay Mỹ, trước khi mở rộng quy mô để sản xuất máy bay do Mỹ phát triển cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Các công ty Nhật từ lâu cũng cung cấp các bộ phận máy bay cho Boeing.
Chiếc máy bay chở khách tầm ngắn và tầm trung của Mitsubishi, với phiên bản 70 và 90 chỗ ngồi, nhận được sự ủng hộ của chính phủ Nhật và một tập đoàn gồm các công ty lớn trong đó có Toyota, với chi phí nghiên cứu và phát triển vào khoảng 180 tỷ yen (1,7 triệu USD).
Mỗi chiếc MRJ có giá 40 triệu USD.
Cuộc cạnh tranh với các đối thủ
Mitsubishi cho biết hãng này đã nhận được 375 đơn đặt hàng từ các hãng hàng không, trong đó có All Nippon Airways (ANA) của Nhật, Trans States Holdings và SkyWest của Mỹ.
Japan Airlines (JAL) cũng dự định mua 32 chiếc MRJ cho các chuyến bay nội địa .
Dự án MRJ khởi động vào năm 2008 sau khi ANA nhất trí mua 24 máy bay. Nhưng dự án sau đó gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Dự án lấy đà trở lại khi Tokyo cố gắng thu hút nhiều du khách nước ngoài tới Nhật Bản trước Thế vận hội Mùa Hè 2020 tại Tokyo.
Chính phủ Nhật cũng đặt mục tiêu mở rộng thị phần của các công ty nước này trong ngành hàng không và quân sự toàn cầu.
MRJ sẽ cạnh tranh với các máy bay chở khách loại nhỏ do tập đoàn Embraer của Brazil và Bombardier của Canada chế tạo, cũng như các máy bay của các công ty Trung Quốc và Nga.
Mitsubishi đang nhắm tới nhu cầu khoảng 5.000 chở khách loại nhỏ trên toàn cầu trong 2 thập niên tới.
Hãng chế tạo ô tô Honda của Nhật cũng đang phát triển một máy bay thương mại, và chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao vào năm tới tại Bắc Mỹ và châu Âu.
Theo An Bình