Nhật Bản cần hàng trăm tỷ USD tái thiết

Nhật Bản cần hàng trăm tỷ USD tái thiết
TP - Để tàn phá hoàn toàn vùng đông bắc Nhật Bản, thiên tai chỉ cần vài phút nhưng để tái thiết vùng này cần nhiều năm với hàng trăm tỷ USD, các chuyên gia ước tính.

> Toàn cảnh vụ động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản
> Động đất 6,1 richter lại tấn công Nhật Bản

Nhiều người dân không muốn trở về sống ở nơi bị tàn phá. Ảnh: AP
Nhiều người dân không muốn trở về sống ở nơi bị tàn phá. Ảnh: AP.

Động đất 9 độ Richter gây sóng thần 10 m làm hơn 5.000 người thiệt mạng, trên 10.000 mất tích.

Bốn tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất là Iwate, Miyagi, Fukushima và Ibaraki. Đây là vùng đất nuôi dưỡng nhiều ngành công nghiệp chiến lược của Nhật Bản như điện tử, phụ tùng xe hơi, lắp ráp ô tô, nông nghiệp; mỗi năm sản xuất ra lượng sản phẩm tổng cộng bằng 6% GDP của cả nước. Thế mà chỉ sau vài phút động đất và sóng thần, toàn bộ vùng nông nghiệp hiện đại và khu công nghiệp nhộn nhịp biến thành một bãi sình lầy đầy rác.

Hàng trăm ngàn người sống sót phải chịu đói rét, thiếu đồ ăn, thức uống… Cảng biển Sendai lớn nhất vùng đông bắc bị phá hủy. Trước khi xảy ra thảm họa, cảng này là nơi xuất phát của những con tàu chở container xuất nhập cao su, hải sản, máy văn phòng, phụ tùng ô tô, giấy... Ba hải cảng khác nhỏ hơn gồm Hachinohe, Ishinomaki và Onahama cũng bị hư hỏng nặng; muốn khôi phục hoạt động phải mất nhiều tháng.

Vùng đông bắc có 6 nhà máy lọc dầu với tổng công suất 1,4 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 1/3 năng lực lọc dầu toàn quốc. Hiện nay, tất cả đều phải đóng cửa. Nhà máy thép Kamaishi của tập đoàn Nippon Steel chuyên phục vụ sản xuất phụ tùng ô tô bị phá hủy. Sony có một số nhà máy điện tử và quang dẫn ở khu vực này cũng bị phá hủy. Toshiba, Toyota… đều có nhà máy ở vùng đông bắc bị tàn phá nặng nề do động đất và sóng thần.

Các chuyên gia kinh tế ước tính thiệt hại vật chất vượt quá con số 159 tỷ USD mà trận động đất san phẳng thành phố miền trung Kobe năm 1995 gây ra. Riêng ngành bảo hiểm ước tính thiệt hại 60 tỷ USD.

Giáo sư Jun Yang của Trường Đại học Hong Kong cho rằng, Nhật Bản cần ít nhất 10 năm mới sửa chữa, xây mới các cơ sở kinh tế, xã hội tại bốn tỉnh nói trên. Đấy là chưa kể thời gian để khử độc bụi phóng xạ hạt nhân do sự cố tại các lò phản ứng của nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 gây ra.

Chuyên gia xây dựng Úc Ken Collis, cho rằng, sẽ mất một năm đầu xây dựng nhà tạm cho dân địa phương cũng như để lên kế hoạch tái thiết. Năm tiếp theo dành cho việc thiết kế lại đường bộ, rãnh thoát nước, cầu cống, nhà cửa trong thành phố. Năm thứ ba để gọi thầu và đấu thầu. Như vậy, riêng khâu chuẩn bị cho việc thực sự xây dựng tái thiết đã mất 3 năm.

Theo ông Collis, trước mắt, các nhà quy hoạch Nhật Bản đối mặt 2 vấn đề hóc búa: có nên tái thiết các thành phố như trước khi bị động đất, sóng thần và có nên xây dựng các thành phố, trung tâm công nghiệp ở đúng nơi vừa bị tàn phá?

Sau thảm họa kép động đất, sóng thần, phóng xạ hạt nhân, nhiều người dân mắc hội chứng hoảng sợ mỗi khi nhìn thấy nơi mà người thân và nhà cửa của họ vĩnh viễn ra đi. Chắc chắn nhiều người không muốn trở về sống tại nơi đó nữa. Nếu vậy, một vùng đất khác để xây mới các thành phố và nhà máy cần được nhà chức trách xác định trước khi công cuộc tái thiết bắt đầu.

Đ.P
Theo AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG