Hiện tại trên cả nước tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là gần 90% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều vắc xin khoảng 56% dân số từ 18 tuổi trở lên. Bộ Y tế thống kê, có 58 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 20 tỉnh đạt tỉ lệ trên 95%. Còn 5 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin dưới 70% dân số từ 18 tuổi trở lên là Thanh Hóa, Sơn La, Nghệ An, Nam Định và Quảng Bình. Bộ Y tế đang phân bổ vắc xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng. Hiện có 29/63 tỉnh có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó 4 tỉnh có tỉ lệ bao phủ trên 90% là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai và Long An.
Cục Khoa học- Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết số tỉnh thành điều trị có kiểm soát bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà hiện đã lên 34, tăng 12 địa phương so với đầu tháng 11. TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước sử dụng thuốc này cho điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà. Bộ Y tế vừa cấp phát cho TP HCM thêm 5.000 liều thuốc Molnupiravir để kịp thời điều trị người bệnh COVID-19. Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản gửi Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo xin cấp thêm 100.000 liều thuốc Molnupiravir dùng điều trị bệnh nhân COVID-19. Tính từ khi TPHCM thí điểm điều trị có kiểm soát bằng thuốc Molnupiravir, Bộ Y tế đã cấp 110.000 liều.
Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỉ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với chỉ số virus SARS-CoV-2 trong cơ thể (CT) ở mức lớn hơn hoặc bằng 30 từ 72% - 99%. Tỉ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%. Tỉ lệ chuyển nặng rất thấp, từ 0,02%-0,06% và không có ca nào tử vong. Các kết quả rất khả quan của chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TPHCM và các địa phương có dịch.
Ngày 21/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lí ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.889 ca nhiễm mới với 7 ca nhập cảnh và 9.882 trường hợp trong nước (tăng 364 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành, có hơn 5.300 ca trong cộng đồng. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: hơn 5.100 ca. Có gần 5 nghìn bệnh nhân nặng đang điều trị. Số bệnh nhân tử vong trong ngày là 76 ca.
Hà Nội phân bổ hơn 100.000 liều vắc xin AstraZeneca
Sở Y tế Hà Nội vừa phân bổ 103.920 liều vắc xin AstraZeneca cho 30 quận, huyện, đáp ứng gần 80% nhu cầu tiêm cho người dân trong tháng 11. Số vắc xin mới cấp này được sử dụng để tiêm mũi hai cho người đã tiêm mũi một cùng loại ngay sau khi đã đủ 4 tuần, hoặc tiêm mũi một cho các đối tượng chưa được tiêm. Trong đợt phân bổ này, quận Hoàng Mai nhận số lượng vắc xin nhiều nhất với 31.600 liều; tiếp đến là quận Hai Bà Trưng nhận 11.020 liều; quận Bắc Từ Liêm nhận 6.900 liều; huyện Đông Anh nhận 6.000 liều...
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, Hà Nội đã tiêm được gần 11,5 triệu liều vắc xin.
Dựa trên dự kiến phân bổ của Bộ Y tế, thành phố Hà Nội lên kế hoạch để tiêm chủng nhanh nhất cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, vắc xin vẫn chưa về và phụ thuộc vào phân bổ của Bộ Y tế. Theo kế hoạch, trong quý 4 có gần 792 nghìn trẻ được tiêm, trong đó gần 520 nghìn trẻ từ 12 đến dưới 16 tuổi và hơn 272 nghìn trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi.